Ông có nhận định gì khi VN-Index cuối tuần qua đạt 733,82 điểm, vượt mức đỉnh cũ 730,15 điểm ngày 11/4/2017, cao nhất trong vòng 9 năm?
Sự tích lũy khối lượng, thể hiện ở việc gia tăng thanh khoản của sàn HOSE trong những phiên giữa tuần qua là một dấu hiệu tích cực, cho thấy lực cầu của thị trường duy trì tốt, bất chấp kháng cự mạnh của VN-Index tại ngưỡng 730 điểm.
Bên cạnh đó, dòng tiền có sự dịch chuyển từ nhóm cổ phiếu đầu cơ để quay trở lại nhóm cổ phiếu dẫn dắt và/hoặc có nền tảng cơ bản tốt, thông qua những chuyển động từ PLX, VNM, VCB, CTG, SSI, HCM, GMD…
Điều đó đã tạo nền tảng kỹ thuật tốt để VN-Index chinh phục mức đỉnh cũ trong phiên giao dịch cuối tuần qua và hướng lên ngưỡng kháng cự tiếp theo tại 745 - 750 điểm.
Chỉ số nhiều khả năng sẽ có lực kéo từ các cổ phiếu blue-chips. Nhóm cổ phiếu đầu cơ có thể chưa giảm ngay, dự báo sẽ có diễn biến lình xình và bước vào một giai đoạn phân phối chậm.
Nhóm cổ phiếu bất động sản thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, từ đầu năm đến nay tăng giá khá mạnh. Tham gia vào nhóm ngành này hiện tại có rủi ro không, dòng tiền sẽ đổ vào nhóm ngành nào trong ngắn hạn, theo ông?
Chúng tôi nhận thấy thị trường bất động sản tiếp tục có diễn biến khả quan, đặc biệt ở khu vực phía Nam và đâu đó có những cơn sốt đất nền.
Trong bối cảnh đó, một số công ty phát triển bất động sản lớn đã và đang có xu hướng mua lại những dự án tốt của những công ty nhỏ hơn nhằm gia tăng quỹ đất cho kế hoạch trung hạn.
Điều này đã giúp không ít cổ phiếu bất động sản niêm yết được hưởng lợi khi thực hiện chuyển nhượng dự án đã bị “kẹp” lâu năm, ví dụ trường hợp của QCG, qua đó tạo động lực tăng giá ngắn hạn.
Ông Vũ Minh Đức
Tuy nhiên, gần đây, chúng tôi nhận thấy hầu hết cổ phiếu bất động sản có giá trị vốn hóa trung bình (midcap) và nhỏ (penny) tăng giá đồng loạt, bất kể tốt xấu, có thông tin hỗ trợ hay không. Đó là yếu tố rủi ro.
Định giá nhóm cổ phiếu bất động sản hiện tại không rẻ, do đó chúng tôi không đánh giá cao phân khúc này vào giai đoạn cuối năm, thay vào đó có thể là nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng.
Thị trường chứng khoán Pakistan nhiều khả năng sẽ được nâng lên nhóm thị trường mới nổi vào cuối tháng 5 này, nhiều ý kiến đánh giá, thị trường Việt Nam sẽ được hưởng lợi. Theo ông, tác động cụ thể như thế nào?
Việc Pakistan được nâng hạng thị trường sẽ tác động trực tiếp tới chỉ số MSCI Frontier Market 100 Index (FM 100), là chỉ số mà Quỹ iShares MSCI Frontier Market 100 đang mô phỏng.
Quỹ này hiện có tổng tài sản 619 triệu USD, sở hữu 6 cổ phiếu của Việt Nam là VNM, VIC, MSN, HPG, VCB, STB, với tổng giá trị 8 triệu USD.
Khi Pakistan lên hạng thị trường mới nổi, 13 cổ phiếu của nước này sẽ bị rút ra khỏi chỉ số FM 100 cũng như Quỹ iShares, tương ứng với 67 triệu USD (10,8% tỷ trọng), dẫn tới MSCI và iShare sẽ bổ sung lượng cổ phiếu cũng như phân bổ lại tài sản vào các mã chứng khoán tại các quốc gia khác.
Theo tính toán của chúng tôi, Argentina và Kuwait đã chạm tới ngưỡng giới hạn về tỷ trọng trong danh mục của Quỹ iShares, do đó phần 10,8% tỷ trọng nêu trên sẽ phân bổ cho Việt Nam, Morocco và các quốc gia còn lại.
Dự tính, Quỹ iShares sẽ tăng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục từ 7,8% lên 9,5%, tương ứng với dòng tiền khoảng 10,5 triệu USD đổ vào 6 cổ phiếu mà iShares đang nắm giữ, trong đó hưởng lợi nhiều nhất có thể là VNM.
Ông dự báo gì về dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn?
Với khả năng tiếp tục tăng lãi suất của Mỹ, chúng tôi không quá lạc quan về dòng vốn đầu tư gián tiếp thông qua các kênh như quỹ đầu tư theo chỉ số (ETF) hay chứng chỉ tham gia đầu tư (P-Notes).
Tuy vậy, với kế hoạch thoái vốn và niêm yết/đăng ký giao dịch của Nhà nước tại các tổng công ty lớn, các công ty đầu ngành, thì nhà đầu tư nước ngoài dưới hình thức quỹ đóng có thể sẽ tiếp tục gia tăng tỷ trọng đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Điều này phần nào phản ánh qua việc khối ngoại đẩy mạnh mua ròng những mã như VNM, PLX trong thời gian gần đây, hay thể hiện sự quan tâm cao đối với đợt đấu giá cổ phần sắp tới của Viglacera (VGC).