Tổ hợp Bô-xít Tân Rai tại Lâm Đồng. Ảnh: Phạm Dung
Đáng chú ý, khu vực đã được cấp phép thăm dò khai thác quặng bô-xít sẽ ảnh hưởng đến 4.458 ha đất rừng, trong đó có khoảng 2.397 ha rừng tự nhiên.
Quy mô khai thác “khủng”
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có một số dự án, đề án thăm dò quặng bô-xít đã hình thành (tính đến cuối năm 2022).
Trong đó, có thể kể đến Dự án Thăm dò bô-xít do Tổng công ty Hóa chất Việt Nam (nay là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem) làm chủ đầu tư. Công ty Hóa chất cơ bản miền Nam (thuộc Vinachem) đã lập Dự án Xây dựng nhà máy hydroxit nhôm tại phường Lộc Phát (TP. Bảo Lộc) với công suất 500.000 tấn hydroxit nhôm/năm. Dự án đã được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản vào năm 2007 trên diện tích 3.671 ha (địa bàn xã Đam B’ri và phường Lộc Phát, TP. Bảo Lộc; xã Lộc Quảng và xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm), thời hạn thăm dò 15 tháng.
Tiếp đến, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện Đề án Điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng quặng bô-xít, quặng sắt laterit miền Nam Việt Nam theo Quyết định số 2034/QĐ-TTg ngày 15/11/2011 và cấp phép thăm dò các mỏ bô-xít theo Quy hoạch bô-xít tại Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg tại tỉnh Lâm Đồng cho các nhà đầu tư (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV; Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng thương mại và công nghệ Hà Nội; Công ty cổ phần An Viên).
Theo đánh giá của Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, kết quả thăm dò và điều tra, đánh giá tổng thể quặng bô-xít Lâm Đồng đủ tin cậy để huy động khai thác với quy mô lớn, ổn định trong nhiều năm tới. Kết quả thăm dò bước đầu tại tỉnh Lâm Đồng cho thấy, TKV hoàn thành thăm dò 3 mỏ (Tây Tân Rai, Tân Rai, Bảo Lộc), với tổng tài nguyên và trữ lượng là 251,5 triệu tấn quặng tinh, trong đó trữ lượng cấp 121+122 là 206,8 triệu tấn (cấp 121: 33,5 triệu tấn, cấp 122: 173,3 triệu tấn). Mỏ Tây Tân Rai đã được cấp phép cho TKV để triển khai Dự án Tổ hợp bô-xít - nhôm Lâm Đồng.
Bên cạnh đó, Vinachem đã hoàn thành thăm dò 2 mỏ (Bảo Lộc và Đồi Thắng Lợi), tổng tài nguyên và trữ lượng là 2.498 triệu tấn quặng nguyên khai, tương ứng 965 triệu tấn quặng tinh. Mỏ Bảo Lộc trước đây đã được thăm dò và cấp phép khai thác cho Vinachem cung cấp quặng cho Nhà máy Hóa chất Tân Bình (TP.HCM), hiện đã dừng khai thác.
Cùng với hoạt động thăm dò, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 2 dự án khai thác và chế biến quặng bô-xít.
Cụ thể, Dự án Khai thác mỏ bô-xít do Công ty TNHH MTV Hóa chất cơ bản miền Nam thuộc Vinachem (nay là Công ty cổ phần Hóa chất cơ bản miền Nam) thực hiện theo giấy phép được cấp năm 2006 trên diện tích 123,5 ha; trữ lượng khai thác 5.439.000 tấn; công suất khai thác 561.000 tấn quặng bô-xít/năm; thời hạn khai thác 10 năm, tại khu mỏ Đồi Thắng Lợi (phường Lộc Phát, TP. Bảo Lộc). Dự án này dừng hoạt động từ năm 2014, đến năm 2020 thực hiện đóng cửa mỏ diện tích đã khai thác là 23,5 ha và trả lại toàn bộ diện tích đất của Dự án cho địa phương theo quy định.
Đối với Dự án Tổ hợp bô-xít - nhôm Lâm Đồng thuộc TKV, theo Quy hoạch, giai đoạn 2007 - 2020, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 1 mỏ bô-xít Tân Rai tại Tổ hợp bô-xít - nhôm Lâm Đồng (thuộc TKV) hoạt động khai thác theo giấy phép được cấp năm 2010. Dự án này bắt đầu triển khai đầu tư từ năm 2006; hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng 10/2013.
