Nợ xấu có xu hướng tăng nhanh

Nợ xấu có xu hướng tăng nhanh

Thách thức nợ xấu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,94% tính đến cuối tháng 5/2024, nếu cộng cả nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản nợ tiềm ẩn khác thì con số này tăng lên 6,9%.

Những con số đáng chú ý

Báo cáo tài chính vừa công bố của ACB cho biết, tổng nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 6/2024 tăng lên 8.121 tỷ đồng, trong đó khoản nợ có khả năng mất vốn tăng tới 41% so với đầu năm, lên 5.525 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ 1,22% thời điểm đầu năm lên 1,5%. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu mảng bán lẻ là 1,31% (tăng 0,27 điểm phần trăm so với năm 2023); tỷ lệ nợ xấu mảng doanh nghiệp là 1,47% (tăng 0,29 điểm phần trăm); tỷ lệ nợ xấu mảng cho vay bất động sản là 1,79% (tăng 0,4 điểm phần trăm).

Chất lượng nợ vay của BAOVIET Bank tiếp tục suy giảm khi tổng nợ xấu tính đến 30/6/2024 là 2.165 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 4% đầu năm 2023 lên 4,79%.

Tại Techcombank, nợ xấu vào cuối quý II/2024 là 7.287 tỷ đồng, tăng 21,5% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,16% lên 1,23%.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo cao cấp một ngân hàng thương mại cho biết, nợ xấu tăng trong hệ thống ngân hàng là điều không bất thường nếu đặt trong bối cảnh chung của nền kinh tế cũng như khả năng tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống. Cụ thể, sau 2 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng âm, thì tới đầu tháng 5 đạt 2,4% so và đến cuối tháng 6 tăng vọt lên 6%. Tuy nhiên, tín dụng tăng trưởng chậm lại từ đầu tháng 7 và đến ngày 17/7 đạt 5,26%.

“Ngày 18/6, NHNN đã chính thức gia hạn Thông tư 02/2022/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng, tức là sẽ kéo dài đến hết hết năm 2024, thay vì kết thúc ngày 30/6 cũng nhằm mục tiêu hỗ trợ khách hàng và chính các ngân hàng”, vị lãnh đạo trên nói.

Thực tế cho thấy, NHNN liên tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, thu hồi nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Vị lãnh đạo trên cho biết, NHNN đã có văn bản chỉ đạo các TCTD nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt tín dụng, định giá và quản lý tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm các quy định về kiểm tra sử dụng vốn vay; đẩy mạnh các biện pháp xử lý, thu hồi nợ xấu nội - ngoại bảng nhằm đạt được mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu đã đề ra tại Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 của TCTD.

Đáng chú ý, các TCTD có tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu trên 3% (trên 5% đối với các TCTD phi ngân hàng) phải xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng tín dụng. Cụ thể, thành lập Ban chỉ đạo xử lý, thu hồi nợ xấu tại TCTD và Tổ xử lý nợ xấu ở các đơn vị có tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức cao, cùng với đó là lộ trình tổ chức thực hiện nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu xuống dưới 3% (dưới 5% đối với TCTD phi ngân hàng) vào 31/12/2025.

Một báo cáo của NHNN cho biết, đến cuối tháng 5/2024, nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD là 833.300 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,94%, nếu cộng với nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ của hệ thống các TCTD thì con số này tăng lên 6,9% (cuối năm 2023 là 6,91%).

Trong 5 tháng đầu năm, toàn hệ thống xử lý được 96.700 tỷ đồng nợ xấu, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro ở mức cao, chiếm 48,9% tổng nợ xấu được xử lý.

Rủi ro tổng thể tiếp tục tăng

Liên quan đến vấn đề nợ xấu, ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng:

Thứ nhất, xu hướng chung về câu chuyện nợ xấu chúng ta đã biết và NHNN cũng công bố tỷ lệ nợ xấu tăng lên trong thời gian vừa qua. Điều này phản ánh tương đối cụ thể khó khăn kinh tế trong nước và đây cũng là xu hướng chung của các nền kinh tế trên thế giới: Khi kinh tế khó khăn, về cơ bản, các khoản nợ đang có năng lực trả nợ kém đi, từ đó làm giảm chất lượng tín dụng. Khi chất lượng tín dụng giảm, những món nợ chưa kịp xấu sẽ xấu đi một chút và mỗi món nợ xấu đi một chút trong xu hướng khó khăn chung sẽ khiến nợ xấu tăng.

“Đây là xu hướng chung trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và cũng là chuyện bình thường của nền kinh tế”, ông Hùng nói.

Thứ hai, kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là lĩnh vực bất động sản, trong khi lĩnh vực này chủ yếu dựa vào tín dụng nên có ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu.

