Theo Đại học Phòng Thương mại Thái Lan, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại nước này đã giảm xuống 39,6 trong tháng 8 thấp nhất trong vòng 23 năm qua. Trước đó, vào đầu năm 2021, khi dịch bệnh mới bùng phát trở lại, chỉ số này rơi vào 47,8 trong tháng 1 và 49,4 trong tháng 2.
Theo Chủ tịch của trường Đại học Phòng thương mại Thái Lan, ông Thanavath, niềm tin của người tiêu dùng giảm tháng thứ 6 liên tiếp và thấp nhất kể từ tháng 10/1998 bởi người dân lo ngại về sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta khiến chính phủ chịu nhiều áp lực. Chính vì các biện pháp mạnh mẽ như đóng cửa các hoạt động không thiết yếu cũng như giới nghiêm khắc nghiệt hơn khiến niềm tin tiêu dùng giảm sút.
Ngoài ra, các yếu tố khác tác động lên chỉ số niềm tin tiêu dùng bao gồm sự không chắc chắn về việc phân phối vaccine, bất ổn chính trị và triển vọng kinh tế ảm đạm.
Ông Thanavath cho rằng, các biện pháp phòng dịch cứng rắn ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế cũng như việc làm của người dân. Tuy nhiên, người tiêu dùng tại Thái Lan đã cảm thấy nền kinh tế nước này có thể phục hồi sau khi chính phủ thông báo nới lỏng các biện pháp phòng dịch kể từ đầu tháng 9.
Việc nới lỏng các biện pháp hạn chế có thể sẽ khiến số ca nhiễm tăng lên song điều này sẽ giúp kinh tế Thái Lan có thể tăng trưởng từ 0 tới 2% trong năm nay, cải thiện hơn rất nhiều so với dự báo âm 2% trong tháng 8.
Ngoài ra, ông Thanavath cũng cho biết, khu vực doanh nghiệp mong muốn chính phủ đưa ra những kế hoạch rõ ràng và cụ thể hơn trong việc mở cửa trở lại đất nước để qua đó giới kinh doanh có sự chuẩn bị.
Khu vực doanh nghiệp cũng muốn chính phủ Thái Lan thu mua và phân phối vaccine càng nhanh càng tốt để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Ngoài ra, cũng nên lập một kế hoạch hiệu quả và lâu dài hơn để thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài qua đó hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.