Thái Nguyên: Nhiều dự án chậm tiến độ, lỗi tại ai?

Thái Nguyên: Nhiều dự án chậm tiến độ, lỗi tại ai?

(ĐTCK) Theo ghi nhận thực tế, thị trường bất động sản Thái Nguyên thời gian gần đây đang được giới “cò đất” đổ về tạo sóng ở nhiều khu vực, nhiều dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư không có khả năng triển khai nhưng vẫn được giới thiệu rất… hoành tráng.

Nhiều dự án chậm tiến độ

Tình trạng chậm tiến độ của các dự án cả công nghiệp và dân dụng tại Thái Nguyên đã được chính quyền tỉnh này “đọc vị” từ lâu. Tại phiên chất vấn do Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên tổ chức vào ngày 8/6/2018 với sự tham gia và trả lời chất vấn của lãnh đạo UBND tỉnh, thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Bùi Xuân Hòa, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên cho biết, trên địa bàn tỉnh còn có một số dự án chậm tiến độ, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh, gây bức xúc trong nhân dân.

Trong đó, 11 dự án đã được Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên chỉ ra thuộc các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị, các dự án BT, giao thông; khai thác khoáng sản, quản lý đất đai, quản lý xây dựng.

Đối với các dự án hạ tầng khu công nghiệp, HĐND tỉnh Thái Nguyên chỉ ra 3 dự án do Ban quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên quản lý đã bị chậm tiến độ từ lâu, gồm: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu B - Khu công nghiệp Điềm Thụy phần diện tích 170 ha do Công ty cổ phần APEC làm chủ đầu tư, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu B - Khu công nghiệp Nam Phổ Yên do Công ty TNHH một thành viên Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên làm chủ đầu tư và Dự án Khu công nghiệp Trung Thành Khu C - Khu công nghiệp Nam Phổ Yên do Công ty Lệ Trạch (Đài Loan - Trung Quốc) làm chủ đầu tư.

Đối với các dự án dân dụng, theo phản ánh của người dân sở tại, nhiều dự án chưa hoàn thiện hạ tầng, thậm chí còn chưa giải phóng mặt bằng, đang có tranh chấp liên quan đến chi phí và diện tích bồi thường, nhưng đã được rao bán trên thị trường với giá cao.

Tại trung tâm TP. Thái Nguyên có những dự án thuộc diện “con voi chui lọt lỗ kim”. Chẳng hạn, Dự án Tecco Complex Thái Nguyên ở phường Thịnh Đán  với 6 tòa tháp cao trên 30 tầng và 2.088 căn hộ. Dự án này chưa có Giấy phép xây dựng nhưng chủ đầu tư là Tổng công ty Tecco có địa chỉ ở TP.HCM vẫn ráo riết thúc tiến độ thi công và sản phẩm của dự án này đã được một số “cò” rao bán rầm rộ ra thị trường.

Tại thị xã Phổ Yên, dự án Khu dân cư Đông Tây dù chưa đủ điều kiện huy động vốn nhưng các thông tin phân lô, bán nền đã diễn ra rất nhộn nhịp. Trong khi đó, dự án này vẫn đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, thi công hạ tầng. Lượng công nhân thưa thớt, máy móc thi công khá lèo tèo.

Liên quan đến dự án này, lãnh đạo Sở Xây dựng Thái Nguyên từng cho biết, việc huy động góp vốn và thực hiện giao dịch mua bán tại dự án này là không đúng quy định của pháp luật

Nhà đầu tư gặp khó

Trong khi chính quyền tỉnh Thái Nguyên chỉ ra nhiều dự án chậm tiến độ thì các nhà đầu tư tại địa phương này cũng cho rằng, có nhiều nguyên nhân thuộc về cơ chế, chính sách khiến môi trường đầu tư Thái Nguyên có nguy cơ giảm dần sức hấp dẫn.

Ngày 26/11 vừa qua, tại Hội nghị tiếp xúc cử tri, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các câu hỏi và kiến nghị về những khó khăn mà họ gặp phải khi “rót vốn” vào Thái Nguyên.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết, bên cạnh những thành tựu đạt được về kêu gọi đầu tư thì tại Thái Nguyên vẫn còn những “điểm nóng” cơ chế, thủ tục cần được giải quyết. Năm 2017 mặc dù điểm số mà doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá cao hơn năm trước, nhưng Thái Nguyên lại bị tụt hạng trong Bảng xếp hạng PCI, chỉ còn đứng thứ 15 trong Bảng xếp hạng. Điều đó cho thấy, nếu tỉnh Thái Nguyên không cải cách có trọng tâm, trọng điểm vào những “điểm nóng” mà doanh nghiệp, nhà đầu tư đang vướng mắc, thì rất có thể, sức cạnh tranh của Thái Nguyên sẽ “bị đuối” hơn các tỉnh, thành phố khác, thậm chí mất đi “cơ hội vàng” sau Hội nghị xúc tiến đầu tư vừa qua.

Ông Thời kiến nghị, về giải phóng mặt bằng, đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành quy trình thực hiện dự án đầu tư từ khi tiếp nhận hồ sơ dự án đến khi bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư, trong từng bước công việc có mốc thời gian cụ thể. Để đảm bảo tiến độ triển khai dự án, doanh nghiệp sẵn sàng cam kết đảm bảo bằng tiền đặt cọc, ký quỹ. Ngược lại, doanh nghiệp đề nghị hợp đồng bồi thường giải phóng mặt bằng phải ghi rõ ngày bắt đầu, ngày kết thúc, và có chế tài thưởng phạt thực hiện hợp đồng. Nếu bên nào vi phạm gây thiệt hại cho bên kia thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội Doanh nhân nữ tỉnh Thái Nguyên cũng nêu lên những khó khăn của doanh nghiệp đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên nghiên cứu, có chính sách đặc biệt cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào địa bàn có kết nối hợp tác với các doanh nghiệp trong tỉnh, sử dụng lao động, dịch vụ và vật tư, vật liệu, sản phẩm sản xuất tại địa phương, gián tiếp kích cầu tại địa phương.

“Đề nghị UBND tỉnh cần xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng, các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, trong và ngoài tỉnh đều có thể tự do phát triển, kết nối hỗ trợ nhau”, bà Vinh mong muốn.    

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan