Ảnh Internet

Ảnh Internet

Thách thức mục tiêu tăng trưởng 26% của VEAM

(ĐTCK) Với hàng loạt thông tin bất lợi, nhà đầu tư e ngại về mục tiêu lợi nhuận sau thuế công ty mẹ tăng trưởng 26% so với năm 2018 mà Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM, mã chứng khoán VEA) chia sẻ hồi đầu năm.

Trước đó, tại Hội nghị gặp mặt nhà đầu tư, lãnh đạo VEAM cho biết, Tổng công ty dự kiến mục tiêu lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2019 là 6.429 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với năm ngoái, chủ yếu nhờ doanh thu hoạt động tài chính.

Cụ thể, VEAM đặt kế hoạch nhận 6.648 tỷ đồng cổ tức từ liên doanh (tăng 22,9%), ngoài ra kế hoạch lãi tiền gửi đạt 598 tỷ đồng (tăng 68,2%). Tuy nhiên, mới đây, một thông tin bất lợi đe dọa mục tiêu này của VEAM.

Đó là việc VEAM nhận được quyết định của Cục Hải quan TP. Hà Nội liên quan tới việc Tổng công ty khai sai mã HS diễn ra trong thời gian trước IPO.

Theo đó, VEAM phải nộp tổng cộng 353 tỷ đồng do tính nhầm thuế nhập khẩu phụ tùng, linh kiện lắp ráp trong giai đoạn 2016 - 2017, Công ty đã nộp 173 tỷ đồng và còn phải nộp thêm 180 tỷ đồng. Nhiều khả năng Tổng công ty còn phải nộp tiền phạt chậm nộp thuế là phạt tính nhầm thuế. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh quý I/2019 cũng như kế hoạch cả năm của VEAM.

Điều khiến nhà đầu tư e ngại là kết quả kinh doanh của VEAM phụ thuộc quá lớn vào liên doanh Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam. Liên doanh Honda Việt Nam được thành lập từ năm 1996 theo thỏa thuận giữa VEAM và Tập đoàn Honda.

Thỏa thuận kéo dài trong 60 năm, như vậy thời gian hợp tác sẽ chính thức chấm dứt vào năm 2036. Toyota Việt Nam được thành lập vào năm 1995 theo thỏa thuận kéo dài 40 năm giữa VEAM và Tập đoàn Toyota. Như vậy, thời gian hợp tác sẽ tới năm 2035. Có khả năng các bên sẽ đàm phán gia hạn nếu cần thiết, do đó, trên thực tế, VEAM đang được đánh giá khả quan không phải do hoạt động cốt lõi mà đến từ việc góp vốn đầu tư.

Mảng kinh doanh cốt lõi của VEAM bao gồm sản xuất động cơ, máy móc nông nghiệp và xe tải. Tuy nhiên, VEAM không có lợi thế cạnh tranh rõ ràng trong các mảng này và hiệu quả không cao. Năm 2018, mặc dù doanh thu thuần của VEAM đạt 7.073 tỷ đồng, tăng trưởng 7% so với năm trước, nhưng lợi nhuận gộp thu về lại thấp hơn.

Biên lợi nhuận gộp năm 2018 còn 8%, giảm nhẹ so với mức 9% trong năm trước. Nếu chỉ tính riêng hoạt động cốt lõi, lợi nhuận thuần Công ty thu được chỉ xấp xỉ 300 tỷ đồng. Thậm chí, năm 2017, VEAM lỗ với mảng kinh doanh cốt lõi.

 Lợi nhuận từ công ty liên doanh đóng góp chính cho lợi nhuận thuần của VEAM (tỷ đồng)

Thông tin không tích cực liên quan đến mảng kinh doanh lõi của VEAM là mới đây, CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn - Savico (SVC) đã quyết định ngừng hoạt động phân phối thương hiệu VEAM. Theo SVC, VEAM là thương hiệu được sản xuất trên cơ sở mua linh kiện và phụ tùng của thương hiệu Huyndai và Kia.

Sau khi Huyndai chọn Thành Công và Kia chọn Trường Hải làm nhà phân phối đã ảnh hưởng đến sản lượng của VEAM nên không còn bảo đảm cung cấp cho các đại lý, do đó, SVC quyết định ngừng hoạt động phân phối thương hiệu này để tìm cơ hội phân phối các thương hiệu khác.

Hiện Nhà nước đang nắm giữ 88,5% vốn của VEAM, tuy nhiên sẽ khó có động lực từ việc thoái vốn nhà nước, bởi quá trình này vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng do vướng mắc từ các điều khoản trong thỏa thuận góp vốn giữa VEAM và liên doanh như Honda và Toyota.

Mới đây, VEAM cũng đã có văn bản xin được gia hạn tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019.

Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam vừa có quyết định bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Trần Ngọc Hà. Hiện ông Ngô Văn Tuyển, thành viên Hội đồng quản trị đảm nhận quyền Tổng giám đốc tại VEAM. 

Việc bãi nhiệm ông Trần Ngọc Hà có liên quan tới việc ông Hà tự quyết mua lô hàng 3.000 bộ linh kiện phụ tùng ô tô của VEAM vào tháng 9/2017.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, Ban Kiểm soát đã cho biết Ban Tổng giám đốc chưa báo cáo Hội đồng quản trị việc nhà máy ô tô VEAM mua 3.000 xe ô tô Mighty của CTCP Thương mại TCG.

Ông Trần Ngọc Hà lúc đó cho biết, Tổng giám đốc quyết định ký hợp đồng này với giá trị là 1.600 tỷ đồng theo phương thức mua nợ, không phải dùng vốn và chỉ đặt cọc 5% tương đương 80 tỷ đồng, việc này không trái so với Điều lệ của VEAM.  

Tới tháng 8/2018, ông Trần Ngọc Hà phải tạm dừng nhiệm vụ điều hành với chức danh Tổng giám đốc. Thay vào đó, Hội đồng quản trị bổ nhiệm ông Ngô Văn Tuyển (thời điểm này là Phó tổng giám đốc) đảm nhận công việc của Tổng giám đốc và là người đại diện pháp luật của VEAM. Như vậy, sau khoảng nửa năm bị tạm dừng nhiệm vụ, ông Trần Ngọc Hà đã chính thức bị bãi nhiệm. 

Tin bài liên quan