Bán mọi thứ từ phần cứng và phần mềm bên thứ 3 cho tới các ứng dụng đặt hàng và các dịch vụ tư vấn, SHI đã tích lũy được 17.500 khách hàng, bao gồm Boeing, Johnson & Johnson và AT&T. Nửa đầu năm 2017 vừa qua, doanh thu của SHI đạt 3,7 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Forbes, giá trị của SHI vào khoảng 1,8 tỷ USD, và Thai Lee - Chủ tịch kiêm CEO, người sở hữu 60% công ty - là một trong những tỷ phú nữ tự thân giàu nhất nước Mỹ.
Kế hoạch cuộc đời rõ ràng
Thai Lee được sinh ra ở Bangkok, Thái Lan. Cha bà, một nhà kinh tế học người Hàn Quốc, đã đi khắp thế giới diễn thuyết kế hoạch phát triển hậu chiến tranh của đất nước ông. Lee đã dành hầu hết tuổi thơ của mình ở Hàn Quốc.
Đến tuổi niên thiếu, Thai Lee chuyển đến Mỹ học tập, có được bằng Cử nhân kép về sinh học và kinh tế.
“Tôi sau đó biết rằng cơ hội tốt nhất để thành công là bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình, bởi vì sau khi tôi loại bỏ tất cả ngành nghề tôi không thể thành công với nó, đó chính là điều còn lại với tôi”, bà nói.
Sau cao đẳng, bà trở về Hàn Quốc làm việc tại nhà sản xuất phụ kiện ôtô Daesung Industrial ở Seoul để kiếm tiền học thạc sĩ. Một vài năm sau, Lee trở lại Mỹ và vào năm 1985, bà tốt nghiệp trường Kinh doanh Harvard.
Sau đó, bà chọn những công việc để giúp chuẩn bị cho sau này: 2 năm tại Procter & Gamble, 2 năm tại American Express.
“Tôi biết rằng tôi muốn chuẩn bị cho bản thân, vì thế tôi dành cho bản thân một ít thời gian: Toàn bộ những năm 20 tuổi, tôi học tất cả về kinh doanh”, Lee nói.
Năm 1989, Lee cưới Leo Koguan, một luật sư tốt nghiệp trường Columbia, người chia sẻ giấc mơ khởi nghiệp với bà - và cũng trong năm đó, Lee phát hiện cơ hội để biến ước mơ thành sự thật.
Lautek, một công ty đang chật vật ở New Jersey, có một bộ phận nhỏ gọi là Software House bán những chứng chỉ thương mại để chạy những chương trình như Lotus 1-2-3. Họ chỉ còn vài khách hàng, nhưng một vài trong số đó rất lớn (như AT&T), và vợ chồng Lee rất tin vào giá trị tiềm năng trong quan hệ của công ty với những nhà buôn bán (như IBM).
Quan điểm của Lee là đối xử với khách hàng như đối tác, từ đó giành được sự trung thành và tiền của họ
Koguan và Lee trả ít hơn 1 triệu USD cho doanh nghiệp đó, bằng tiền tiết kiệm và một vài khoản vay nhỏ. Ngay sau đó, họ đặt lại tên công ty là Software House International (SHI), phản ánh tham vọng toàn cầu của Lee.
Triết lý lấy khách hàng làm trọng tâm
Là một trong những công ty IT lớn nhất thế giới, song, điểm khác biệt lớn nhất của SHI không phải là về công nghệ, mà là dịch vụ khách hàng tuyệt vời. Quan điểm của Lee là đối xử với khách hàng như đối tác, từ đó giành được sự trung thành và tiền của họ.
“Những nhà cung cấp công nghệ có xu hướng bị lật đổ khá thường xuyên”, Athony Andreou, một lãnh đạo tại Dun & Bradstreet - khách hàng của SHI trong 15 năm, nói, “Nhưng khi bạn là một nhà cung cấp dịch vụ tuyệt vời, khách hàng sẽ ở lại và ít lý do để đổi sang nhà cung cấp khác”.
“Thai là một lãnh đạo xuất sắc. Bà rất thông minh, cực kỳ tập trung và khiêm tốn. Bà thật sự trao quyền cho nhân viên của mình, cho họ cơ hội và sự phóng khoáng để phục vụ tốt khách hàng của họ”, Andreou khen ngợi sự quản lý của Lee và cho rằng bà chính là lý do chính giữ Dun & Bradstreet ở lại với SHI.
Ngay cả trong những ngày đầu, Lee đã sớm nhận ra rằng, nếu SHI dám bước ra khỏi con đường quen thuộc của mình để giải quyết các vấn đề của từng khách hàng, công ty sẽ được mở rộng.
Khi một trong những khách hàng phần mềm lớn nhất của SHI gọi đến và cho biết họ đang chi hàng triệu USD mỗi năm để mua phần cứng máy tính từ một công ty khác - nhưng họ thích SHI hơn và muốn chuyển sang mua từ SHI, Thai Lee đã không ngần ngại đáp ứng nhu cầu của khách hàng, dù trước đó SHI chưa từng bán máy tính. 15 năm sau, công ty đó giờ là 1 trong 3 khách hàng lớn nhất của SHI.
“Làm điều mà chúng tôi chưa từng làm trước đó, điều đó rất hứng khởi”, bà nói, “Chúng tôi là những thợ xây không biết sợ là gì. Và sau đó chúng tôi làm một bản sao, đi đến các khách hàng khác và nói, ‘Giờ chúng tôi có thể làm được điều này’.”
Sẵn sàng thích nghi với biến động
Thị trường tiềm năng dành cho SHI và các nhà cung cấp IT nói chung, là rất lớn. Song, với sự đề phòng một cuộc chuyển dịch, Lee đã dành những năm gần đây xây dựng mảng kinh doanh dịch vụ của SHI, cung cấp những sản phẩm như quản lý tài sản, quản lý trung tâm dữ liệu và kiểm tra an ninh mạng lưới.
Tất nhiên, khi SHI và các đối thủ bắt đầu di chuyển lên trên chuỗi cung ứng và cung cấp nhiều dịch vụ hơn, những công ty tư vấn lớn như Accenture, Capgemini và Deloitte cũng sẽ dè chừng và đưa ra những phương thức cạnh tranh mới. Song, Lee không hề lúng túng, giống như việc bà đã nhiều lần thích nghi với mô hình kinh doanh mới trong những năm qua. Bà dự đoán doanh thu của SHI sẽ đạt 10 tỷ USD vào năm 2019.
“Chúng tôi đã trải qua giai đoạn 10 năm, mà mỗi năm đó chúng tôi đều tăng trưởng gấp đôi”, bà nói. “Điều này không có vẻ gì là khó khăn”.