Dự án Tecocomplex từng triển khai thi công khi chưa đủ hồ sơ pháp lý

Dự án Tecocomplex từng triển khai thi công khi chưa đủ hồ sơ pháp lý

Thái Nguyên: Hàng loạt dự án sai phạm và cơ chế “phạt cho tồn tại“

(ĐTCK) Hàng loạt dự án xây dựng lớn sai phạm trong thời gian dài, nhưng chính quyền, cơ quan quản lý tại Thái Nguyên chỉ phát hiện khi có sự phản ánh của người dân và vào cuộc của báo chí. Câu hỏi đặt ra là vì lý do nào khiến “con voi chui lọt lỗ kim”?

Phạt cho tồn tại

Với nhiều lợi thế về vị trí, kết nối hạ tầng và sự phát triển của công nghiệp, Thái Nguyên thu hút nhiều doanh nghiệp bất động sản đến đầu tư, giúp thị trường địa ốc “vùng đất chè” sôi động. Sự có mặt của các nhà đầu tư lớn như Vingroup, Tiến Bộ, FLC… góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị của Thái Nguyên, tạo ra những dự án, khu đô thị khang trang hiện đại.

Tuy nhiên, bên cạnh các dự án bài bản, được đầu tư chuyên nghiệp, cũng xuất hiện nhiều dự án sai phạm của các chủ đầu tư làm ăn thiếu nghiêm túc, gây rủi ro cho khách hàng và ảnh hưởng không tốt tới thị trường, cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.

Dù vậy, điều đáng nói là chính quyền sở tại chỉ vào cuộc khi có phản ánh của người dân và cơ quan báo chí, nhưng cũng chỉ xử lý theo kiểu “phạt cho tồn tại”.

Đơn cử như dự án Tecocomplex do Tổng công ty Đầu tư Tecco Chi nhánh Thái Nguyên làm chủ đầu tư. Có vị trí nằm sát mặt đường Quang Trung, phường Thịnh Đán, TP. Thái Nguyên với quy mô tổng thể gồm 6 tòa nhà cao 32 tầng nổi và 3 tầng hầm. Được khởi công xây dựng từ 23/7/2017, nhưng đến tháng 5/2018, dự án mới bị phát hiện chưa có giấy phép xây dựng, chưa có hồ sơ giao đất ngoài thực địa, thậm chí còn chưa được tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương đầu tư…

Thái Nguyên: Hàng loạt dự án sai phạm và cơ chế “phạt cho tồn tại“ ảnh 1

Hầu hết dự án có sai phạm dù nặng hay nhẹ đều được "phạt cho tồn tại"

Tương tự, tại Dự án xây dựng nhà ở xã hội - Khu chung cư Đại Nam, tại tổ 27, phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đại Nam làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ năm 2016 trên tổng diện tích đất là 1.406 m2. Sau 2 năm triển khai xây dựng, đơn vị này đã cho thi công 1 tầng hầm, 7 tầng nổi và đang chuẩn bị hoàn tất tầng thứ 8 thì mới bị phát hiện chưa hoàn thiện hồ sơ thủ tục. Theo đó, khi báo chí liên tục phản ánh về sai phạm tại dự án này, thì cơ quan chức năng mới đến kiểm tra. Tại biên bản vi phạm hành chính về trật tự xây dựng số 11/BB-VPHC ngày 22/6/2018, UBND phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên khẳng định, chủ đầu tư không cung cấp được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại vị trí xây dựng và giấy phép xây dựng của công trình xây dựng đang thi công.

Tuy nhiên, câu chuyện lớn, đáng nói nhất là tại Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ, lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu đầu tư theo hình thức BT. Đề án này được chia thành 9 dự án thành phần, có tổng mức đầu tư hơn 18.200 tỷ đồng. Ngày 25/12/2016, nhà đầu tư là Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc và Cienco 8 tiến hành khởi công 2 trên 9 dự án dù chưa điều chỉnh xong quy hoạch tổng thể các dự án, trong đó có điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa có đánh giá tác động môi trường, chưa ký hợp đồng BT, chưa phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (sau điều chỉnh dự án), chưa được HĐND tỉnh thông qua chủ trương đề xuất chuyển Dự án thành Đề án và chưa có quyết định chủ trương đầu tư của HĐND tỉnh.

