Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.
Sáng 13/7, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nêu rõ, 6 tháng đầu năm, khối lượng công việc lớn, nhiều việc khó, phức tạp, nhạy cảm, nhưng Ban Nội chính Trung ương đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra.
Một trong những kết quả nổi bật là công tác theo dõi, đôn đốc, phối hợp tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc có nhiều chuyển biến, tích cực hơn.
Theo Trưởng ban Phan Đình Trạc, Ban Nội chính Trung ương đã tập trung tham mưu về chủ trương, đường lối xử lý một số vụ án nghiêm trọng, nhạy cảm, phạm vi rộng, có quan điểm khác nhau như vụ Công ty Việt Á, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm…
Tham mưu chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt các bị can, bị cáo đang bỏ trốn trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC; vụ án xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh và Công ty AIC.
“Đây là những vấn đề mới, chưa có tiền lệ trong quá trình xử lý các vụ án nói chung và các vụ án tham nhũng, tiêu cực nói riêng. Đến nay, chúng ta đã gỡ được “nút thắt” quan trọng như Tổng Bí thư vẫn thường nói dù có trốn ra nước ngoài cũng không thoát khỏi bị trừng phạt”, Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh.
Kết quả tiếp theo được ông Trạc đề cập là Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trực tiếp làm việc, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến rõ rệt trong chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tại Lào Cai, Bình Thuận…
Ngoài ra còn quan tâm tham mưu xử lý các vụ án, vụ việc có khiếu nại oan, sai, phức tạp, kéo dài, dư luận quan tâm, nhất là vụ án xảy ra tại Long An, Bình Thuận, Kon Tum, Bình Dương…
Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Trưởng ban Phan Đình Trạc lưu ý việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đề án theo chương trình công tác, nhất là các đề án theo chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trong đó có Đề án Nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Đề án Tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 33 năm 2014 của Bộ Chính trị về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản.
Theo ông Trạc, 2 đề án này dự kiến Bộ Chính trị sẽ cho ý kiến vào tháng 11 tới. Trưởng ban Nội chính Trung ương cũng lưu ý tiến độ xây dựng Đề án Giải pháp chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
“Tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, các đại biểu Quốc hội đã nêu rất nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này, rất đúng, rất trúng”, ông Trạc thông tin thêm.
Nhiệm vụ nữa được ông Trạc đề cập là bám sát tiến độ các vụ án, vụ việc; chủ động nghiên cứu, tham mưu sâu hơn nữa đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Khẩn trương xử lý các kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, địa phương liên quan, không để kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ điều tra, giải quyết các vụ án, vụ việc, nhất là các vụ án, vụ việc các tỉnh xin ý kiến, các vụ án, vụ việc cấp độ 3…
Ông Trạc cũng yêu cầu Ban Nội chính Trung ương phải nắm tình hình, kịp thời phối hợp tham mưu chỉ đạo xử lý một số vụ việc tập trung đông người gây mất ổn định về an ninh, có nguy cơ thành “điểm nóng” ở các địa phương…
Phải thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của Ban Nội chính Trung ương, các bí thư, phó bí thư đảng ủy, ủy viên ban thường vụ đảng ủy cơ quan theo quy định; rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ năm 2023, triển khai thực hiện công tác quy hoạch ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV tại Ban Nội chính Trung ương, ông Trạc phát biểu.