Cần 368 tỷ USD cho chuyển dịch năng lượng
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050, ngừng đầu tư sản xuất điện than mới, mở rộng quy mô triển khai điện sạch và loại bỏ điện than vào những năm 2040. Đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam, khi vừa thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cao.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam (CCDR) mới công bố, để thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát thải ròng bằng “0”, dự kiến, Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỷ USD từ nay đến năm 2040. Nhu cầu đầu tư sẽ tập trung vào năng lượng, giao thông, nông nghiệp và công nghiệp.
Tại Tọa đàm “Tài chính và quản trị cho chuyển dịch năng lượng công bằng”, do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Báo Đầu tư đồng tổ chức ngày 29/7/2022, bà Caitlin Wiesen, đại diện thường trú UNDP Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang phải đối mặt với động lực duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, trong khi đáp ứng các cam kết chuyển đổi khí hậu và năng lượng theo những cách thức phù hợp.
Theo bà Caitlin, nhu cầu về năng lượng cần thiết cho tăng trưởng kinh tế sẽ tăng lên đáng kể, thách thức cũng tăng gấp 3 lần: Thứ nhất, đầu tư vào sản xuất điện tái tạo; thứ hai, đầu tư vào hiệu quả năng lượng và chuyển đổi năng lượng của giao thông, công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp và thứ ba, bảo vệ người lao động và những người dễ bị tổn thương…
Bà Kanni Wignaraja, Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNDP nhìn nhận, con số đầu tư 368 tỷ USD từ nay đến năm 2040 là số vốn rất lớn, “nhưng vấn đề thực sự có phải là tiền không, hay là các khía cạnh khác mà chúng ta không tính hết”.
Bà Kanni phân tích, điện gió và điện mặt trời có thể giảm thiểu chi phí vận hành nhưng chi phí đầu tư lớn, cần đảm bảo cân đối phụ tải đỉnh, phụ tải đáy, cần có phương thức sản xuất mới giữa các ngành công nghiệp, nông nghiệp, phương thức giao thông công cộng, xe điện trạm sạc để chuyển đổi nguồn năng lượng mới này. Đồng thời, cần thay đổi hành vi, tương tác tích cực trong xã hội, đây là lĩnh vực cần chú trọng.
Trên thực tế, cần có nguồn vốn cả khu vực công và tư nhân để tạo ra bước chuyển đổi rõ rệt hơn. Trong vấn đề tài chính cho chuyển dịch năng lượng thì khả năng sinh lời và khả năng dự báo là các yếu tố chính để huy động nguồn lực. Nếu có chính sách phù hợp sẽ thúc đẩy tốt.
Nút thắt chính sách
Chuyển dịch năng lượng cần vốn đầu tư lớn, nhưng không chỉ về vốn, bản thân doanh nghiệp cũng gặp một số vấn đề khác. Bà Phạm Nguyễn Ngọc Thương, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc tài chính Công ty cổ phần BCG Energy cho biết, trong đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, BCG nhận thấy có nhiều cơ hội nhưng đi cùng với đó là những thách thức. Trước hết là khó khăn về khung pháp lý và chính sách. Thứ hai là làm thế nào để huy động được nguồn tài chính trong khuôn khổ chính sách hiện nay.
Theo bà Thương, BCG đang phát triển nhiều dự án điện năng lượng tái tạo ở Việt Nam và muốn nâng con số này lên trong tương lai. BCG đã dành hơn 20 tháng xây dựng điện mặt trời nhưng hiện nay vẫn chưa có cơ chế giá và cũng chờ cơ chế điện gió 10 tháng nay.
“Có rất nhiều thách thức với chúng tôi và trên thực tế, chúng tôi phải dùng nguồn vốn chủ sở hữu của mình. Chúng tôi phải làm việc với các tổ chức tài chính quốc tế khác, kể cả dùng nguồn vốn trong nước cho các dự án này. Như vậy, thách thức chủ yếu của chúng tôi là về mặt chính sách và tài chính”, Phó tổng giám đốc BCG Energy khẳng định.
Về vấn đề này, ông John Rockhold, Chủ tịch Công ty Pacific Rim Investment & Management cho rằng, cần phải phát triển những dự án có khả năng vay vốn ngân hàng và cũng cần có lộ trình để biết giá năng lượng sẽ đi về đâu trong tương lai. Khi các nhà đầu tư thấy được điều này, họ sẽ bắt đầu đầu tư các dự án năng lượng.