Mức tăng nợ xấu thể hiện khó khăn của kinh tế trong nước nói chung, đồng thời là khó khăn của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, từ đó ảnh hưởng đến năng lực trả nợ. Ngược lại, khi nền kinh tế thuận lợi hơn, năng lực trả nợ của doanh nghiệp sẽ cải thiện, đồng nghĩa với những khoản nợ xấu sẽ giảm bớt.

“Hay nói cách khác, chất lượng tín dụng suy giảm theo đà giảm tăng trưởng kinh tế là quy luật, quan trọng là các doanh nghiệp có thể duy trì được đến lúc kinh tế tốt lên thì hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ khôi phục tốt hơn, có đủ năng lực trả nợ và khoản nợ xấu giảm xuống”, ông Hùng phân tích.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế nhận định: “Do kinh tế thế giới và trong nước chưa thực sự hồi phục, thị trường bất động sản trầm lắng, nợ xấu vẫn có xu hướng tăng và việc xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn”.

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, nợ xấu vẫn tăng dù trong tầm kiểm soát, song là thách thức lớn khi Luật Các TCTD 2024 đã hạn chế quyền thu giữ tài sản bảo đảm nợ xấu của các TCTD.

Liên quan đến vấn đề này, bà Đinh Hồng Hạnh - Lãnh đạo Dịch vụ tài chính, Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam cho hay, theo quy định của Luật Các TCTD 2024, các ngân hàng được phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản đảm bảo đáp ứng các quy định nghiêm ngặt của Luật Kinh doanh bất động sản để thu hồi nợ, bao gồm: Có kế hoạch chi tiết được phê duyệt, hoàn thành việc giải tỏa mặt bằng và có quyết định về phân bổ đất hoặc cho thuê đất từ cơ quan có thẩm quyền, cùng với việc thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính.

Trong bối cảnh tín dụng bất động sản chiếm 21,46% tổng dư nợ nền kinh tế với tỷ lệ nợ xấu là 2,73% tính đến cuối tháng 1/2024 (theo số liệu từ NHNN), bà Hạnh nêu quan điểm, quy định này hứa hẹn khơi thông dòng vốn đổ vào lĩnh vực bất động sản, ngăn chặn việc định giá khống các dự án, nâng cao tính thanh khoản của thị trường, hỗ trợ công tác thu hồi nợ và giảm thiểu rủi ro nợ xấu cho ngân hàng.

“Tuy nhiên, quy trình chuyển nhượng tài sản bảo đảm đòi hỏi các ngân hàng phải tiến hành các thủ tục pháp lý phức tạp và tốn kém, đồng thời cần phải có hệ thống giám sát và kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ pháp luật của các dự án này. Ngoài ra, việc định giá các dự án bất động sản được chuyển nhượng cũng là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự đánh giá kỹ lưỡng về tiềm năng lợi nhuận của dự án để đảm bảo có thể thu hồi nợ cho ngân hàng”, bà Hạnh nói.

Cần thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...

Cần thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD vừa được Vụ Dự báo - Thống kê (NHNN) công bố cho biết, mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng được các TCTD nhận định tiếp tục “tăng” trong quý II/2024 và được dự báo tiếp tục xu hướng “tăng nhẹ” trong quý III/2024. Đánh giá tổng thể năm 2024, các TCTD dự báo mặt bằng rủi ro của các nhóm khách hàng tiếp tục tăng, nhưng tốc độ tăng đã chậm lại đáng kể so với năm 2023. Riêng rủi ro của các nhóm khách hàng là TCTD được nhận định tăng nhẹ trong quý II/2024 và xét chung cả năm 2024 được kỳ vọng không thay đổi so với năm 2023.

Các TCTD cho biết, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng tiếp tục có biểu hiện “tăng nhẹ” trong quý II/2024, chưa đạt được kỳ vọng “giảm nhẹ” như kết quả tại thời điểm quý I/2024. Tuy nhiên, các TCTD kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu có thể giảm trong quý III/2024.

Giải pháp nào?

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú thừa nhận, nợ xấu vẫn đang có xu hướng tăng và đây là thách thức không chỉ của ngành ngân hàng, mà của toàn nền kinh tế. Theo ông Tú, mặc dù một số khoản nợ xấu do cán bộ tín dụng khi thẩm định không lường được khả năng trả nợ và rủi ro của khách hàng, nhưng về cơ bản, nợ xấu là do những khó khăn chung của nền kinh tế khiến khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm.

