Số phận chưa định đoạt
VnSteel hiện là cổ đông lớn nhất tại Tisco (nắm giữ 42,11% cổ phần) và cổ đông lớn thứ hai là Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng. Thời gian qua, Thái Hưng đã liên tục gia tăng sở hữu tại Tisco.
Cụ thể, cuối tháng 4/2017, Thái Hưng đã hoàn tất thương vụ mua vào 17.817.900 cổ phiếu TIS từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), với giá bình quân 11.216 đồng/cổ phiếu và mua thêm 290.000 cổ phiếu qua sàn, nâng lượng sở hữu tại Tisco từ 14,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 7,72%) lên 32,3 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 17,55%.
Chỉ sau đó ít ngày, đầu tháng 5/2017, Thái Hưng lại tiếp tục mua vào 4,5 triệu cổ phiếu TIS, nâng lượng sở hữu sau giao dịch lên 36,8 triệu cổ phiếu, chiếm 20% vốn điều lệ của Tisco.
Tuy nhiên, có vẻ như đại gia Thái Hưng chưa hài lòng với vị trí hiện tại. Theo một số thông tin, Thái Hưng muốn nhòm ngó để “nẫng” nốt số cổ phần của Tisco đang nằm trong đại gia số 1 ngành thép là VnSteel.
Ông Nguyễn Tống Thắng, Giám đốc Marketing của Thái Hưng cho biết, Công ty chưa thể trả lời về việc Thái Hưng có mua tiếp cổ phiếu TIS từ VnSteel hay không. Trong khi đó, về phía VnSteel, đại diện Tổng công ty cho biết, đang phải chờ chỉ đạo của cơ quan chủ quản.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Tisco, công ty này đã thông qua một nội dung quan trọng là cho phép nhà đầu tư không phải chào mua công khai khi nhận chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sở hữu từ 25% cổ phần trở lên có quyền biểu quyết.
Thái Hưng là cái tên đang nổi lên trong ngành thép. Tiền thân của đại gia này là một doanh nghiệp tư nhân ở Thái Nguyên
Như vậy, với nội dung này, bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể gia tăng quyền kiểm soát đối với Tisco, mà không cần phải làm các thủ tục rườm rà chào mua công khai, gây ầm ĩ dư luận. Đặc biệt, với vai trò đại diện vốn nhà nước và cũng là cổ đông lớn nhất, VnSteel đã biểu quyết tán thành nội dung này.
Về phía Tisco, thời gian qua, đại gia thuộc hàng giàu truyền thống nhất ngành thép này đã có một số xáo trộn đáng kể về những nhân sự chủ chốt.
Cụ thể, đầu tháng 5/2017, ông Trần Anh Dũng đã được bầu vào vị trí Trưởng ban Kiểm soát, thay cho ông Trần Mạnh Hữu. Tiếp đó, giữa tháng 5/2017, Công ty đã miễn nhiệm cùng lúc 3 thành viên Hội đồng Quản trị, gồm các ông Nguyễn Quốc Huy, Vũ Hoàng Long và Nguyễn Tiến Dũng. Trong đó, ông Huy là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty. Sau đó, Tisco đã miễn nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Tiến Dũng.
Chân dung đại gia Thái Hưng
Thái Hưng là cái tên đang nổi lên trong ngành thép. Tiền thân của đại gia này là một doanh nghiệp tư nhân ở Thái Nguyên. Hoạt động chính của Thái Hưng là sản xuất phôi thép, cốp pha thép, chế biến lâm sản, kết cấu, xây dựng; kinh doanh thép xây dựng, phôi thép, phế liệu kim loại, sách văn hóa phẩm, kinh doanh lâm sản; dịch vụ vận tải, khách sạn, nhà hàng...
Hiện nay, công ty này có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, doanh thu hàng năm đạt 15.000 - 18.000 tỷ đồng. Năm 2017, Thái Hưng đặt mục tiêu doanh thu 15.500 - 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 320 tỷ đồng.
Trước khi liên tiếp mua cổ phiếu TIS của Tisco, năm 2016, đại gia này đã chi phối toàn bộ công ty thép lớn khác là Công ty cổ phần Thép Việt Ý (mã VIS). Tháng 8/2016, khi Tổng công ty Sông Đà thoái vốn tại Thép Việt Ý (VIS), Thái Hưng đã mua thêm cổ phần từ đợt thoái vốn của Sông Đà tại doanh nghiệp này và sau đó tiếp tục mua vào khối lượng lớn cổ phiếu VIS.
Cụ thể, tháng 11/2016, Thái Hưng đã mua thêm gần 12,8 triệu cổ phiếu VIS, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 25,99% cổ phần tại Thép Việt Ý và nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty thép này lên 50,98%. Đến tháng 4/2017, Thái Hưng tiếp tục công bố việc chào mua công khai cổ phiếu VIS với số lượng chào mua là 7 triệu cổ phiếu, tương ứng với 14,22% cổ phần Thép Việt Ý.
Như vậy, nếu kế hoạch mua vào này được hoàn tất thì Thái Hưng sẽ nắm trên 75% cổ phần tại Thép Việt Ý.