Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Thái Bình đã nhất trí thông qua nghị quyết về việc thành lập 5 sở mới trên cơ sở sáp nhập một số sở hiện có, nhằm nâng cao tính hiệu quả trong công tác quản lý và điều hành.
Theo đó, Sở Tài chính Thái Bình được thành lập từ việc hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính.
Sở Xây dựng Thái Bình được hình thành từ việc sáp nhập Sở Xây dựng và Sở Giao thông Vận tải.
Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình được thành lập trên cơ sở hợp nhất Sở Khoa học và Công nghệ với Sở Thông tin và Truyền thông.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường Thái Bình ra đời từ sự hợp nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, trong khi Sở Nội vụ Thái Bình sẽ bao gồm cả chức năng của Sở Nội vụ và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Việc thành lập các sở này không chỉ giúp giảm đầu mối quản lý mà còn góp phần tinh gọn bộ máy hành chính, tối ưu hóa nhân sự và ngân sách nhà nước.
Cùng với việc tổ chức lại các cơ quan chuyên môn, HĐND tỉnh cũng đã thông qua nghị quyết đổi tên 10 thôn thuộc ba huyện trên địa bàn. Cụ thể, tại huyện Quỳnh Phụ, thôn Đông Hồng thuộc xã Quỳnh Xá (cũ) được đổi thành Đông Hồng 1, thuộc xã Trang Bảo Xá.
Ở huyện Kiến Xương, các thôn 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 của xã Vũ Thắng (cũ) được đổi tên thành Vũ Thắng 1, Vũ Thắng 2, Vũ Thắng 3, Vũ Thắng 4, Vũ Thắng 5, Vũ Thắng 6, Vũ Thắng 7 và Vũ Thắng 8, thuộc xã Hồng Vũ.
Tại huyện Tiền Hải, thôn Riêm Trì của xã Tây Phong (cũ) được đổi tên thành Diêm Trì, thuộc xã Ái Quốc.
![]() |
Các đại biểu HĐND tỉnh Thái Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 biểu quyết thông qua các nghị quyết |
Một nội dung quan trọng khác được kỳ họp thông qua là danh mục các công trình, dự án phải thu hồi đất trên địa bàn tỉnh năm 2025. Theo đó, có tổng cộng 728 dự án với diện tích đất thu hồi lên đến 2.195,31 ha. Trong số này, huyện Tiền Hải có 113 dự án (296,37 ha), huyện Thái Thụy có 103 dự án (253,10 ha), thành phố Thái Bình có 77 dự án (501,63 ha), huyện Đông Hưng có 83 dự án (216,78 ha), huyện Vũ Thư có 101 dự án (366,69 ha), huyện Hưng Hà có 185 dự án (288,78 ha) và huyện Kiến Xương có 66 dự án (271,96 ha).
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cũng phê duyệt danh mục 403 dự án phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trong đó có 780,77 ha đất trồng lúa và 3,88 ha đất rừng phòng hộ. Cụ thể, huyện Tiền Hải có 51 dự án với tổng diện tích đất trồng lúa 86,48 ha và 3,88 ha đất rừng phòng hộ; huyện Thái Thụy có 69 dự án (61,30 ha đất trồng lúa); thành phố Thái Bình có 22 dự án (102,50 ha đất trồng lúa); huyện Đông Hưng có 61 dự án (99,25 ha đất trồng lúa); huyện Vũ Thư có 72 dự án (159,55 ha đất trồng lúa); huyện Hưng Hà có 92 dự án (129,50 ha đất trồng lúa) và huyện Kiến Xương có 36 dự án (142,19 ha đất trồng lúa).
Việc thông qua các nghị quyết trên thể hiện sự quyết tâm của Thái Bình trong tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý, đồng thời tạo động lực phát triển cho các địa phương trong tỉnh. Những điều chỉnh về quy hoạch đất đai cũng hướng đến việc sử dụng tài nguyên hợp lý, phục vụ cho các dự án phát triển hạ tầng, đô thị và sản xuất, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.