Những bất cập từ thực tế
Bộ Tài chính đã tiến hành 63 đợt thanh tra và gần 165 đợt kiểm tra doanh nghiệp bảo hiểm trong giai đoạn 2000 - 2020, qua đó đánh giá được tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh bảo hiểm và khả năng thanh toán của doanh nghiệp, kịp thời lưu ý các doanh nghiệp trong công tác quản trị tài chính, rà soát và hoàn thiện quy trình nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tuân thủ tốt quy định pháp luật.
Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ đã kịp thời phát hiện những vướng mắc, phát sinh trong thực tế để góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, giúp thị trường phát triển lành mạnh, an toàn và hiệu quả.
Tuy nhiên, thẩm quyền can thiệp của Bộ Tài chính đối với hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm còn nhiều hạn chế, khiến hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra bị ảnh hưởng.
Thực tiễn cho thấy, có công ty bảo hiểm chưa đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán, nhưng có dấu hiệu mất an toàn tài chính, có khả năng ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm, các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Chẳng hạn, khi tỷ lệ an toàn vốn giảm xuống một mức nhất định, doanh nghiệp không đảm bảo trích lập đầy đủ dự phòng, hoặc do biến động trên thị trường tài chính, thị trường đầu tư mà giá trị thực tế tài sản của doanh nghiệp thấp hơn giá trị của tổng dự phòng nghiệp vụ, đòi hỏi sớm có sự can thiệp của Bộ Tài chính, nhưng quy định hiện hành chỉ cho phép Bộ có các biện pháp can thiệp khi doanh nghiệp có nguy cơ mất khả năng thanh toán. Luật Kinh doanh bảo hiểm chưa có các quy định, chế tài để cho phép cơ quan quản lý phát hiện và kịp thời có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn những rủi ro đối với an toàn tài chính của doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Hiện chưa có quy định về việc thực hiện kết nối, liên thông giữa cơ quan quản lý, giám sát bảo hiểm với các cơ quan quản lý khác có liên quan.
Bên cạnh đó, tuy hoạt động thanh tra chuyên ngành bảo hiểm được đẩy mạnh, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các doanh nghiệp có sai phạm, kiến nghị xử lý về tài chính, nhưng vẫn chỉ dừng lại ở việc xử lý các sai phạm về mặt pháp luật, chưa thể phát hiện và khuyến cáo doanh nghiệp đối với các hoạt động có thể mang lại rủi ro cho doanh nghiệp.
Mặt khác, đối tượng làm việc và cung cấp thông tin chỉ giới hạn ở doanh nghiệp bảo hiểm. Một số tổ chức, cá nhân có liên quan đến những sai phạm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm như công ty quản lý quỹ, ngân hàng đối tác cung cấp sản phẩm bảo hiểm, các tổ chức đại lý..., nhưng chưa có cơ sở pháp lý để các đoàn thanh tra bảo hiểm đề nghị các tổ chức trên phối hợp làm việc và cung cấp thông tin phục vụ quá trình thanh tra.
Ngoài ra, do đặc thù của lĩnh vực bảo hiểm, trong quá trình thực hiện thanh tra có một số vấn đề mang tính chất kỹ thuật cao cần có các chuyên gia đánh giá khách quan như việc đảm bảo trách nhiệm cam kết khách hàng do các chuyên gia tính toán thực hiện trên các cơ sở dữ liệu thống kê và các giả định, ước tính hoặc dữ liệu tham khảo cần phải có các cán bộ có kiến thức chuyên môn tương tự như chuyên gia tính toán rà soát; các nội dung tài chính có chuyên môn của kiểm toán; vấn đề phức tạp với nhiều văn bản pháp lý cùng áp dụng; các nội dung liên quan đến hệ thống công nghệ thông tin cần có các kĩ sư tin học...
Theo nguyên tắc số 2 của Hiệp hội Các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế (IAIS), cơ quan quản lý bảo hiểm có thể thuê ngoài dịch vụ khi cần thiết, với điều kiện cơ quan quản lý kiểm soát được tính phù hợp, độc lập. Tại Việt Nam, Luật Kinh doanh bảo hiểm chưa có các cơ chế cho phép cơ quan quản lý giám sát có thể thực hiện thuê ngoài đối với các nội dung phức tạp, cần xác minh hoặc có ý kiến chuyên gia độc lập trong quá trình thanh tra.
