Tham vọng
Vừa trải qua một năm làm ăn bết bát với số lỗ 92 tỷ đồng, CTCK Bảo Việt (BVS) trình ĐHCĐ kế hoạch kinh doanh năm 2011 với 246,3 tỷ đồng doanh thu và 100,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
CTCK TP. HCM (HSC) cũng đặt ra kế hoạch lạc quan với tổng doanh thu 436,516 tỷ đồng (tăng 20% so với năm 2010), lợi nhuận sau thuế 237,226 tỷ đồng (tăng 30% so với năm ngoái). Bên cạnh việc đặt trọng tâm vào dịch vụ môi giới, HSC định hướng sẽ bắt đáy thị trường năm 2011 với danh mục tự doanh được phân bổ đến 300 tỷ đồng với giả định lợi suất là 12%/năm. Danh mục đầu tư cổ phiếu OTC được HSC duy trì bằng với mức cuối năm 2010 với mức sinh lời là 3% giá vốn, kỳ vọng cổ tức nhận được là 3,3 tỷ đồng. Dự kiến, sau khi công ty này tăng vốn từ hơn 598 tỷ đồng lên gần 1.000 tỷ đồng vào quý II/2011, danh mục đầu tư trái phiếu có thể được phân bổ đến 400 tỷ đồng (số dư trung bình là 200 tỷ đồng) với giả định lợi suất tối thiểu là 12%/năm.
Không chỉ đề ra kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận ở mức khá cao, CTCK Dầu khí (PSI) còn đặt mục tiêu tăng vốn từ gần 600 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng trong năm 2011. Đây là một tham vọng lớn, nhất là trong bối cảnh TTCK ảm đạm, nhiều nhà đầu tư rời bỏ chứng khoán, đồng thời dòng tiền bị nghẽn lại dưới áp lực của chính sách tiền tệ thắt chặt như hiện nay.
Vừa thực hiện đổi tên và chuẩn bị tăng vốn từ 35,1 tỷ đồng lên 161 tỷ đồng, CTCK Navibank (NVS) cũng đặt ra những kế hoạch khá tham vọng: trong 3 năm tới sẽ trở thành 1 trong 20 CTCK đứng đầu về thị phần.
Thực hiện thâu tóm bằng việc mua đến trên 90% cổ phần của CTCK Standard, đổi tên, chuyển trụ sở chính từ Vũng Tàu ra Hà Nội, thực hiện tăng vốn lên 300 tỷ đồng, CTCK Ngân hàng Hàng hải (MS1) cũng đặt ra lộ trình phát triển nhanh ngay trong năm 2011 đầy khó khăn này.
Ngoài việc đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 42 tỷ đồng, MS1 sẽ khai trương sàn giao dịch tại Hà Nội (tháng 4), mở Chi nhánh TP. HCM (cuối tháng 5), Hải Phòng (cuối tháng 7). Bên cạnh đó là tìm kiếm các cơ hội mua thâu tóm DN có tiềm năng trên thị trường.
Kế hoạch treo?
Là định chế trung gian gắn bó chặt chẽ với diễn biến TTCK, các kế hoạch kinh doanh đều được CTCK xây dựng trên trên giả định về chỉ số VN-Index và giá trị giao dịch. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế 237,226 tỷ đồng được HSC đưa ra với giả định giá trị giao dịch trung bình toàn thị trường năm 2011 sẽ tăng 20% so với năm 2010 và đạt mức giao dịch trung bình 3.000 tỷ đồng/ngày với 250 phiên giao dịch. BVSC đặt kế hoạch lợi nhuận 100 tỷ đồng với giả định VN-Index đạt 550 điểm vào cuối năm nay. Theo đó, Công ty sẽ giảm tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu, nâng tỷ trọng hoạt động các dịch vụ như môi giới, tư vấn...
Có thể nói, cả kịch bản về chỉ số và giá trị giao dịch trên thị trường được HSC và BVS đưa ra đều khá lạc quan nếu nhìn vào những yếu tố vĩ mô và thực tế giao dịch hiện nay. Trong trường hợp thị trường không thuận lợi như ước tính thì kết quả kinh doanh của các DN này sẽ ra sao?
Theo ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán, từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh thị trường kiệt quệ thanh khoản, hoạt động của đa phần CTCK hết sức khó khăn. Chỉ những DN có cổ đông lớn là định chế tài chính hoặc thuộc lĩnh vực đặc thù mới có thể tạo niềm tin và sức mạnh cho CTCK hoạt động. Thừa nhận năm 2011 khó khăn, nhưng ông Phạm Quang Huy, Tổng giám đốc PSI khẳng định, việc tăng vốn là nằm trong tầm tay của Công ty. Đến tháng 6/2011, PSI sẽ công bố đối tác chiến lược nước ngoài với việc bán cổ phiếu cho đối tác này để tăng vốn. Nói về chiến lược kinh doanh năm nay, ông Huy cho biết, với thanh khoản thị trường thấp, PSI không đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh mảng môi giới. Công ty sẽ tập trung vào nghiệp vụ tư vấn tài chính, mua bán, sáp nhập DN và thu xếp bán cổ phần huy động vốn cho các DN trong Tập đoàn Dầu khí.
"Mục tiêu của chúng tôi năm nay là bảo toàn vốn, củng cố nội tại để chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng phục hồi của thị trường vào năm sau", ông Phạm Ngọc Thắng, Tổng giám đốc NVS cho biết. Đầu tư công nghệ có chiều sâu, giữ chân được nhân sự qua giai đoạn khó khăn là những việc làm cụ thể mà công ty này đã và đang thực hiện.
"Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, ngay nội tại CTCK đang xác định lại các mảng hoạt động cho phù hợp. Mảng môi giới là linh hồn của CTCK, nhưng hiện nay mảng này không mang lại doanh thu chính, mảng đầu tư, tư vấn sẽ được chú trọng. Tuy nhiên, về lâu dài, vẫn phải củng cố mảng môi giới theo hướng tư vấn cho nhà đầu tư đạt được hiệu quả đầu tư (tư vấn để nhà đầu tư thắng được thị trường), chứ không làm công việc đơn giản, trung gian thuần túy", ông Minh nói. Giai đoạn này, MS1 không chỉ chú trọng vào tư vấn tài chính, tư vấn tái cấu trúc DN mà còn có thể thực hiện mua những DN tốt có tiềm năng phát triển dài hạn trên cơ sở tiềm lực tài chính mạnh của các cổ đông sáng lập.
Thị trường khó khăn nhưng không có nghĩa hoạt động của các CTCK đang ngưng trệ. Hoạt động tái cấu trúc tài chính và đổi mới nhân sự tại nhiều CTCK đang diễn ra mạnh mẽ với tham vọng vượt khó để vươn lên...