Kết quả kinh doanh khả quan
Với lực đẩy từ đầu tư công, trong quý III/2023, Đèo Cả đạt doanh thu hợp nhất 674 tỷ đồng, tăng 19,6% và lợi nhuận sau thuế 117 tỷ đồng, tăng 44,9% so với cùng kỳ. Kết quả này chủ yếu nhờ doanh thu mảng xây lắp tăng 115 tỷ đồng, tương đương tăng 74%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tiết giảm được chi phí khi tổng chi phí sản xuất - kinh doanh (chi phí giá vốn bán hàng, chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp) trên doanh thu thuần giảm từ 86,6% xuống 82,3%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Đèo Cả ghi nhận doanh thu hơn 1.825 tỷ đồng, tăng 23,5% và lợi nhuận sau thuế 309,2 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ; lần lượt hoàn thành 74% và 91% kế hoạch năm.
Hoạt động chính của Đèo Cả là thu phí các dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) và thi công xây lắp đều ghi nhận doanh thu tăng trưởng, 9 tháng đầu năm nay đạt 1.183 tỷ đồng và 599 tỷ đồng, lần lượt tăng 87% và 6,4% so với cùng kỳ. Doanh thu xây lắp phần lớn đến từ việc thực hiện các gói thầu dự án Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Đường ven biển Bình Định, Nâng cấp, mở rộng đèo Prenn thuộc Quốc lộ 20…
Mới đây, tại buổi gặp gỡ, kết nối nhà đầu tư ở TP.HCM, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Đèo Cả chia sẻ, với việc trúng thầu và triển khai nhiều dự án thi công mới, doanh thu hoạt động thi công xây lắp của Đèo Cả sẽ tiếp tục tăng, năm 2023 ước đạt 875 tỷ đồng. Hoạt động thu phí BOT vẫn mang lại nguồn doanh thu chính, năm nay ước đạt 1.566 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2023, Công ty dự kiến đạt doanh thu hợp nhất 2.511 tỷ đồng, tăng 20% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 385 tỷ đồng, tăng 29% so với mức thực hiện năm 2022, lần lượt vượt 1% và 14% kế hoạch.
Tham vọng với đường sắt, đường cao tốc
Đèo Cả đang nghiên cứu tham gia nhiều dự án đường cao tốc với tổng mức đầu tư lên tới 79.250 tỷ đồng, trong đó Cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 2) có tổng mức đầu tư 30.000 tỷ đồng, Vành đai 4 TP.HCM đoạn tỉnh Bình Dương tổng mức đầu tư 20.000 tỷ đồng, Cao tốc TP.HCM - Chơn Thành (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư 18.000 tỷ đồng, Cao tốc Sơn La - Điện Biên có tổng mức đầu tư 8.850 tỷ đồng, Tuyến nối TP Quảng Bình - Phong Nha, Kẻ Bàng có tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng.
Công ty còn nghiên cứu tham gia dự án đường sắt - dự án Metro 2 giai đoạn III TP.HCM, tổng mức đầu tư 59.708 tỷ đồng.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đèo Cả cho biết, doanh nghiệp sẽ tham gia các dự án đường sắt đô thị, đường cao tốc với vai trò nhà thầu. Công ty đang trong giai đoạn chuẩn bị bằng cách hợp tác với đối tác nước ngoài, học tập các mô hình tàu hàng của Trung Quốc, học mô hình tàu khách từ Nhật Bản. Về nhân sự, Đèo Cả đưa một số nhân sự chủ chốt của Công ty sang làm đường sắt và cử một số nhân sự sang nước ngoài để học tập công nghệ.
Về nguồn vốn, Đèo Cả lên kế hoạch huy động 823,3 tỷ đồng từ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để góp vốn đầu tư vào các doanh nghiệp dự án (142 tỷ đồng) và đầu tư máy móc, thiết bị (682 tỷ đồng).