Cụ thể, theo tư liệu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, mãi tới ngày 23/7/2018, ba hợp đồng BT (Dự án số 1: Xây dựng hoàn thiện hệ thống đê từ bờ hữu sông Cầu đoạn qua TP. Thái Nguyên; Dự án số 4: Xây dựng hệ thống kè chống sạt lở đê hai bên sông và xây dựng 3 bến thuyền tại thượng lưu cầu Quang Vinh, cầu Gia Bảy và thượng lưu đạp Thác Huống; Dự án số 5: Xây dựng hoàn thiện hệ thống đường giao thông hai bên bờ sông Cầu) của Đề án mới được ký kết.

Ngoài ra, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản ngày 9/8/2019, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Về Bản vẽ thiết kế cơ sở và sơ bộ điều chỉnh các dự án số 1, 2, 3, 4, 6, 7 thuộc lĩnh vực của đơn vị chúng tôi thẩm định, nhưng đến nay, mới thẩm định được dự án số 1”.

Mặc dù dự án thi công khi chưa đủ hồ sơ pháp lý, nhưng nhà đầu tư không những không bị phạt, mà còn được UBND tỉnh Thái Nguyên đốc thúc cho hoàn thiện hồ sơ các khu đất đối ứng.

Một dự án khác cũng gây chú ý là Dự án xây dựng trang trại nuôi bò sữa của Công ty TNHH Thái Việt. Công ty này thuê đất sử dụng vào mục đích xây dựng nông trại chăn nuôi bò sữa tại xã Cao Ngạn, TP. Thái Nguyên, với diện tích 133.265 m2 đất, thời hạn thuê đất là 50 năm, nhưng lại chuyển sang làm khu du lịch sinh thái, làm phá vỡ quy hoạch sản xuất đất nông nghiệp, môi trường và dòng chảy thoát lũ (nằm bên hành lang thoát lũ sông Cầu). Tuy nhiên, dự án vẫn ung dung thực hiện đến khi gần xong mới bị xử phạt 400 triệu đồng, hiện giờ cũng đang hoàn thiện giấy phép.

Hay Tổ hợp công trình Pomihoa chỉ cấp phép 1 toà nhà thương mại, nhưng sau đó, chủ đầu tư tự ý xây thêm 3 toà bên cạnh và chuyển đổi công năng sang làm bệnh viện, dù chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và chưa xin phép.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu?

Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của chính quyền và cơ quan quản lý, trực tiếp là Sở Xây dựng Thái Nguyên ở đâu khi để xảy ra hàng loạt sai phạm trong thời gian dài như trên?

Theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, ngày 21/7/2017 của Chính phủ về việc quy định xử phạt hành vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng…, các công trình không phép, sai phép không còn chuyện nộp phạt để tồn tại.

Theo đó, các vi phạm (xây dựng sai phép, không phép đã kết thúc), ngoài việc nộp phạt còn bị buộc phải tháo dỡ phần vi phạm. Trường hợp xây sai phép, không phép đang thực hiện, chủ đầu tư sẽ bị lập biên bản yêu cầu dừng thi công. Trong khoảng thời gian 60 ngày (kể từ ngày lập biên bản) chủ đầu tư phải xin điều chỉnh hoặc cấp mới giấy phép xây dựng. Hết thời hạn mà không xuất trình được giấy phép thì phải tháo dỡ phần vi phạm. Đối với công trình đang xây dựng mà sai chỉ giới xây dựng, cơi nới lấn chiếm sẽ tháo dỡ ngay.

Đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, khoản 3, Điều 57, Nghị định 139 quy định, phạt tiền từ 250 - 300 triệu đồng đối với một trong các hành vi kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không bảo đảm đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định... Ngoài phạt tiền, sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản đến 12 tháng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, nhiều người dân ở TP. Thái Nguyên cho rằng, chính sự buông lỏng quản lý của ngành chức năng sở tại là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Vì hầu hết các công trình này đều nằm trên những đường lớn, ở ngay địa bàn TP. Thái Nguyên và được xây dựng quy mô lớn, có diện tích mặt bằng hàng chục, hàng trăm héc-ta, nên không thể nói là chính quyền, cơ quan quản lý không biết việc vi phạm xảy ra.

Việc người dân đưa ra ý kiến trên không phải không có cơ sở. Chẳng hạn, liên quan đến Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ, lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, Báo Đầu tư Bất động sản đã nhiều lần liên hệ với ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên để tìm hiểu thông tin đa chiều, nhưng không nhận được sự hợp tác.

Thậm chí, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Văn bản chỉ đạo số 3209/UBND-TH ngày 8/8/2019 về việc yêu cầu cung cấp thông tin cho Báo, nhưng sau nhiều lần hứa hẹn qua điện thoại, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản vẫn chưa thể tiếp cận được với lãnh đạo Sở Xây dựng Thái Nguyên.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan