Tham vọng xây dựng trung tâm sản xuất vắc-xin khép kín quy mô lớn

0:00 / 0:00
0:00
Nếu có khoản vay vốn của Ngân hàng Thế giới, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam sẽ xây dựng trung tâm sản xuất vắc-xin khép kín.
Việt Nam là một trong 39 quốc gia có hệ thống quản lý về vắc-xin đạt chuẩn quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Việt Nam là một trong 39 quốc gia có hệ thống quản lý về vắc-xin đạt chuẩn quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm bền vững nguồn cung vắc-xin tại Việt Nam, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã có buổi làm việc trực tiếp với bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) và bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Y tế đề xuất Ngân hàng Thế giới có những dự án viện trợ không hoàn lại, nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến dịch tiêm chủng, nghiên cứu, phát triển vắc-xin Covid-19 cũng như công tác phòng, chống dịch.

Ông Long khẳng định Việt Nam là một trong 39 quốc gia có hệ thống quản lý về vắc-xin đạt chuẩn quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nước ta cũng là một trong 44 quốc gia có thể sản xuất vắc-xin. Tuy nhiên, hiện tại rất ít khoản đầu tư cho lĩnh vực này.

Do đó, Bộ trưởng Y tế đề xuất nếu có khoản vay vốn của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam sẽ xây dựng trung tâm nghiên cứu, phát triển vắc-xin và sinh phẩm y tế; xây dựng nhà máy sản xuất vắc-xin đáp ứng nhu cầu của chương trình tiêm chủng mở rộng cũng như phòng ngừa đại dịch xảy ra trong tương lai (nếu có).

“Quy trình khép kín từ nghiên cứu, sản xuất đến kiểm định vắc-xin có ý nghĩa rất quan trọng để nâng cao năng lực tổng thể phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam. Việt Nam luôn ưu tiên công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Do đó, mong Ngân hàng Thế giới ủng hộ những dự án này của Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Trước đề xuất của lãnh đạo Bộ Y tế Việt Nam, bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh đây là đề xuất quan trọng. Vị chuyên gia cho rằng hai tổ chức cần làm việc sớm, phối hợp, thống nhất giữa các bộ, ngành để trong thời gian ngắn, có thể huy động các nguồn vốn trong dự án mà Ngân hàng Thế giới chưa sử dụng hết tại Việt Nam.

Ngoài ra, bà Kwakwa gợi ý nước ta kết hợp thêm các nguồn viện trợ hoặc vốn vay khác để nhanh chóng thiết kế thành dự án mới cho ngành Y tế Việt Nam.

Về nguồn vốn không hoàn lại của dự án hỗ trợ khẩn cấp cho đại dịch, đại diện Ngân hàng Thế giới cho biết đã giải ngân xong. Với dự án mới, bà sẽ tiếp tục tìm hiểu và phản hồi sớm.

Về năng lực sản xuất vắc-xin của Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã sản xuất được 10 loại vắc-xin, trong đó, có 8 vắc xin được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Hiện Việt Nam có 4 nhà máy sản xuất vắc-xin và đã sản xuất được nhiều loại vắc-xin như vắc-xin lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm gan A, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn… Đặc biệt, từ tháng 4/2018, vắc-xin sởi-rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất được triển khai trong tiêm chủng thường xuyên trên toàn quốc.

Liên quan tới nguồn cung vắc-xin, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, dự kiến gần 30 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 về Việt Nam trong 3 tháng tới, hơn 100 triệu liều về trong quý IV.

GS.TS Trần Văn Thuấn thông tin, đến nay, tổng số liều vắc-xin từ nguồn mua, viện trợ là khoảng 125 triệu liều. Trong đó, nguồn Covax Facility có 38,9 triệu liều; nguồn ký 3 bên giữa Bộ Y tế, Công ty Cổ phần Vắc-xin Việt Nam và AstraZeneca có 30 triệu liều; nguồn thứ ba ký với Pfizer, trong năm 2021 sẽ về 31 triệu liều (dự kiến quý III về 3 triệu liều, quý IV về 28 triệu liều).

Tháng 7, dự kiến có khoảng 8 triệu liều vắc-xin về Việt Nam, trong tháng 8-9 sẽ có thêm 20-21 triệu liều. Số vắc-xin này chủ yếu là AstraZeneca và Pfizer.

Ngoài ra, Việt Nam có nguồn viện trợ từ một số nước, tổ chức như Nhật Bản, Trung Quốc, UNICEF… với khoảng 5-10 triệu liều.

“Mới đây nhất, Ấn Độ đã đồng ý bán cho Việt Nam tổng cộng 15 triệu liều vắc-xin Covid-19 trong năm 2021, trong đó 6 triệu liều sẽ về trong quý III, số còn lại về trong quý IV”, ông Thuấn nói.

Với nguồn vắc-xin Sputnik V của Nga, Việt Nam vẫn đang đàm phán để mua 40 triệu liều, nhiều khả năng 20 triệu liều sẽ về trong năm 2021.

Ngoài ra, sẽ có nguồn 5 triệu liều vắc-xin Moderna đàm phán qua công ty Zuellig Pharma. Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, do lượng lớn vắc-xin sẽ về vào cuối năm, Việt Nam đang xây dựng chiến lược tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay. Dự kiến khi triển khai, có thể tiêm tối đa hơn 1 triệu liều mỗi ngày.

Ông Thuấn nhấn mạnh, nguồn cung vắc-xin trên thế giới từ nay đến tháng 9 vẫn rất khan hiếm, do đó số lượng vắc-xin chắc chắn về Việt Nam chỉ mang tính tương đối.

Việc phân bổ vắc-xin hiện nay dựa trên cân bằng nhiều yếu tố như tỷ lệ mắc bệnh, dân số, mật độ dân số hoặc các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp.

Tin bài liên quan