Công ty Doosan Vina chuyên sản xuất nồi hơi, thiết bị khử mặn, thiết bị xử lý hóa chất... Ảnh: Đức Thanh
Theo đánh giá của Ban Điều phối Vùng Duyên hải miền Trung, mặc dù có lợi thế rất lớn cả về hạ tầng, chính sách, nhưng đến nay, vốn đầu tư đổ vào lĩnh vực công nghiệp tại các địa phương còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân có nhiều, song chủ yếu vẫn là do đầu tư dàn trải, thiếu chiến lược thu hút đầu tư hiệu quả.
Tại các hội nghị xúc tiến đầu tư, hàng loạt thỏa thuận mang tính chiến lược được ký kết nhằm tiến tới hợp tác liên kết trong xúc tiến đầu tư vào công nghiệp, song mới dừng lại ở việc ký kết và thống nhất.
Ông Trịnh Minh Vân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung nhìn nhận, công nghiệp hỗ trợ là bộ phận đặc thù trong cấu thành nền công nghiệp, với chức năng sản xuất những sản phẩm hỗ trợ cho việc tạo ra các sản phẩm hoàn chỉnh.
Theo ông Vân, ở nước ta, ngoài hiệu quả giải quyết việc làm, công nghiệp phụ trợ đóng vai trò rất lớn trong tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa theo hướng vừa mở rộng, vừa chuyên sâu. Các nền kinh tế phát triển và các nước thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài đều có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Ông Vân cho rằng, nếu không phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước, chắc chắn sẽ phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, nên khó cạnh tranh, khó phát triển kinh tế bền vững và lâu dài.
Giải pháp cần thiết nhất hiện nay, theo ông Vân, là nhanh chóng hiện đại hóa công nghệ, đào tạo lao động chất lượng cao để sớm có thể sản xuất những sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cần tạo lập mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với doanh nghiệp trong nước.
Tỉnhh Quảng Ngãi nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nơi có Khu kinh tế Dung Quất tập trung vào các dự án công nghiệp nặng, nên tạo tiềm năng lớn cho công nghiệp phụ trợ phát triển.
Ông Phạm Như Sô, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, sự phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Quảng Ngãi còn những hạn chế nhất định, như tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp của tỉnh còn thấp...
“Để đạt được mục tiêu đến năm 2020, tỉnh Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, thì việc hoạch định chiến lược và chính sách công nghiệp của tỉnh cần quan tâm đến quan hệ giữa một ngành sản xuất công nghiệp với các ngành phụ trợ của nó”, ông Sô nói.
Theo ông Sô, hiện nay, ngành công nghiệp phụ trợ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thu hút dự án FDI vào lĩnh vực công nghiệp, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển các ngành công nghiệp có giá trị và công nghệ cao, đồng thời kích thích phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ, tạo việc làm cho lao động địa phương...
“Thời gian qua, Ban quản lý các khu công nghiệp Quảng Ngãi đã tập trung thu hút các dự án đầu tư thuộc ngành công nghiệp phụ trợ, như điện tử, cơ khí chế tạo, da giày... Tính đến nay, các khu công nghiệp Quảng Ngãi đã thu hút được 92 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 6.500 tỷ đồng, trong đó thu hút được 8 dự án FDI”, ông Sô cho biết.
Cũng như Khu kinh tế Dung Quất, Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) là nơi tập trung hàng loạt doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp cơ khí, điển hình là Nhà máy Ô tô Trường Hải - doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất ô tô hàng đầu Việt Nam. Chính điều này, theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia kinh tế, việc phát triển một khu công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai là hết sức cần thiết.
Tại Tọa đàm “Phát triển khu công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai” vừa diễn ra tại Khu tổ hợp Chu Lai - Trường Hải, do UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp cùng Ban Điều phối Vùng Duyên hải miền Trung tổ chức, các chuyên gia có chung nhận định rằng, để phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai, việc đầu tiên là phải xác định rõ doanh nghiệp hạt nhân.
PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, Khu kinh tế mở Chu Lai là nơi thiên thời - địa lợi - nhân hòa, hội đủ điều kiện để phát triển công nghiệp ngành cơ khí, với việc lấy Ô tô Trường Hải làm hạt nhân; là “con sếu đầu đàn” để phát triển công nghiệp hỗ trợ với sản phẩm chiến lược là ô tô.
Về phía doanh nghiệp, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải cho rằng, để lựa chọn mô hình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở xác định sản phẩm chủ lực, hay xác định “con sếu đầu đàn”, thì việc đầu tiên là phải xác định “con sếu” đó có muốn làm đầu đàn hay không, sức khỏe “con sếu” này hiện nay và trong tương lai như thế nào, liệu có những con sếu khác bay theo cùng để tạo thành đàn không hay cuối cùng chỉ mỗi mình con sếu ấy?
Rõ ràng, phát triển công nghiệp hỗ trợ còn nhiều thách thức. Vấn đề đặt ra là, cần có một cơ chế rõ ràng để các địa phương và doanh nghiệp vận dụng. Cơ chế đó sẽ giúp các địa phương xây dựng chiến lược xúc tiến cũng như mở ra cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận công nghiệp hỗ trợ.