Ngoài ra, Công ty dự kiến huy động 741 tỷ đồng từ chào bán riêng lẻ để đầu tư các dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Cao Bằng), Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn), Tân Phú - Bảo Lộc (Lâm Đồng), TP.HCM - Chơn Thành… và bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Nhận diện áp lực nợ vay
Tính đến 30/9/2023, Đèo Cả có tổng tài sản 36.520 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả gần 27.842 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm và chiếm 76% tổng tài sản. Với vốn chủ sở hữu 8.678 tỷ đồng, nợ phải trả đang gấp 3,2 lần; trong đó, dư nợ vay và nợ thuê tài chính chiếm 56% tổng nguồn vốn (20.300 tỷ đồng).
SSI Research nhìn nhận, tỷ lệ đòn bẩy cao trong khi một số dự án đang hoạt động dưới mức công suất dự kiến sẽ gây áp lực lên dòng tiền và vốn lưu động của Đèo Cả. Việc này có thể dẫn đến nợ phải tái cấp vốn với lãi suất cao hơn (như trường hợp tái cơ cấu nợ dự án Phước Tường - Phú Gia trong năm 2014), hoặc kéo dài thời gian hoạt động. Chẳng hạn, dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn hiện đạt khoảng 50% công suất thiết kế và thời gian hoạt động được kéo dài từ 24 năm lên 28 năm. Ngoài ra, các rủi ro liên quan đến mảng xây dựng là chậm giải ngân ngân sách, thiếu vật liệu xây dựng…
Về triển vọng mảng thu phí BOT của Đèo Cả, SSI Research đánh giá, khả năng tăng phí cầu đường trong vài năm tới không cao, dù đã được cam kết trong hợp đồng BOT. Trước đây, chỉ có 2 trạm (trong tổng số 8 trạm) của các dự án gặp khó khăn tài chính được phép tăng giá vé theo lộ trình. Các trạm thu phí khác không ghi nhận tăng phí trong thời gian vận hành, mặc dù các dự án này đều chưa hoàn thành kế hoạch tài chính trong hợp đồng BOT.
“Những lý do này có thể tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng nâng phí cầu đường và qua đó gây áp lực lên dòng tiền, trong khi dư nợ sắp đến hạn sẽ tăng lên trong các năm tới”, SSI Research phân tích.
Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, áp lực lãi vay của Đèo Cả sẽ gia tăng. Trong năm 2023, Đèo Cả đã trúng các gói thầu XL1, XL2 và XL3 thuộc dự án Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, với tổng giá trị gần 14.500 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2023 - 2025, Công ty dự kiến sẽ tham gia đầu tư thêm nhiều đoạn cao tốc, với tổng mức đầu tư khoảng 40.000 tỷ đồng, tập trung vào các dự án theo hình thức PPP (đối tác công tư). Để có đủ nguồn lực, Đèo Cả đã gia tăng đáng kể đòn bẩy tài chính và lên kế hoạch tăng vốn.
“Bên cạnh áp lực về khối lượng thi công lớn, yêu cầu chất lượng cao và đúng tiến độ, áp lực lãi vay cũng sẽ đè nặng lên Đèo Cả trong thời gian tới”, DSC nhận định.
Dù vậy, lãnh đạo Đèo Cả khẳng định, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu cao không ảnh hưởng đến dòng tiền, hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty cũng như lợi ích của cổ đông. Đặc thù của Đèo Cả là đầu tư các công trình công với tổng mức đầu tư rất lớn, theo quy định vốn chủ sở hữu tham gia các dự án công thường từ 10 - 15%, trong khi vốn chủ sở hữu/tổng tài sản của doanh nghiệp hiện đạt 24%.
Đèo Cả cho hay, dư nợ vay hiện tại chủ yếu là các khoản vay dài hạn tài trợ cho dự án BOT, được đảm bảo nguồn trả nợ từ doanh thu thu phí ổn định. Các dự án đều được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cam kết đảm bảo tỷ suất lợi nhuận nhà đầu tư cố định, nên rủi ro được giảm thiểu.