“Trước đây, chúng tôi cũng quan ngại ngành điện Việt Nam được trợ giá, nếu như không có trợ giá thì họ không tự chủ được. Chúng tôi thấy đã có năng lượng tái tạo rồi thì không cần trợ giá. Điện mặt trời hiện nay đã rất hợp lý, chúng ta cũng có điện gió trên bờ”, ông John Rockhold cho hay.
Chuyển dịch năng lượng là bước khởi đầu và xa hơn là chuyển dịch sang một nền kinh tế phát triển dựa trên năng lượng tái tạo, đây là lĩnh vực mà CME Solar muốn đầu tư. Điều này được ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư CME Solar chia sẻ dựa trên các đánh giá của Công ty về các nền tảng, chính sách quan trọng.
Lãnh đạo CME Solar nhận thấy có cam kết mạnh mẽ từ phía Chính phủ bắt đầu từ Quyết định 11, sau đó là Quyết định 13, trong đó khuyến khích đầu tư năng lượng mặt trời, và cam kết Chính phủ đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh COP 26. Điều này cũng đặt nền tảng cho quá trình chuyển dịch năng lượng sang năng lượng tái tạo.
Theo ông Kiên, để khuyến khích đầu tư dài hạn vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, phải có môi trường chính sách đầu tư dài hạn và nhất quán, có khả năng tiên liệu được để nhà đầu tư thấy có độ tin cậy, chắc chắn.
Giải pháp thu hút tài chính xanh
Các chuyên gia trao đổi tại phiên thảo luận của hội thảo. Ảnh: Dũng Minh |
Chuyển dịch năng lượng không đơn thuần là chuyển dịch giữa các loại hình công nghệ, mà là sự thay đổi của cả nền kinh tế. Tuy nhiên, việc chuyển dịch năng lượng đòi hỏi một quy mô tài chính khổng lồ, với cả các nước phát triển và các nước đang phát triển. Đặc biệt, đối với các nước đang phát triển, việc định hình một mô hình quản trị và tài chính cho chuyển dịch năng lượng phù hợp với trình độ phát triển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư cho rằng, với cam kết của Chính phủ trong việc duy trì cân bằng tài khóa và ổn định kinh tế vĩ mô, rõ ràng, phần lớn vốn đầu tư sẽ đến từ các nguồn trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường vốn của Việt Nam vẫn còn quá nhỏ và các công cụ tài chính có sẵn quá hạn chế, Việt Nam chưa thể tài trợ cho chuyển dịch năng lượng ở quy mô cần thiết.
Bà Kanni kiến nghị 6 giải pháp để thu hút tài chính xanh trong chuyển dịch năng lượng bền vững: Thứ nhất, xây dựng môi trường pháp lý hấp dẫn; Thứ hai, đầu tư và tài trợ hệ thống lưới điện thông minh; Thứ ba, triển khai cơ chế carbon; Thứ tư, có thể cân nhắc thuế nhiên liệu hóa thạch trong thời gian ngắn, đây là thuế lũy tiến người giàu sẽ phải trả nhiều thuế xăng dầu hơn người nghèo, giúp giảm thiểu năng lượng hóa thạch và giảm gánh nặng lên người nghèo; Thứ năm, có thể phát hành trái phiếu xanh, với những dự án công hoặc những dự án nhập khẩu công nghệ, đó là phương án mang tính hiệu quả về chi phí để vay vốn; Thứ sáu, xây dựng ngân hàng năng lượng quốc gia, trên thế giới đã có nhiều nước xây dựng nhằm đảm bảo nguồn cung vốn dài hạn, ngân hàng có thể có vốn cổ phần trong những dự án có tác động xã hội quan trọng.
Trước đó, ông Alock Shamma, Chủ tịch COP26 cùng các đối tác cam kết đầu tư 130 tỷ USD đến năm 2030 cho Việt Nam qua Quỹ khí hậu sạch (WB), ADB, Quỹ liên minh năng lượng toàn cầu.
Về thu hút vốn, Giáo sư Ulrich Volz và Thomas Marois (Đại học London) nhấn mạnh đến vai trò của ngân hàng công “xanh”, các ngân hàng sẽ tham gia vào việc cung cấp nguồn vốn để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng bền vững.
“Cần có các định chế tài chính công của các ngân hàng công, đặt mục tiêu bảo vệ môi trường cao hơn là mục tiêu về tăng năng suất, tăng lợi nhuận”, chuyên gia đến từ Đại học London nhấn mạnh.
Từ phía nhà đầu tư dự án điện năng lượng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị CME Solar Bùi Trung Kiên cho biết: “Hiện một số ngân hàng trong nước rất tích cực tham gia vào dự án của chúng tôi, nhưng các ngân hàng nước ngoài rất ngần ngại”.
