Đà hồi phục kinh tế Mỹ đã vượt đáng kể so với Eurozone

Đà hồi phục kinh tế Mỹ đã vượt đáng kể so với Eurozone

Thách thức từ sự khác biệt chính sách lãi suất của Mỹ và châu Âu

(ĐTCK) Tuần qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ, dù cho biên độ nới chưa đủ để làm hài lòng các thị trường. 

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được kỳ vọng sẽ nâng lãi suất đồng USD vào tuần tới. Sự khác biệt về chính sách lãi suất giữa hai ngân hàng trung ương chủ chốt thế giới này có ý nghĩa như thế nào với kinh tế toàn cầu?

Trước hết, không thể phủ nhận thực tế là Fed và ECB sẽ theo đuổi các chính sách lãi suất khác nhau là do kinh tế Mỹ và châu Âu đang ở hai vị thế hoàn toàn khác biệt.

Chủ tịch Fed Janet Yellen tuần trước từng phát biểu rằng, kinh tế Mỹ đã và đang trải qua giai đoạn phục hồi ổn đinh kể từ cuộc Đại suy thoái.

Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm mạnh từ mức đỉnh 10% trước khủng hoảng, xuống chỉ còn khoảng 5% hiện nay. Bên cạnh đó, lạm phát giá tiêu dùng chủ chốt (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) đã tiệm cận mức mục tiêu 2%.

Đây là những tín hiệu tích cực để minh chứng kinh tế Mỹ đang tăng trưởng vượt tiềm năng và thị trường lao động hội tụ đủ điều kiện cho hoạt động thắt chặt lãi suất.

Thách thức từ sự khác biệt chính sách lãi suất của Mỹ và châu Âu ảnh 1

Phía bên kia bờ Đại Tây Dương, Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lại đang trong một hoàn cảnh khác, khi bản thân Chủ tịch ECB Mario Draghi đã nhấn mạnh, kinh tế Eurozone chưa phục hồi tốt kể từ sau cuộc Đại suy thoái. Trong quý II năm nay, nhu cầu nội địa thực tế của Eurozone vẫn thấp hơn 3,5% so với giai đoạn trước khủng hoảng.

Từ mức đỉnh thất nghiệp 12,1% hồi đầu năm 2013, tỷ lệ này chỉ giảm xuống còn 10,8%. Bên cạnh đó, ECB đã thất bại trong mục tiêu lạm phát 2%, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 vừa qua của Eurozone chỉ cán mốc 1,1%. Trên thực tế, tỷ lệ lạm phát chủ chốt hàng năm của Eurozone luôn thấp hơn ngưỡng 2% kể từ tháng 3/2013.

Dù ECB đã làm thất vọng thị trường, song điều đó không quan trọng. Bởi lẽ, nhiệm vụ hàng đầu của ECB là phải ổn định kinh tế Eurozone, thông qua động thái hạ lãi suất tiền gửi và gia hạn chương trình nới lỏng định lượng (QE) thêm 6 tháng, đến tháng 3/2017. Chủ tịch Draghi nói: “Sẽ không có bất kỳ giới hạn nào khi chúng tôi sẵn sàng thực thi các công cụ (trong khả năng) của mình để đạt được mục tiêu”.

Thách thức từ sự khác biệt chính sách lãi suất của Mỹ và châu Âu ảnh 2

 Ảnh: Internet

Trở lại câu chuyện lãi suất của Mỹ, các quan điểm chống tăng lãi suất vẫn đưa ra được 3 lý do đáng kể.

Thứ nhất, chưa có dấu hiệu cho thấy Mỹ đang chịu sức ép lạm phát, sức mạnh của đồng USD sẽ giữ cho tỷ lệ lạm phát của Mỹ trong tầm kiểm soát.

Thứ hai, nếu Fed theo đuổi chính sách đối xứng tiền tệ, thì tỷ lệ lạm phát của Mỹ cần ở mức trên 2%. Thực tế là tỷ lệ lạm phát chủ chốt của Mỹ đã ở mức dưới 2% trong phần lớn thời gian kể từ cuối năm 2008.

Thứ ba, việc thắt chặt lãi suất có thể tác động tiêu cực hơn lên nền kinh tế so với dự đoán, đặc biệt nếu quyết định tăng lãi suất trong tuần tới chỉ là “phát súng” khởi đầu cho hàng loạt đợt tăng lãi suất (từ từ) sau đó.

Đánh giá về những tác động này, giới phân tích cho rằng, hệ quả chính sách lãi suất khác biệt sẽ củng cố sức mạnh của đồng USD, qua đó đẩy những người đi vay tài sản được định giá bằng đồng USD vào tình cảnh khó khăn hơn.

Dù quyết định trái chiều của hai ngân hàng trung ương Mỹ và châu Âu có ý nghĩa như thế nào, thì bức tranh toàn cảnh là rõ ràng.

Sự phục hồi của kinh tế Mỹ đã vượt đáng kể so với Eurozone và hệ quả là họ cũng đang tiến tới giai đoạn khác của chu kỳ lãi suất.

Sự khác biệt đó có thể sẽ còn tăng lên trong một vài năm tới, nhất là khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đang duy trì chính sách tiền tệ “cực lỏng” và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng.

Có thể Mỹ vẫn chưa quên bài học mà Nhật Bản đã trải qua. Đất nước “mặt trời mọc” từng thực hiện các đợt tăng lãi suất ổn định giai trong năm 2000, 2006 và 2007, song đã buộc phải đảo ngược chính sách này. Liệu đây có phải là một lời nhắc nhở cẩn trọng đối với Fed.

Tin bài liên quan