Kết quả tích cực của tín dụng ngân hàng thể hiện trên một số mặt chủ yếu. Rõ nhất là cung cấp lượng tiền tệ, tín dụng - một nguồn lực cho tăng trưởng, góp phần làm cho thời gian tăng trưởng của Việt Nam thuộc nhóm đứng đầu thế giới (trên 41 năm), vượt qua khủng hoảng ở trong nước, không bị rơi vào vòng xoáy của các cuộc khủng hoảng thế giới.
Nguồn vốn này, cùng với các nguồn vốn khác góp phần làm cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt tốc độ cao trong những năm trước đại dịch, là một trong ít nền kinh tế đạt tăng trưởng dương năm 2020, tiếp tục tăng trưởng dương năm 2021 và khả năng đạt được mục tiêu cao hơn năm 2022, 2023 với gói cấp bù lãi suất sẽ kéo theo 2 triệu tỷ đồng trong một năm rưỡi tới…
Thách thức thời gian tới còn nhiều, rõ nhất là tăng trưởng tín dụng sẽ cao để đáp ứng nhu cầu vốn cao lên và thực hiện gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ. Nhưng điều đó cũng gia tăng sức ép đối với việc kiểm soát lạm phát cùng với sự cộng hưởng của nhập khẩu lạm phát. Để trung hòa việc thực hiện cả 2 mục tiêu này là một thách thức.
Một thách thức không nhỏ là tỷ giá đang bị các sức ép. Giá USD tăng sau khi Mỹ tăng lãi suất. Tỷ giá đã giảm năm thứ ba liên tiếp, tác động bất lợi cho xuất khẩu, có lợi cho nhập khẩu, dễ dẫn đến nhập siêu, mà nhập siêu thì tác động không tốt cho tăng trưởng.
Hai thách thức không nhỏ khác là nợ xấu cao lên, việc xử lý gặp khó khăn nếu không kéo dài Nghị quyết của Quốc hội và không ban hành luật về xử lý nợ xấu; quy mô và tiêu chuẩn của tổ chức tín dụng.
Các chỉ tiêu cơ cấu lại theo Nghị quyết số 54/NQ-CP là nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống là dưới 3%; tất cả các ngân hàng thương mại (không bao gồm các ngân hàng yếu kém) áp dụng Basel theo phương pháp tiêu chuẩn 100.
Ngoài ra, theo Đề án Tái cơ cấu ngân hàng, còn có thêm 3 chỉ tiêu. Đó là Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đến năm 2023 tối thiểu 10-11%, đến năm 2025 đạt 11-12%; vốn điều lệ tối thiểu: nhóm ngân hàng thương mại trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn tối thiểu 15.000 tỷ đồng, các ngân hàng thương mại còn lại tối thiểu 5.000 tỷ đồng, công ty tài chính 750 tỷ đồng, công ty cho thuê tài chính 450 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2025 của hệ thống tổ chức tín dụng, nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu dưới 3% (không bao gồm ngân hàng thương mại yếu kém).
Để thực hiện các chỉ tiêu cơ cấu lại tín dụng ngân hàng, có nhiều giải pháp. Trước hết là cần hoàn thiện hệ thống pháp lý với các mức độ: Quốc hội ban hành Luật Xử lý nợ xấu; kéo dài thời gian có hiệu lực Nghị quyết 42; bổ sung, sửa đổi các luật có liên quan, nhất là Luật Các tổ chức tín dụng…
Ngoài ra, các đối tượng vay cần có giải pháp sử dụng vốn hiệu quả; nâng cao ý thức trả nợ… Các tổ chức tín dụng cần “trông giỏ bỏ thóc”; có biện pháp tự vòng vệ rủi ro; tái cơ cấu và tích cực xử lý nợ xấu, nếu chưa xử lý được thì trích lập dự phòng để xử lý, tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lớn hơn thực tế; tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng trích lập dự phòng…