Thách thức mới của công ty chứng khoán khi thị trường “hút F0”

Thách thức mới của công ty chứng khoán khi thị trường “hút F0”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Say mê “tất tay” cổ phiếu nhưng không tìm hiểu nội tại DN, dòng tiền bị hút vào các cổ phiếu bị thổi phồng, được tô vẽ…, mua theo hô hào, phím hàng là lãi to, không cần hình thành phương pháp đầu tư hay vạch ra chiến lược quản trị rủi ro. Đây chính là rủi ro lớn cho nhà đầu tư khi thị trường đảo chiều, cũng chính là rủi ro cho sự phát triển bền vững của TTCK.

Ngay trước Tết Nguyên đán, TTCK có nhịp chỉnh mạnh trước thông tin về hoạt động “bán chui” cổ phiếu của một lãnh đạo DN. Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm đã kích hoạt hiệu ứng domino ở tất cả các nhóm cổ phiếu và mức độ giảm mạnh nhất ở các cổ phiếu bất động sản đã tăng nóng trước đó. Các nhóm cổ phiếu như FLC, LDG, CEO, DIG, CII, NBB…. vốn tăng nhiều lần đã nằm sàn la liệt nhiều phiên.

Hoảng loạn lan rộng còn đến từ lo ngại “call margin” chéo. Thực tế, diễn biến này xảy ra ở các “kho” nhiều hơn, còn các CTCK hàng đầu với các tiêu chí quản trị rủi ro chặt chẽ, thì room cho vay những cổ phiếu kể trên là rất nhỏ, hoặc không nằm trong danh mục cho vay. Đơn cử, tìm hiểu tại SSI, danh mục cho vay margin “nói không” với cổ phiếu không có cơ bản tốt và không có thanh khoản tự nhiên. Yếu tố cơ bản chiếm đến 60%, kế đến là thanh khoản trong thang điểm tiêu chí của SSI.

Cụ thể, định giá giá trị DN thấp thì cho vay tỷ lệ thấp, hay cổ phiếu dù có tăng nóng thì SSI cũng tuân thủ các tiêu chí cơ bản, chứ không cho vay chạy theo giá thị trường. Thông qua việc đưa ra một danh mục margin “mạnh khoẻ”, SSI vừa nâng cao quản trị rủi ro cho chính mình, cũng vừa đưa thêm sự lựa chọn an toàn cho nhà đầu tư.

Dẫu vậy, những công ty có quản trị rủi ro chặt chẽ cũng sẽ phải đối diện với thách thức là khách hàng sẽ chuyển qua CTCK khác có danh mục cho vay margin “dễ dãi” hơn, trong khi những cổ phiếu có tính đầu cơ cao thì tần suất giao dịch khá lớn, có những họ cổ phiếu chiếm đến 15 - 25% giá trị giao dịch/phiên - có thể mang về thị phần môi giới tốt. Còn dĩ nhiên về năng lực cung cấp margin, thì với những CTCK có vốn điều lệ lớn, hoàn toàn có thể chủ động trong các chính sách sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư. Tính đến hết quý IV/2021, SSI cũng là đơn vị có dư nợ cho vay margin lớn nhất thị trường, đạt mức 22.700 tỷ đồng. Hiện SSI đang hoàn thiện hồ sơ để tăng vốn điều lệ lên 15.000 tỷ đồng, qua đó tăng khả năng cung cấp dịch vụ sản phẩm cho khách hàng.

Một thách thức khác chính là vấn đề về tư vấn và đội ngũ môi giới. Thị trường từ năm 2020 đến nay được đánh giá là thị trường xu hướng, thị trường đi theo dòng tiền nhà đầu tư cảm thấy chán nản với các cổ phiếu cơ bản nhưng “tăng chậm”. Chưa kể, hệ quả từ dòng tiền dễ dãi, cơ hội kiếm chênh lệch giá nhiều hơn hẳn, cũng khiến xuất hiện lớp môi giới có kiến thức chưa vững bỗng chốc trở thành “chuyên gia” chỉ sau vài lần “phím đúng”. Thực trạng này gây hệ luỵ không tốt cho thị trường về dài hạn, làm xói mòn niềm tin của người dân vào kênh đầu tư sinh lời này.

Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán Khách hàng cá nhân - CTCP Chứng khoán SSI - Bà Đỗ Thị Thanh Thúy cho biết, danh mục tư vấn của SSI luôn dựa trên yếu tố phân tích cơ bản và kết hợp kỹ thuật, các DN tăng trưởng vượt trội so với công ty trong ngành, hay các DN cơ bản tốt và đang có định giá thấp sẽ được khuyến nghị. Bên cạnh đó, hệ thống báo cáo chiến lược, báo cáo thị trường, báo cáo DN… của SSI luôn được giới đầu tư đánh giá cao.

Vấn đề chuyên môn và đạo đức của môi giới rất được coi trọng khi ngay từ khâu đầu vào, SSI đã có những sàng lọc trong việc tuyển dụng, chỉ nhận nhân sự trình độ cử nhân trở lên, song song đó là các chương trình đào tạo nội bộ từ chuyên môn đến kỹ năng thực hiện thường xuyên, có các cuộc sát hạch định kỳ 6 tháng/lần…. SSI cũng thực hiện các chuỗi phân tích về ngành, trong đó các môi giới được tham dự các buổi chia sẻ, gặp gỡ trực tiếp DN để hiểu sâu về ngành nghề kinh doanh.

Song song đó là các chuỗi đào tạo kiến thức từ cơ bản đến kỹ thuật, từ lý thuyết đến thực chiến, và cả những vấn đề gai góc trên thị trường cũng được SSI tổ chức thành các chuỗi chương trình - thu hút hàng triệu nhà đầu tư quan tâm theo dõi - bởi nội dung đánh thẳng vào những điểm còn yếu, còn thiếu và nhu cầu học hỏi thiết thực của nhà đầu tư.

Với tầm nhìn "Chúng ta cùng thành công", SSI có định hướng và cách tiếp cận bài bản, nghiêm túc để chứng khoán trở thành kênh đầu tư quen thuộc với công chúng, mang lại giá trị thực sự cho người tham gia thị trường.

Tin bài liên quan