Đà tăng khó cản
Thống kê sơ bộ, tính tới cuối tháng 7/2022, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của hệ thống ngân hàng bình quân đạt 5,77%/năm, tăng 0,18% so với tháng 7/2021 và tăng 0,23% so với cuối năm 2021.
Trên thị trường 1, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng niêm yết tăng từ 0,1 - 0,7%/năm tại cả ngân hàng thuộc nhóm có vốn nhà nước chi phối như Vietcombank và nhóm cổ phần như SHB, Techcombank, Sacombank, VIB, OCB, LienVietPostBank, MBB, ABB...
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán về diễn biến lãi suất thời gian qua, một lãnh đạo cao cấp BIDV cho biết, các yếu tố tác động nhìn chung đều theo hướng tạo áp lực tăng đối với mặt bằng lãi suất VND. Trước áp lực gia tăng từ môi trường quốc tế cũng như trong nước, chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước cũng đã cho thấy những chuyển dịch đáng kể khi công cụ lãi suất được ưu tiên sử dụng để ổn định tỷ giá USD/VND.
Cụ thể, lãnh đạo BIDV cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết cung tiền theo hướng thận trọng hơn khi tăng cường hút tiền qua kênh tín phiếu (tức phát hành tín phiếu) và bán ngoại tệ giao ngay. Đồng thời, việc bơm tiền (chào mua giấy tờ có giá) qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) cũng hạn chế hơn với phương thức đấu thầu mới cho phép lãi suất trúng thầu thay đổi linh hoạt theo từng phiên, thay vì ngưỡng trần cố định 2,5%/năm như trước.
Động thái này của Ngân hàng Nhà nước thể hiện rõ trong tuần đầu tháng 8/2022. Thông qua kênh OMO, Ngân hàng Nhà nước bơm ra 11.000 tỷ đồng (kỳ hạn 14 ngày, tại mức lãi suất trung bình 4,1%/năm), trong khi có 52.259 tỷ đồng kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày đáo hạn. Trong khi đó, cơ quan này đã phát hành trở lại 12.000 tỷ đồng (kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,6%/năm) trên kênh bán hẳn sau một tuần dừng hoạt động và có 39.900 tỷ đồng tín phiếu phát hành cách đó 4 tuần đáo hạn.
Như vậy, tổng hợp cả hai kênh OMO và tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng trở lại 13.360 tỷ đồng trong tuần đầu tháng 8, lượng OMO đang lưu hành giảm còn 11.000 tỷ đồng, lượng tín phiếu đang lưu hành giảm còn 83.050 tỷ đồng.
Lãnh đạo BIDV cho biết thêm, thanh khoản VND của hệ thống ngân hàng theo đó dịch chuyển sang trạng thái căng thẳng rõ nét hơn, đặc biệt trong nửa cuối tháng 7, khi dòng tiền bị hút mạnh về Ngân hàng Nhà nước qua các kênh tín phiếu và bán ngoại tệ (trong tháng 7/2022, Ngân hàng Nhà nước tăng giá bán USD từ 23.250 VND lên 23.400 VND, đồng thời chuyển từ phương thức bán kỳ hạn 3 tháng sang phương thức bán giao ngay, tổng lượng USD bán ra ước đạt 3,5 tỷ USD, tương đương 81.900 tỷ đồng). Cân đối huy động vốn - tín dụng cũng chịu áp lực thu hẹp trong bối cảnh tăng trưởng huy động vốn vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tới ngày 26/7/2022 đạt 9,42% so với cuối năm 2021, mức tăng tháng 7 cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Đà tăng của tín dụng chững lại đáng kể trong tháng 7, khi chỉ tăng thêm 0,07% so với cuối tháng 6, do các ngân hàng thương mại đều chạm tới hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng, nhưng tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm 2022 vẫn cao hơn so với tăng trưởng huy động vốn khoảng 5%.
Tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ
Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên sẵn sàng chuyển sang thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế áp lực lạm phát bằng cách tăng lãi suất và thắt chặt cung tiền.
Giám đốc nguồn vốn một ngân hàng thương mại cổ phần ở miền Nam cho rằng, Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ và hút ròng VND với khối lượng lớn qua thị trường mở khiến lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh trong tuần cuối tháng 7/2022, lên 4 - 5%/năm, mức cao nhất trong vòng 3 năm. Áp lực tăng này có thể sẽ không kéo dài và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng dự kiến trở lại mức cân bằng trong tháng 8 - tháng 9, khi lượng tín phiếu phát hành trong tháng 7 đáo hạn.