“Nợ xấu là hệ quả của cả một quá trình, chứ không phải do yếu kém của ngành ngân hàng. Chúng tôi muốn công khai, minh bạch vấn đề này để thấy được trách nhiệm chung của các bên trong việc xử lý nợ xấu, không chỉ ngân hàng mà cả khách hàng cũng phải tăng cường ý thức trả nợ vì tiền là tiền gửi của nhân dân”, ông Tú nói.

Luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc điều hành Công ty Luật Basico gợi ý: “Cho vay có chọn lọc, cho vay chuyên biệt trên sự am hiểu về lĩnh vực tài trợ vốn vay cần được thực sự chú trọng”.

Ông Hải nêu ví dụ, nếu ngân hàng hiểu và lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực thép thì ở đó họ có đầy đủ thông số để đánh giá những chuẩn mực hoạt động của một doanh nghiệp thép. Trong số những dữ liệu đánh giá, công nghệ quản trị rủi ro thậm chí cho phép ngân hàng đưa ra nhận định chính xác về năng lực kinh doanh thực sự của khách hàng dựa vào một tiêu chí là năng lượng điện tiêu thụ. Từ đó, công nghệ này sẽ cho phép đơn vị kinh doanh kết hợp với các yếu tố khác để đánh giá đằng sau báo cáo tài chính thì các số liệu kinh doanh của khách hàng có đáng tin cậy không.

Như vậy, mức độ hiểu biết của ngân hàng dành cho doanh nghiệp sẽ đa dạng ở những khía cạnh về tài chính, phi tài chính, năng lực quản trị điều hành, mức độ am hiểu thị trường của doanh nghiệp và về các yếu tố khác. Tất cả có trong một điều hình thành nên nền tảng cho vay có chọn lọc của ngân hàng, đó có thể gọi là công nghệ hoặc bí quyết kinh doanh của ngân hàng.

“Dựa trên bí quyết kinh doanh và công nghệ lõi về mức độ am hiểu doanh nghiệp như vậy, ngân hàng mới có cơ sở đặt cho mình những mục tiêu về tăng trưởng và khai phá thị trường. Cũng từ đó dẫn đến một điều tất yếu, trước khi đẩy nguồn vốn ra thị trường, ngân hàng gần như đã kiểm soát được rủi ro tín dụng để đảm bảo nguồn vốn sẽ quay về mình, đi kèm khoản lợi nhuận chắc chắn”, ông Hải nhấn mạnh.

TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị, cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung vào 4 yếu tố:

Một là, quyết liệt ban hành và thực thi hiệu quả hơn các chính sách, giải pháp tháo gỡ các vướng mắc (nhất là về pháp lý, định giá đất, hoàn thuế VAT, tiếp cận vốn, phát triển nhà ở xã hội, phòng cháy chữa cháy….).

Hai là, triển khai có hiệu quả Nghị định 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Ba là, kịp thời ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Các TCTD 2024... chính thức có hiệu lực từ 1/8/2024, cũng như các đạo luật khác vừa được Quốc hội thông qua nhằm đảm bảo nhất quán, đồng bộ và hiệu lực thực thi.

Bốn là, sớm ban hành khung pháp lý nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng như cơ chế thử nghiệm - Sandbox, cơ chế thí điểm, đề án phát triển thị trường tín chỉ carbon, danh mục phân loại xanh, Quy hoạch điện VIII, cơ chế mua - bán điện trực tiếp (DDPA)...

Nâng cao tiêu chuẩn xét duyệt cấp tín dụng tiêu dùng

Bà Đinh Hồng Hạnh, Lãnh đạo Dịch vụ tài chính, Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam
Bà Đinh Hồng Hạnh, Lãnh đạo Dịch vụ tài chính, Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam

Trong bối cảnh ngành tài chính tiêu dùng ngày càng trở thành lĩnh vực kinh doanh trọng điểm đối với các ngân hàng bán lẻ, song phải đối diện thách thức lớn về nợ xấu trong những năm gần đây. Việc tăng cường thu thập thông tin khách hàng, đặc biệt là cung cấp thông tin chi tiết về khả năng tài chính, phương án và mục đích sử dụng vốn theo quy định mới của Luật Các TCTD đề ra một chuẩn mực mới cho việc phê duyệt tín dụng tiêu dùng. Cùng với áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến trong phê duyệt tín dụng, các ngân hàng có thể đảm bảo các khoản vay được cấp đã được thông qua một quy trình thẩm định tín dụng đáng tin cậy. Điều này không chỉ giảm thiểu rủi ro tín dụng, mà còn tăng cường sự tiện lợi và hiệu quả trong quá trình phê duyệt tín dụng tiêu dùng, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành ngân hàng và nền kinh tế.

