Tham gia liên minh hay tự đầu tư cáp quang biển?

0:00 / 0:00
0:00
Việc chỉ có 5 tuyến cáp quang biển, lại phụ thuộc vào các hệ thống cáp quang biển quốc tế đang khiến kết nối Internet của Việt Nam không chỉ có dung lượng thấp, mà còn bị động khi sự cố xảy ra.
Tham gia liên minh hay tự đầu tư cáp quang biển?

Việt Nam đang thiếu và yếu cáp quang biển

Hiện tại, Việt Nam có 5 tuyến cáp quang biển đang hoạt động. 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm các tuyến cáp quang biển mà doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư bị đứt 10 lần, thời gian khắc phục nhanh nhất cũng mất 1 tháng.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Việt Nam có hơn 72 triệu người sử dụng Internet, nhưng số lượng cáp quang biển và số trạm cập bờ cáp quang biển quá ít, mới chỉ 5 tuyến hiện hữu và 2 tuyến sắp hoàn thành. Trong khi đó, Malaysia có 25,3 triệu người dùng Internet mà tới hơn 30 tuyến cáp quang biển, Thái Lan có 36,5 triệu người dùng và có 13 tuyến cáp quang biển, Singapore có 30 tuyến cáp quang biển, trở thành trung tâm kết nối của khu vực…

Để tăng dung lượng kết nối Internet quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia đầu tư thêm 2 tuyến cáp quang biển quốc tế.

Tuyến thứ nhất là cáp quang biển SJC2 có tổng chiều dài cáp ngầm dưới biển là 10.500 km; kết nối các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm 10 điểm cập bờ, trong đó điểm cập bờ Việt Nam là tại TP. Quy Nhơn (Bình Định). SJC2 có vốn đầu tư ban đầu là 439 triệu USD, ngoài VNPT, còn có các đối tác quốc tế CHT, CMI, DHT, Meta (Facebook), KDDI, Singtel, SKB, Telin và TICC tham gia đầu tư. Dung lượng thiết kế toàn hệ thống SJC2 là 126 Tbps, trong đó VNPT sở hữu dung lượng 9 Tbps.

Theo ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, hiện tuyến SJC2 đã thực hiện 60% khối lượng công việc, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023. Bên cạnh đó, VNPT cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư thêm 1-2 tuyến cáp biển để đáp ứng nhu cầu băng thông quốc tế cũng như đa dạng hóa các tuyến cáp kết nối.

Tuyến thứ 2 là tuyến cáp quang biển quốc tế ADC (Asia Direct Cable), do Viettel tham gia đầu tư, dự kiến hoàn thành và khai thác vào cuối năm 2023, đầu năm 2024. Tuyến ADC có chiều dài cáp ngầm là 9.800 km, dung lượng đạt trên 140 Tbps, sử dụng công nghệ truyền dẫn hiện đại nhất hiện nay, giúp kết nối các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. ADC có tổng mức đầu tư ban đầu là 290 triệu USD, trong đó Viettel sở hữu dung lượng 18 Tbps.

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, Viettel đang xúc tiến đầu tư tuyến cáp mới thứ ba, hiện trong lộ trình đàm phán và xin phê duyệt chủ trương, theo kế hoạch cuối năm 2025 sẽ đưa vào khai thác.

Nâng số lượng, dung lượng cáp quang quốc tế

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang chỉ đạo các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng 2 tuyến cáp biển quốc tế do nhóm các doanh nghiệp trong nước liên minh với nhau đầu tư, làm chủ. Trong đó sẽ có doanh nghiệp lớn, tiềm lực mạnh chịu trách nhiệm triển khai đầu tư và các doanh nghiệp khác tham gia.

Việc đầu tư một tuyến cáp quang biển riêng có chi phí hàng trăm triệu USD, bên cạnh đó, cần một hệ thống vận hành, đội ngũ kỹ thuật và thiết bị chuyên dùng để vận hành, khai thác, khắc phục sự cố… Những yếu tố này khiến việc đầu tư riêng một tuyến cáp quang biển của các doanh nghiệp Việt Nam là rất khó khăn.

Phương án hiệu quả nhất là cùng đầu tư vào các tuyến cáp quang biển quốc tế với nhiều bên tham gia. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ cùng đầu tư trục chính, chạy dưới biển và khi chạy qua lãnh hải Việt Nam sẽ mở 1 cổng cho Việt Nam đấu nối vào. Các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ trả tiền thuê bao đấu nối vào trục chính này.

Theo ông Huỳnh Quang Liêm, việc đầu tư thêm 1 tuyến cáp có quy mô nhỏ hoặc vừa do các doanh nghiệp Việt Nam cùng hợp lực xây dựng là khả thi. Việc thành lập liên minh các doanh nghiệp Việt Nam để đầu tư thêm tuyến cáp biển sẽ tăng tính chủ động cho nhà mạng trong nước.

Còn ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cho biết, tham gia đầu tư một tuyến cáp quang biển có điểm cập bờ Việt Nam thì các doanh nghiệp Việt cần phải góp vốn từ 60 đến 80 triệu USD.

“Các nhà cung cấp dịch vụ Internet khi đầu tư cáp quang biển còn phải cân đối giữa dung lượng đầu tư so với dung lượng sử dụng của khách hàng. Khi nào lượng người dùng nhiều lên, cần dung lượng lớn thì sẽ tăng cường đầu tư. Ngay lập tức nếu doanh nghiệp đầu tư nhiều tuyến cáp quang biển thì hiệu quả đầu tư sẽ kém đi, mà phần lớn tiền đầu tư bằng vốn vay, đầu tư nhiều không dùng đến cùng với thời gian sẽ hết khấu hao, lãng phí”, ông Khoa cho biết.

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Hồng Thắng cho rằng, Việt Nam phải triển khai thêm các tuyến cáp quang biển với nhiều hướng kết nối khác nhau, do các doanh nghiệp trong nước chung tay xây dựng. Đến năm 2025, phấn đấu có thêm 2-4 tuyến cáp quang biển mới, đến năm 2030 phấn đấu có thêm 4-6 tuyến. Việc có thêm các tuyến cáp quang biển là cần thiết, góp phần bảo đảm tính sẵn sàng, nhiều hướng, không phụ thuộc vào các tuyến đang có.

“Không thể đợi khi nhu cầu lớn mới mở rộng băng thông, cần sẵn sàng có tuyến mới ở nhiều hướng, không phụ thuộc quá nhiều vào 1-2 hướng hiện có. Hiện nay, doanh nghiệp Việt tham gia với vai trò thành viên trong consortium (liên minh giữa các doanh nghiệp thuộc nhiều nước). Nếu tiếp tục đi theo hướng này, việc thành lập một consortium sẽ mất thời gian do cần mời nhiều bên tham gia, đồng thuận về lộ trình, nhu cầu... Do đó, mục tiêu được đưa ra là xây dựng các tuyến cáp thuộc sở hữu của doanh nghiệp trong nước để tăng tính chủ động. Bộ giữ vai trò quy hoạch, sau đó tập hợp các doanh nghiệp để cùng phối hợp”, ông Thắng nhấn mạnh.

Tin bài liên quan