Tuy nhiên, động thái của Ngân hàng Nhà nước khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng cao một phần nhằm hỗ trợ ổn định tỷ giá, khi VND từ đầu năm 2022 đến nay mất giá 2,21% so với USD trước động thái liên tục nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Do đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng trong các tháng tới sẽ khó quay lại mặt bằng thấp như tháng 6/2022, mà có thể dao động quanh mức trung bình giai đoạn cuối năm 2019 (3- 4%/năm - thời điểm trước đại dịch Covid-19).
“Diễn biến này cũng sẽ tạo áp lực khiến lãi suất huy động tiếp tục có diễn biến tăng trong thời gian tới, dự báo tăng khoảng 0,5% trong cả năm 2022 so với cuối năm 2021”, vị giám đốc nguồn vốn nói.
Trong khi đó, lãnh đạo cao cấp BIDV nhận xét, mặt bằng lãi suất VND tiếp tục có xu hướng tăng nhẹ khi các yếu tố tạo áp lực tăng vẫn chiếm ưu thế.
Thứ nhất, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước dự kiến dịch chuyển theo hướng thắt chặt dần để kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá, thể hiện ở một loạt biện pháp như tiếp tục điều tiết cung tiền theo hướng thận trọng hơn (qua kênh tín phiếu, bán ngoại tệ), duy trì cơ chế chào thầu trên kênh OMO với mặt bằng lãi suất ở mức cao (hiện dao động quanh mức 3,5 - 4,5%/năm).
Thứ hai, thanh khoản VND của hệ thống ngân hàng và cân đối huy động vốn - tín dụng không dễ được cải thiện trong ngắn hạn, do chịu áp lực cộng hưởng từ các yếu tố như dòng tiền dự kiến tiếp tục bị hút về Ngân hàng Nhà nước khi các giao dịch mua ngoại tệ kỳ hạn từ cơ quan này trong giai đoạn trước sẽ đến hạn thanh toán. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục phải bán ngoại tệ giao ngay trong bối cảnh cân đối cung cầu ngoại tệ vẫn kém khả quan.
“Về tương quan giữa huy động vốn - tín dụng, tăng trưởng tín dụng có khả năng sẽ chậm lại khi nhiều ngân hàng thương mại đã chạm room tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước chưa nới thêm. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng sẽ cao hơn tăng trưởng huy động vốn khoảng 0,1 - 0,2%, trong bối cảnh huy động vốn vẫn tương đối khó khăn, đặc biệt từ cấu phần dòng vốn ngoại tệ chưa có sự cải thiện”, lãnh đạo BIDV nói.
Ở chiều ngược lại, lãnh đạo BIDV cho rằng, mặt bằng lãi suất VND chưa thể bật tăng mạnh do trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng được Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên (4%/năm). Ngoài ra, các ngân hàng thương mại về cơ bản có thể tiếp cận nguồn vay từ Kho bạc Nhà nước (thông qua kênh tiền gửi Kho bạc Nhà nước) và từ Ngân hàng Nhà nước (thông qua kênh đấu thầu OMO) để bổ sung thanh khoản khi có nhu cầu.
Ông Trần Ngọc Báu, Founder & CEO WiGroup nêu quan điểm: “Mặc dù không nâng lãi suất điều hành nhưng Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện phương thức đấu thầu OMO. Qua đó, lãi suất nghiệp vụ này bị kéo vọt lên tới 5%/năm, cao hơn nhiều so với mức lãi suất 2,5%/năm cố định trước đó. Đây cũng là một trong những cách để thăm dò thị trường về khả năng tăng lãi suất điều hành”.
“Với nền kinh tế tăng trưởng tốt trong bối cảnh VND chịu áp lực mất giá và mục tiêu kiểm soát lạm phát được đặt lên cao hơn, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có những động thái thắt chặt chính sách tiền tệ và nhiều khả năng sẽ điều chỉnh tăng lãi suất”, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nhận định.
Trước xu hướng tăng lãi suất trên thế giới nhằm kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn giữ nguyên các mức lãi suất điều hành kể từ 1/10/2020: lãi suất tái cấp vốn là 4%/năm, lãi suất tái chiết khấu là 2,5%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng là 5%/năm. Riêng lãi suất chào mua giấy tờ có giá thông qua nghiệp vụ thị trường hiện không còn cố định mức 2,5%/năm, mà vừa qua được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh theo cơ chế thị trường (ngày 26/7/2022 mua 15.000 tỷ đồng kỳ hạn 1 tuần với lãi suất 3,8%/năm).