Tính đến tháng 5/2013, theo các văn bản của UBND tỉnh Lâm Đồng, tổng diện tích thực hiện Dự án đã được chấp thuận là 1.676,25 ha. Tuy nhiên, do nhu cầu thực tế về sử dụng đất để thực hiện Dự án, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có các quyết định thu hồi đất để phục vụ Dự án và diện tích khai thác mỏ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép với tổng diện tích toàn Dự án tăng lên là 2.620,3192 ha. Nhà máy điện có công suất 30 MW đã hoàn thành, đang vận hành phát điện lên lưới quốc gia và phục vụ Nhà máy Sản xuất Alumin.
Nhà máy Sản xuất alumin có công suất thiết kế 650.000 tấn alumin/năm, hiện đã vận hành ổn định.
Tuy nhiên, tháng 10/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng có ý kiến về kiến nghị chồng lấn ranh giới, diện tích đất giữa TKV (vị trí công trình Khu văn phòng và khu chuyên gia, thuộc Dự án Tổ hợp bô-xít - nhôm Lâm Đồng) với các hộ dân tại thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm.
Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, ngày 4/6/2007, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 1484/QĐ-UBND về việc thu hồi đất và giao Ban Đền bù giải phóng mặt bằng huyện Bảo Lâm quản lý để tổ chức việc bồi thường, giải phóng mặt bằng công trình Khu văn phòng và khu chuyên gia thuộc Dự án Tổ hợp bô-xít - nhôm Lâm Đồng.
Ngày 31/10/2013, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bảo Lâm đã tiến hành bàn giao đất xây dựng văn phòng và khu chuyên gia tại thực địa và trên bản đồ giải thửa tỷ lệ 1/2000 cho Ban Quản lý Dự án Tổ hợp bô-xít - nhôm Lâm Đồng.
Ngày 4/7/2019, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 1532/QĐ-UBND về việc điều chỉnh diện tích, ranh giới đất đã cho TKV thuê đất tại thị trấn Lộc Thắng.
Trước đó, ngày 7/8/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1542/QĐ-UBND về việc thu hồi đất do Công ty cổ phần Chè Minh Rồng quản lý và giao UBND huyện Bảo Lâm quản lý tại thị trấn Lộc Thắng.
Sau đó, UBND huyện Bảo Lâm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân đối với phần diện tích nêu trên, trong đó, các thửa 624, 625, 626 và 628, tờ bản đồ số 34 (thị trấn Lộc Thắng) có ranh giới tiếp giáp với ranh giới công trình Khu văn phòng và khu chuyên gia của Dự án Tổ hợp bô-xít - nhôm Lâm Đồng. Hiện nay, vị trí này đang có tình trạng tranh chấp về ranh giới giữa TKV và các hộ dân sử dụng đất liền kề tại các thửa đất nêu trên.
Theo bản đồ hoàn công công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng thuộc Dự án Tổ hợp bô-xít - nhôm Lâm Đồng, hạng mục văn phòng và khu chuyên gia do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bảo Lâm thực hiện.
Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận thấy, hệ thống bản đồ chưa có sự đồng bộ, thống nhất, ranh giới các thửa đất được lồng ghép chưa phù hợp. Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị TKV cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng công trình khu văn phòng và khu chuyên gia, thuộc Dự án Tổ hợp bô-xít - nhôm Lâm Đồng để xem xét, báo cáo đề xuất UBND tỉnh xử lý.
Coi chừng phạm luật!
Báo cáo Đoàn Kiểm tra của Bộ Công thương, tại Báo cáo số 2356/BC-SCT, ngày 24/11/2022, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho rằng, các khu vực thăm dò khoáng sản bô-xít tại TP. Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm đã hình thành các khu dân cư ổn định từ trước và sau khi quy hoạch được phê duyệt với cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện, dẫn đến việc quy hoạch khoáng sản bô-xít vùng Bảo Lộc - Di Linh gặp nhiều vướng mắc, khó có thể triển khai nếu không điều chỉnh được quy hoạch tại Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quy hoạch đất an ninh quốc phòng, quy hoạch rừng, quy hoạch dân cư…
Việc triển khai các dự án thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản có những ảnh hưởng không tốt đến các ngành du lịch, nông - lâm nghiệp do quá trình khai thác, chế biến chiếm dụng một lượng lớn quỹ đất, tác động đến địa hình, địa mạo, cảnh quan, chất lượng đất và ảnh hưởng đến môi trường; làm mất đi lớp phủ thực vật, suy giảm nhanh tính đa dạng sinh học và hệ sinh thái, ảnh hưởng đến đa dạng loài...
