Lợi nhuận gộp của TNG hiện vào khoảng 17%, cao hơn mức bình quân của doanh nghiệp trong ngành có cùng quy mô ở mức 14,8%. So với 2 doanh nghiệp dệt may đang niêm yết trên HOSE, lợi nhuận gộp của TNG thấp hơn TCM 1% và cao hơn GMC 1%.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch TNG cho biết, năm 2019, TNG sẽ phấn đấu tăng lợi nhuận gộp lên trên 18% và mục tiêu xa hơn là tăng biên lợi nhuận gộp lên 25%.
Chọn khách hàng hiệu quả
Những chuyển động gần đây của TNG khiến giới phân tích đánh giá mục tiêu trên đang được hiện thực hóa. Cụ thể, TNG thực hiện cơ cấu lại khách hàng tập trung vào các khách hàng lớn, có thương hiệu và uy tín.
Ông Thời cho biết, năm nay, TNG gặp nhiều thuận lợi về công tác đơn hàng như tìm kiếm được các đơn hàng số lượng lớn, dòng sản phẩm phù hợp với thế mạnh của Công ty.
Hai khách hàng lớn nhất của TNG là Decathlon và The Children’s Place (TCP) đang chiếm khoảng 66,5% giá trị đơn hàng năm 2018, trong đó Decathlon chiếm 40%. TNG đã chủ động giảm đơn hàng từ những đối tác nhỏ và nhận thêm đơn hàng từ đối tác lớn. Decathlon (Pháp) là một trong 20 nhà phân phối hàng đầu thế giới, chọn lựa đối tác vô cùng khắt khe.
Hiện nay ở Việt Nam, chỉ có TNG ở miền Bắc và 1 doanh nghiệp ở phía Nam đáp ứng được các yêu cầu của tập đoàn này.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, làm việc với Decathlon, doanh nghiệp có khả năng minh bạch tuyệt đối bởi họ kiểm soát rất chặt chẽ chi phí và định mức giá thành. Do đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp hợp tác với Decathlon cũng cao hơn các doanh nghiệp khác.
TNG cũng đã có đơn hàng với Levy. Điểm đáng chú ý trong hợp tác với khách hàng này là TNG sẽ trực tiếp tìm kiếm nguyên liệu phục vụ sản xuất, (thông thường nguồn nguyên liệu sẽ do đối tác chỉ định nguồn mua) hoặc đối tác tự cung cấp để TNG sản xuất. Bởi vậy, biên lợi nhuận gộp với Levy sẽ cao hơn so với các đơn hàng hiện tại, dự kiến có thể đạt tới 25%.
Việt Nam đang chuyển mình thành một trung tâm sản xuất dệt may mới của thế giới do Trung Quốc đang mất ưu thế cạnh tranh về chi phí sản xuất (nhân công và môi trường).
Các đơn hàng dệt may có xu hướng chuyển dịch về Việt Nam để tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại Việt Nam đang có, chẳng hạn, Việt Nam có thể tăng thị phần lên nhiều lần ở thị trường EU khi EVFTA có hiệu lực do được hưởng ưu đãi thuế quan.
Là một trong các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu lớn nhất Việt Nam, sở hữu 11 chi nhánh may và 2 chi nhánh sản xuất hàng may mặc phụ trợ với tổng số 228 chuyền may, TNG có lợi thể trong việc đàm phán nhận đơn đặt hàng mới.
TNG có lợi thế trong đàm phán đơn hàng mới
Theo dữ liệu từ công ty, lượng hàng TNG ký xác nhận đã đủ đến hết quý I và quý II năm 2018. Công suất bình quân của tất cả các nhà máy TNG hiện đạt 80% so với công suất thiết kế.
Theo kế hoạch đến 2020, Công ty sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh bằng việc đầu tư xây dựng các nhà máy mới như TNG Phú Lương, TNG Võ Nhai với tổng số vốn lên tới 1.460 tỷ đồng.
Theo đuổi giấc mơ hàng tự thiết kế
Bên cạnh mở rộng quy mô sản xuất thương mại, TNG có định hướng khẳng định vị thế tại thị trường trong nước với hệ thống chuỗi cửa hàng TNG Fashion Store giới thiệu và bán các sản phẩm mang thương hiệu TNG. Chi nhánh thời trang TNG hiện có 8 chuyền may với 32 cửa hàng và 12 đại lý trên hơn 20 tỉnh thành tại Việt Nam, chủ yếu tại phía Bắc.
Sản xuất theo phương thức ODM (lên ý tưởng, thiết kế, chào bán) rất vất vả nhưng bù lại lợi nhuận gộp có thể tới 40%. TNG Fashion hiện chiếm 5% doanh thu, Công ty đặt mục tiêu gia tăng tỷ trọng lên 20-25% trong 10 năm tới.
Tại Việt Nam, hiện có khá nhiều thương hiệu thời trang trong nước như Ivy Moda, Chic-land, Kelly Bui, Seven AM, Nem, Eva de Eva, Format, Pantino, Elise…
Lợi thế của TNG là hơn 40 năm trong nghề, năng lực mạnh về chất lượng, cách may, bên cạnh đó là hệ thống test sản phẩm theo tiêu chuẩn xuất khẩu và quốc tế. TNG cũng có nguồn cung từ các nhà cung cấp dồi dào, có sản phẩm thân thiện với môi trường, độc lạ như sơ mi bamboo siêu nhẹ, siêu bền, hàng organic cotton…
Song song với phát triển thị trường trong nước, ông Nguyễn Văn Thời cho biết, TNG vẫn đang nuôi giấc mơ bán ra thị trường thế giới hàng may mặc bằng chính thương hiệu TNG. Bước đầu TNG đã phát triển một số mẫu, sản xuất hàng và chào bán cho các nhà buôn trên thế giới.
Công ty cũng đã đăng ký thương hiệu ở một số nước và thiết lập văn phòng đại diện tại Mỹ, châu Âu. Chắn chắn là giá trị thặng dư thương mại của TNG sẽ tăng cao khi Công ty gia tăng tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm may mặc sản xuất theo phương thức ODM.