Gọi tên “điểm nghẽn”
Từ thực tế triển khai các dự án hạ tầng khu công nghiệp, bà Đàm Thị Bích Ngọc - Giám đốc Công ty cổ phần Amane, chủ đầu tư Khu công nghiệp Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (giai đoạn 1) cho biết, để việc triển khai các dự án khu công nghiệp đúng tiến độ, đảm bảo hiệu quả cho nhà đầu tư, có một số nội dung như thủ tục hành chính, quy hoạch hạ tầng… cần phải sớm cải thiện.
Theo bà Ngọc, nếu khâu thủ tục hành chính được thực hiện nhanh chóng, hoạt động giải phóng mặt bằng và giao đất đúng tiến độ sẽ tránh được việc quá trình đầu tư bị kéo dài, vừa khiến doanh nghiệp bị ứ đọng nguồn vốn, vừa không hiệu quả, không phát huy được nguồn lực của nhà đầu tư và địa phương.
Cùng với đó, quy hoạch và đầu tư hạ tầng cũng cần được thực hiện đồng bộ, đảm bảo hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp phải đầy đủ, thích hợp tích hợp vận hành xã hội giữa phát triển công nghiệp và dân cư địa phương nhằm tạo sự ổn định về mặt xã hội.
“Hiện vẫn còn nhiều điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng và các công tác khác làm ảnh hưởng đến việc nghiệm thu, quyết toán, dẫn đến thực tế là có những đoạn đường thi công xong nhiều năm không ai sử dụng vì không kết nối được”, bà Ngọc nêu dẫn chứng.
Cũng đề cập đến các khó khăn trong triển khai dự án hạ tầng khu công nghiệp, ông Nguyễn Anh Đệ - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc (VPID) - chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp Khai Quang, Sông Lô 2 cho hay, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng hay xác định - phân loại đất còn vướng, còn chưa kịp thời và bị kéo dài, điều này ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch triển khai dự án.
“Cùng với đó, vướng mắc trong định giá đất, nguồn vật liệu thi công san nền phục vụ hạ tầng khu công nghiệp còn khó khăn… cũng gây ảnh hưởng đến tốc độ triển khai các dự án”, ông Đệ chia sẻ thêm.
Ghi nhận từ nhiều nhà phát triển dự án khu công nghiệp, điểm chung được đề cập tới là những tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, định giá đất, kết nối hạ tầng ngoài hàng rào dự án. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực cũng là một vấn đề nhiều doanh nghiệp mong mỏi được cải thiện.
Theo đại diện Tập đoàn Sumitomo, thời gian tới, nhiều nhà đầu tư thứ cấp là khách thuê của khu công nghiệp sẽ hoàn thành xây dựng, đi vào sản xuất, nên nhu cầu nguồn cung lao động sẽ tăng đột biến. Cho dù chủ đầu tư đã hỗ trợ các khách thuê trong công tác tuyển dụng, nhưng trước nhu cầu lớn đó, chắc chắn sẽ cần có sự vào cuộc của địa phương, cùng với đó là tính tới việc chuẩn bị nguồn cung lao động chất lượng trong dài hạn để tăng hiệu quả thu hút vốn đầu tư, nhất là với doanh nghiệp FDI.
Thừa nhận về hạn chế này, ông Hà Đình Nhã - Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, dù đang trong tình trạng thiếu hụt nhưng lao động địa phương lại đi làm ngoại tỉnh nhiều. Thực tế này đang đặt ra vấn đề về cơ chế, chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc… để giữ chân lao động địa phương cũng như thu hút lao động từ các tỉnh.
Ngoài ra, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng cũng đang “làm khó” các nhà đầu tư. Cụ thể, ông Nhã thông tin, đến hết tháng 8/2024, Vĩnh Phúc có 17 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 3.142,96 ha. Trong đó, 12 khu đã được giao đất với diện tích 1.901,98 ha (4 khu đã giao đủ đất theo quy hoạch, các khu còn lại đã giao đất cho chủ đầu tư triển khai hạ tầng nhưng còn một phần chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng xong).