Do đó, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng kiến nghị, cần xem xét điều chỉnh quy hoạch khai thác khoáng sản bô-xít vùng Bảo Lộc, Bảo Lâm một cách hợp lý, để bảo đảm hài hòa giữa lợi ích con người và thiên nhiên.
Theo hồ sơ mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được, tổng diện tích đất đã được cấp phép thăm dò khai thác quặng bô-xít trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là khoảng 21.170 ha (thuộc địa bàn các huyện Bảo Lâm, Di Linh, TP. Bảo Lộc).
Đáng chú ý, mới đây, ngày 23/2/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phúc đáp Sở Công thương rằng, căn cứ các quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng (Quyết định số 2016/QĐ-UBND, ngày 9/10/2018 về việc phê duyệt kết quả điều chỉnh quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 503/QĐ-UBND, ngày 8/3/2021 về việc điều chỉnh, bổ sung khoản 3, Điều 1, Quyết định
số 2016/QÐ-UBND, ngày 9/10/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng), thì khu vực đã được cấp phép thăm dò khai thác quặng bô-xít có một phần thuộc đất quy hoạch lâm nghiệp đối tượng rừng phòng hộ (11 ha), rừng sản xuất (4.906 ha) và phần còn lại là đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp (16.253 ha).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, chiếu theo bản đồ kèm theo Quyết định số 299/QĐ-UBND, ngày 28/1/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt kết quả kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2014, thì khu vực đã được cấp phép thăm dò khai thác quặng bô-xít sẽ ảnh hưởng đến diện tích đất có rừng khoảng 4.458 ha (trong đó rừng tự nhiên là 2.397 ha).
Thế nhưng, theo quy định của Luật Lâm nghiệp (năm 2017) và Luật Khoáng sản, thì hoạt động thăm dò khai thác khoáng sản không được phép thực hiện trên diện tích đất rừng phòng hộ. Ngoài ra, kết quả kiểm tra sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho thấy, các giấy phép đã được cấp phép thăm dò khai thác quặng bô-xít có chồng lấn lên khoảng 12 doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng để thực hiện dự án đầu tư.
Đặc biệt, chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng hiện nay là phải giữ vững vốn rừng hiện có, nhất là rừng tự nhiên, nếu thực hiện khai thác quặng bô-xít theo quy hoạch đã được cấp giấy phép, sẽ làm suy giảm một diện tích rất lớn đất có rừng.
Cho rằng, điều này sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ che phủ rừng, từ đó ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu theo các nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Sở Công thương báo cáo UBND tỉnh xem xét điều chỉnh cho phù hợp.
Bộ Công thương yêu cầu rà soát các dự án thăm dò, khai thác quặng bô-xít
Bộ Công thương đã đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát hiện trạng ranh giới các dự án quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng Bô-xít giai đoạn 2017 - 2015, có xét đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 1/11/2007 (khu vực đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng hoặc đã cấp phép khai thác trên địa bàn tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt); xác định cụ thể ranh giới, diện tích nhà ở dân sinh, dự án phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng cơ sở xây dựng không phép, sai phép, có phép chồng lấn ranh giới khoáng sản bô-xít; các căn cứ, văn bản pháp lý về việc cấp phép triển khai dự án; tình hình tài nguyên đối với khu vực này; các giải pháp xử lý đối với các diện tích chồng lấn để tiếp tục quy hoạch, cấp phép quặng bô-xít.
Bộ Công thương cũng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng bổ sung các giải pháp tăng cường quản lý, bảo vệ hiệu quả tài nguyên khoáng sản bô-xít đang khai thác trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Quản lý tài sản công; các kiến nghị, đề xuất và quản lý quy hoạch đối với thăm dò, khai thác, chế biến quặng bô-xít (nếu có). Kết quả báo cáo về Bộ Công thương trong quý I/2023.
Sáng ngày 28/2, phóng viên Báo Đầu tư đã gọi điện thoại cho ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng để hỏi về hướng xử lý của tỉnh đối với các khu vực đã cấp phép thăm dò, khai thác quặng bô-xít tác động đến rừng tự nhiên mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến vào ngày 23/2/2023. Tuy nhiên, tại thời điểm gọi điện thoại cho ông Hiệp, phóng viên không nhận được phản hồi.