Đối với cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm với các cơ quan quản lý ngành khác trong triển khai và quản lý, giám sát các hình thức bảo hiểm, kênh phân phối liên kết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã có nhiều hoạt động phối hợp với các bộ, ngành khác và doanh nghiệp bảo hiểm trong việc triển khai, mở rộng các loại hình bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, bảo hiểm y tế... Tuy nhiên, quy định hiện tại còn giới hạn việc chia sẻ thông tin thông qua sự chủ động phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý.
Cụ thể, Luật Kinh doanh bảo hiểm chưa có quy định về cơ chế triển khai và phối hợp, quyền và trách nhiệm của các các cơ quan quản lý, doanh nghiệp bảo hiểm và các tổ chức có liên quan trong việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm có sự phối kết hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp bảo hiểm, dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện kết nối liên thông trong việc phát triển bảo hiểm, kết nối giữa bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm do Nhà nước triển khai và bảo hiểm thương mại.
Một vấn đề khác, theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp bảo hiểm tập trung vào việc kiểm soát trước. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải được sự chấp thuận của Bộ Tài chính trước khi thực hiện các hoạt động như thay đổi vốn điều lệ, thay đổi quy mô, nội dung và phạm vi hoạt động, thay đổi người quản trị điều hành, địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, chia tách, sáp nhập, hợp nhất, phê duyệt sản phẩm mới, đầu tư ra nước ngoài... Việc này gây ra gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thực hiện các thủ tục hành chính cũng như nguồn lực của ngân sách để bố trí cán bộ thực hiện các thủ tục đó.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung
Bộ Tài chính đề xuất, bổ sung quy định về các biện pháp can thiệp sớm của cơ quan quản lý về bảo hiểm trong trường hợp kết quả tính toán cho thấy doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ không đáp ứng yêu cầu về vốn trên cơ sở rủi ro. Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm có một trong các biểu hiện không đảm bảo được khả năng tài chính hay cam kết với khách hàng, mặc dù doanh nghiệp chưa mất khả năng thanh toán hay bị đưa vào diện giám sát đặc biệt, bao gồm: tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn một ngưỡng nhất định theo quy định của Chính phủ; hoặc các trường hợp khác theo hướng dẫn của Chính phủ.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định về quyền yêu cầu cung cấp thông tin của Bộ Tài chính trong hoạt động thanh tra, kiểm tra bảo hiểm và xử lý vi phạm hành chính về bảo hiểm; khi thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành kinh doanh bảo hiểm có thể thuê công ty kiểm toán độc lập, công ty tư vấn hoặc chuyên gia để đánh giá một số nội dung về tổ chức, hoạt động, tài chính của đối tượng thanh tra khi xét thấy cần thiết; bổ sung quy định về thẩm quyền, sự phối hợp giữa Bộ Tài chính với các cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài trong việc phối hợp quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam.
Ngoài ra, bổ sung quy định về cơ chế triển khai và phối hợp, quyền và trách nhiệm của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các bên liên quan trong liên thông bảo hiểm với các ngành, lĩnh vực khác. Trong đó, cơ quan nhà nước phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc thực hiện chính sách, chia sẻ dữ liệu, chia sẻ dữ liệu với doanh nghiệp bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm chia sẻ dữ liệu lại với cơ quan nhà nước; các bên phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu chung; nghiên cứu xã hội hóa một số dịch vụ công trong lĩnh vực bảo hiểm, nhất là các công việc hành chính.
Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm bớt các thủ tục hành chính, chuyển sang việc đưa ra các chuẩn mực để doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện và cơ quan quản lý thực hiện hậu kiểm. Theo đó, chuyển một số biện pháp kiểm soát trước sang hậu kiểm để dành quyền chủ động cho doanh nghiệp như cho phép doanh nghiệp chủ động việc thay đổi địa bàn hoạt động, đóng, mở, thay đổi địa điểm chi nhánh, địa điểm kinh doanh; cho phép doanh nghiệp chủ động trong việc lựa chọn bên thứ ba để thuê ngoài đối với một phần hoạt động kinh doanh bảo hiểm trên cơ sở đáp ứng được các điều kiện quy định tại Luật; cho phép doanh nghiệp chủ động, xây dựng và triển khai sản phẩm bảo hiểm theo các tiêu chuẩn do Bộ Tài chính hướng dẫn.