Thách thức lớn nhất đặt ra cho các ngân hàng là làm thế nào để thu thập và xác minh thông tin một cách chính xác, nhanh chóng và đáng tin cậy từ phía khách hàng. Điều này đòi hỏi một hệ thống quản lý thông tin và công nghệ vững chắc, cũng như cơ chế kiểm soát chặt chẽ để đối phó với các trường hợp thông tin gian lận, đảm bảo tính minh bạch của quyết định phê duyệt tín dụng.

Sửa đổi Luật Các TCTD mở ra một trang mới cho ngành ngân hàng Việt Nam, đặt nền móng cho sự minh bạch, quản trị rủi ro hiệu quả và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế. Để thích ứng và phát triển trong bối cảnh mới, các ngân hàng cần tiếp cận các quy định ban hành một cách sáng tạo, tập trung vào chuyển đổi trên cơ sở tăng cường năng lực số hóa và tối ưu hóa quy trình. Sự linh hoạt và đổi mới sẽ là nền tảng vững chắc để tăng trưởng bền vững cho từng tổ chức ngân hàng nói riêng, ngành ngân hàng nói chung.

Ứng dụng hiệu quả các chuẩn mực quốc tế

Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB
Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB

Chiến lược kinh doanh của VIB là tập trung cho hoạt động ngân hàng bán lẻ, phù hợp với sở trường, khẩu vị rủi ro, nguồn lực nội tại của VIB. Hiện nay, gần 85% cơ cấu danh mục tín dụng của VIB phục vụ cho hoạt động ngân hàng bán lẻ, trong đó khoảng 90% dư nợ bán lẻ là có tài sản đảm bảo. Đặc thù chiến lược này cùng khẩu vị rủi ro của VIB có ảnh hưởng không nhỏ tới tốc độ và mức độ triển khai áp dụng các chuẩn mực quốc tế, trong đó có các chuẩn mực của Basel tại ngân hàng.

Kiên trì với những định hướng trên, tới nay, VIB đã xây dựng và áp dụng thành công các chuẩn mực Basel II phương pháp tiêu chuẩn, triển khai mạnh mẽ các mô hình xếp hạng tín dụng nội bộ theo Basel II phương pháp nâng cao và quan trọng hơn, VIB đã ứng dụng hiệu quả các chuẩn mực này vào thực tế hoạt động quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày, trước hết trong các lĩnh vực sau:

- Về quản lý rủi ro tín dụng: VIB ứng dụng triệt để các mô hình xếp hạng tín dụng nội bộ trong các quy trình, từ cấp tín dụng (bao gồm phân cấp thẩm quyền phê duyệt, tự động từ chối hoặc phê duyệt một số phân khúc khách hàng theo điểm tín dụng), giám sát và quản lý khách hàng sau giải ngân (bao gồm nhận diện rủi ro và thu hồi nợ sớm, tăng hạn mức, bán chéo), tới việc thu hồi nợ (bao gồm phân loại mức độ rủi ro của khách hàng nhằm thiết lập các kịch bản tương tác), điều chỉnh lãi suất cho vay khách hàng, hay xác định mức độ tổn thất vỡ nợ đối với các sản phẩm thế chấp để từ đó điều chỉnh chính sách tài sản bảo đảm. VIB cũng đã hoàn thành ước tính tỷ lệ an toàn vốn theo yêu cầu của Basel III phương pháp tiêu chuẩn.

- Về quản lý rủi ro thanh khoản: Từ năm 2020, VIB đã triển khai tính toán các tỷ lệ rủi ro thanh khoản theo yêu cầu của Basel III, bao gồm tỷ lệ NSFR (net stable funding ratio - tức tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng), tỷ lệ LCR (liquidity coverage ratio - tức tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản) và thiết lập các hạn mức nội bộ dựa trên các tỷ lệ này để quản lý rủi ro thanh khoản.

- Về quản trị vốn: VIB phân bổ vốn tự có dựa trên mức độ rủi ro của từng danh mục, tính toán yêu cầu vốn dựa trên các mô hình nội bộ để chủ động xây dựng kế hoạch vốn phù hợp. Trên thực tế, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN của VIB trong 2 năm qua luôn duy trì ở mức xấp xỉ 12%, nhiều thời điểm đạt trên 13%, với nguồn vốn chủ yếu là vốn cấp 1 trong bối cảnh vẫn đảm bảo chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Dự kiến, khi hoàn thành triển khai Basel III theo phương pháp nâng cao, tỷ lệ CAR của VIB sẽ đạt cao hơn dựa trên nền tảng chất lượng tài sản có rủi ro tốt, hoạt động kinh doanh tập trung vào ngân hàng bán lẻ, mức độ rủi ro tập trung thấp.

Tin bài liên quan