Nguồn cung lao động chất lượng cho các dự án công nghệ cao còn hạn chế. Ảnh: Dũng Minh |
Cần sớm gỡ các “nút thắt”
Quay trở lại câu chuyện giải pháp và đề xuất cải thiện môi trường đầu tư, theo bà bà Đàm Thị Bích Ngọc, các chủ đầu tư khu công nghiệp rất mong mỏi hạ tầng ngoài hàng rào dự án sớm được động bộ, các địa phương cần có quy hoạch và kế hoạch cho hoạt động đào tạo nhân lực và chuyển đổi ngành nghề, đảm bảo nguồn lao động cho nhà đầu tư. Cùng với đó, việc phát triển công nghiệp phụ trợ và dịch vụ, bao gồm dịch vụ khoa học - công nghệ, cũng giữ một vai trò quan trọng.
“Hiện nay, chúng tôi muốn kiểm định hóa chất an toàn trong sản phẩm phải gửi đi các doanh nghiệp ở địa phương khác hoặc gửi ra nước ngoài nên tốn nhiều thời gian và chi phí. Do đó, việc thu hút doanh nghiệp trụ cột và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng để đạt được sự phát triển đột phá là rất quan trọng”, bà Ngọc nói và cho biết thêm, sự bền vững phải bắt nguồn từ sự hiệu quả và cân bằng, mà để hiệu quả thì cần tiết kiệm, trong đó tiết kiệm thời gian chính là tiết kiệm chi phí và cơ hội trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia, cũng như các địa phương, doanh nghiệp trong thu hút đầu tư như hiện nay.
Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đền bù, xác định giá đất hay kết nối hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp đang là những thách thức lớn với các dự án mới.
Còn theo ông Nguyễn Anh Đệ, các địa phương cần tập trung bám sát nhu cầu của nhà đầu tư để hỗ trợ kịp thời, trong đó ưu tiên hỗ trợ các dự án lớn. Đại diện VPID cho biết, việc triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào đồng bộ với khu công nghiệp như điện, nước, viễn thông, chỗ ở cho người lao động… cũng rất quan trọng. Hay với hạng mục vật liệu, các dự án khu công nghiệp thuộc nhóm A nên cần có cơ chế, chính sách giống dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công để bố trí nguồn vật liệu phù hợp.
Liên quan tới nguồn nhân lực, ông Han Jung Ho - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Vĩnh Phúc cho biết, trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp FDI, điểm lo lắng chung là nguồn cung lao động chất lượng cho các dự án công nghệ cao còn hạn chế. Do đó, tỉnh cần có cơ chế, chính sách để cải thiện yếu tố này.
“Các chính sách đào tạo nguồn nhân lực giữ vai trò rất quan trọng. Đại diện cho 80 doanh nghiệp Hàn Quốc trên địa bàn tỉnh, chúng tôi rất quan tâm đến nội dung này”, ông Han Jung Ho nói và cho biết thêm, các nhà đầu tư cũng rất mong chờ việc địa phương có thêm các khu công nghiệp mới, tạo dư địa cho các nhà đầu tư có thêm lựa chọn đầu tư.
Từ góc độ cơ quan quản lý, ông Trần Quốc Trung - Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian tới, các vướng mắc liên quan tới đền bù, giải phóng mặt bằng; xác định giá đất, cho thuê đất hay vấn đề năng lực của nhà đầu tư… sẽ dần được cải thiện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lắng nghe các kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp để nghiên cứu và sửa đổi các quy định pháp luật để hành lang pháp lý hoàn thiện hơn.
“Bộ sẽ sớm xây dựng Luật Các khu công nghiệp, khu kinh tế để hoàn thiện khung pháp lý, cũng như tạo điều kiện cho việc phát triển hạ tầng khu công nghiệp được thuận lợi hơn”, ông Trung nhấn mạnh.