Theo ông Kiên, có thể các ngân hàng nước ngoài đang quan ngại về các hợp đồng mua bán điện, tuy nhiên, khi chính sách giá FIT kết thúc, cần có cơ chế cụ thể về biểu giá, ngoài ra cần phải hiểu mối quan ngại của các tổ chức tài chính.
Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, bà Michele Wee chia sẻ: “Ngân hàng Standard mong muốn góp phần vào mục tiêu đến năm 2050 đạt phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam. Ngân hàng xây dựng các khung chính sách để có thể tài trợ theo các tiêu chuẩn ESG. Chúng tôi cũng sẽ thực hiện từng bước đưa ESG vào quản trị rủi ro, có cơ chế quản trị rất minh bạch, công khai hoàn toàn và chúng tôi cũng phải chịu trách nhiệm giải trình”.
Theo bà Michele Wee, cam kết của Chính phủ Việt Nam đưa phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 đã truyền cảm hứng mạnh mẽ. Từ tháng 11/2021, những khách hàng của Standard Chartered Việt Nam cũng đưa ra những tín hiệu đáng khích lệ.
“Chúng tôi có đặt ra cam kết là 300 tỷ USD sẵn sàng tài trợ cho tài chính xanh. Tại COP 26, chúng tôi cũng ký văn bản ghi nhớ với 3 tổ chức lớn, quy mô lên đến 8,5 tỷ USD để tài trợ, nhưng chưa đủ nhanh và đạt đến mong muốn của chúng tôi”, bà Michele Wee thông tin.
Các vấn đề tài chính cho phát triển trong chuyển dịch năng lượng công bằng, với thảo luận chuyên sâu về bối cảnh rộng hơn của tài chính cho phát triển, vai trò của tài chính trong nước và quốc tế, bài học kinh nghiệm quốc tế và những đổi mới chính sách trong nước có thể hỗ trợ chuyển dịch năng lượng công bằng.
“Xây dựng các thể chế tài chính trong nước vô cùng quan trọng, Việt Nam không thể làm điều này một mình, sẽ cần có những đối tác làm cùng. UNDP sẵn lòng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Chúng ta có thể giảm thải carbon mà không để ai bị bỏ lại phía sau”, bà Kanni Wignaraja khẳng định.
Bà Kanni Wignaraja, Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNDP
Vấn đề tài chính cho chuyển đổi năng lượng đã được Việt Nam đề cập từ 20 năm trước và hiện nay có nhiều đổi mới. Việt Nam đang hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, hướng tới phát triển bền vững cho mọi người, trong đó có vấn đề an ninh năng lượng. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu và căng thẳng tại Nga-Ukraine dấy lên quan ngại về an ninh năng lượng.
Giáo sư Ulrich Volz và Thomas Marois, Đại học London
Chuyển dịch năng lượng đòi hỏi nguồn đầu tư ban đầu rất lớn. Chúng ta cần có sự tham gia của các tổ chức tài chính. Các ngân hàng phát triển công đóng vai trò là phương tiện huy động vốn tư nhân và thúc đẩy quá trình chuyển dịch công bằng.
Tại Hà Lan, ngân hàng xanh đã tham gia thúc đẩy phát triển năng lượng và kinh tế tuần hoàn. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ngân hàng Thế giới hỗ trợ vốn cho Ngân hàng IIIer tham gia xây dựng các thành phố bền vững. Hay tại Costarica, Ngân hàng Phát triển cộng đồng Banco Populor đã xây dựng cơ chế với đối tác vừa sản xuất năng lượng vừa bảo vệ nguồn nước, xây dựng cơ chế mua lại vùng đất để bảo vệ vùng nước, tái xanh khu vực, tập trung phát triển năng lượng xanh…
Bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP Việt Nam
Tọa đàm “Tài chính và quản trị cho chuyển dịch năng lượng công bằng” với sự chia sẻ của các diễn giả sẽ góp phần giải mã các yếu tố chính sách, kỹ thuật, tài chính, xã hội và quản trị, có thể thúc đẩy quá trình xây dựng một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân cả trong nước và quốc tế trong đầu tư vào năng lượng xanh, thúc đẩy chuyển dịch năng lượng.
Ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam mới chỉ đáp ứng 30% vốn để chuyển dịch năng lượng xanh theo cam kết tại COP 26, còn lại phải đi vay. Đây là một thách thức lớn cho Việt Nam nhưng mở ra cơ hội khổng lồ cho đầu tư.
Xanh hóa tài chính là xu hướng của Việt Nam. Cho vay đầu tư xanh, tín dụng xanh tăng mạnh và nhu cầu tài chính xanh rất lớn.