Theo đó, tuyến đường có tổng chiều dài 35,5 km, điểm đầu tại Km9, Quốc lộ 37 (thị trấn Diêm Điềm, huyện Thái Thụy); điểm cuối tại (Km44 + 500) đấu nối với đường đầu cầu vượt sông Hồng tại xã Nam Phú, huyện Tiền Hải sang xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy, Nam Định. Tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h/.
Dự án có tổng mức đầu tư là 3.872 tỷ đồng này dự kiến đầu tư theo hình thức PPP, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 1.100 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 1.072 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư BOT là 1.700 tỷ đồng.
Để hoàn vốn nhà đầu tư được phép thu giá sử dụng đường bộ trong vòng 23 năm. Thời gian triển khai xây dựng từ năm 2017 đến năm 2021.
Theo văn bản đề xuất, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình khẳng định, việc lựa chọn xây dựng tuyến đường trên theo hình thức BOT là khả thi.
Cụ thể, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình không trùng với tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh nên đủ điều kiện thực hiện thu phí theo hình thức BOT trên tuyến đường này theo quy định của Luật đường bộ.
Bên cạnh đó, đây là đoạn kết nối trực tiếp khu vực ven biển Thái Bình với các tỉnh duyên hải Bắc Bộ, rút ngắn khoảng cách từ Thái Bình đến cảng biển, sân bay quốc tế Hải Phòng còn khoảng 30 – 40 km (giảm một nửa so với hiện nay); tạo điều kiện khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế rất đa dạng của khu vực ven biến đế phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong vùng.
“Vì vậy, khi tuyến đường được đầu tư xây dựng sẽ thu hút lưu lượng lớn các phương tiện vận tải từ các huyện, thành phố trong tỉnh và từ các tỉnh, thành phố trong khu vực, tạo thuận lợi cho Nhà đầu tư thu phí hoàn vốn đầu tư xây dựng công trình”, văn bản do Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên ký khẳng định.
UBND tỉnh Thái Bình cam kết bố trí đủ phần vốn còn thiếu từ nguồn ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn đầu tư khác để hoàn thành dự án đầu tư theo đúng tiến độ.