Những thiệt hại cho công ty chứng khoán và khách hàng hoàn toàn có thể bù đắp bằng bảo hiểm.

Những thiệt hại cho công ty chứng khoán và khách hàng hoàn toàn có thể bù đắp bằng bảo hiểm.

Thăm dò… bảo hiểm trách nhiệm ngành tài chính

(ĐTCK-online) Thị trường tài chính Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh, đó là cơ hội cho các ngân hàng, công ty chứng khoán,… ăn nên làm ra. Sự phát triển này đủ lớn để tạo sức hút nhất định cho các công ty bảo hiểm nước ngoài, nhưng sản phẩm bảo hiểm các công ty này giới thiệu không phải là sản phẩm bảo hiểm truyền thống, mà là những loại hình còn rất mới ở Việt Nam, chẳng hạn như bảo hiểm trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp, bảo hiểm thiệt hại gây nên bởi sai sót của nhân viên, và thậm chí cả bảo hiểm thiệt hại gây ra bởi các nhà môi giới chứng khoán.

Giới thiệu

Mới đây nhất, Công ty Bảo hiểm Gras Savoye đã cùng Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) giới thiệu những sản phẩm bảo hiểm mới này tại Việt Nam. Đối tượng mà Gras Savoye quan tâm chính là các định chế tài chính đang hoạt động tại Việt Nam .

Theo ông Aruno Rajaratnam, Giám đốc khu vực châu Á của Gras Savoye, hầu hết định chế tài chính Việt Nam rất ít sử dụng các sản phẩm bảo hiểm, trong khi rủi ro trong hoạt động lại không hề nhỏ. Một số ngân hàng hiện tại mới sử dụng một vài loại hình bảo hiểm chủ yếu trong khâu vận chuyển tiền, còn hầu hết hoạt động khác là không có bảo hiểm.

Cũng theo ông Aruno, hành vi tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng là rất lớn, chẳng hạn như nhân viên biển thủ tiền, giả mạo hóa đơn, cho vay vốn sai quy định, mua hàng gian lận hoặc các giao dịch giả mạo…

Những rủi ro này xảy ra không chỉ đối với ngân hàng tại các nước đang phát triển có hệ thống quản trị chưa hiện đại, mà còn xảy ra với nhiều ngân hàng lớn. Một ngân hàng lớn của Nhật Bản là UFJ International bị nhân viên ăn trộm khoảng 500.000 bảng Anh; National Australia Bank cũng từng bị các nhân viên cấu kết với nhau lấy đi 266 triệu USD,…

Theo Gras Savoye, đối tượng tạo ra những vụ biển thủ, gian lận chủ yếu từ nội bộ các định chế tài chính. Thống kê các vụ việc xảy ra cho thấy, nhân viên phạm tội chiếm tới 40%, một phần không kém là từ đội ngũ lãnh đạo chiếm tới 30%. Những người phạm tội sẽ bị xử lý theo pháp luật nhưng thiệt hại gây ra cho các định chế tài chính và khách hàng thì rất khó có thể bù đắp. Nếu mua bảo hiểm, những thiệt hại này trở nên nhỏ hơn nhiều bởi công ty bảo hiểm sẽ bù đắp tổn thất xảy ra.

Trong lĩnh vực chứng khoán, sai phạm gây thiệt hại đến nhiều từ các nhân viên môi giới, những thiệt hại này cho công ty chứng khoán và khách hàng hoàn toàn có thể bù đắp bằng bảo hiểm.

“Việc lạm dụng những việc làm sai nguyên tắc của môi giới chứng khoán diễn ra hàng ngày tại mọi quốc gia”, ông Ronak Shah, chuyên gia của Gras Savoye cho biết.

Nguyên nhân chính vẫn là các khoản hoa hồng kiếm được từ môi giới, ngoài ra cũng có thể do sai sót, chểnh mảng.

 

Và thăm dò

Theo lãnh đạo của BIC, hiện phân khúc thị trường cho dòng sản phẩm bảo hiểm dành cho ngân hàng, tổ chức tài chính là rất tiềm năng tại Việt Nam, đặc biệt là thời kỳ cổ phần hóa, hội nhập và hậu WTO.

Trên thực tế, đối với loại hình bảo hiểm trách nhiệm cho lãnh đạo doanh nghiệp nói chung đã được đề cập nhưng rất khó triển khai ở Việt Nam , bởi cơ chế quản trị doanh nghiệp theo kiểu cũ rất khó phân định trách nhiệm người đứng đầu. Tuy nhiên, sau cổ phần hóa, những tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp tiên tiến được áp dụng thì việc phân định quyền hạn cũng như trách nhiệm cho giám đốc, lãnh đạo các bộ phận tương đối rõ ràng nên việc áp dụng các loại hình bảo hiểm trách nhiệm sẽ có cơ hội hơn.

Thị trường đang phát triển, khách hàng ngày càng nhiều nhưng theo đánh giá từ chính các công ty bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam thì việc triển khai trên thực tế sẽ cần có một thời gian nhất định. Trong lĩnh vực tài chính có khả năng áp dụng sớm bởi nhiều ngân hàng, công ty tài chính, chứng khoán đã bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn quản trị hiện đại.

Được biết, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang nghiên cứu các sản phẩm bảo hiểm này để thu xếp bảo hiểm toàn diện cho hoạt động chính của BIDV trước khi IPO.