Thách thức khi doanh nghiệp Việt IPO ở nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
VinFast, công ty con chuyên sản xuất ô tô của Vingroup, đã nộp hồ sơ cho đợt phát hành công khai lần đầu trên sàn Nasdaq (Mỹ).
Ông Kent Wong, Chủ tịch Ban Pháp lý, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Vietnam).

Ông Kent Wong, Chủ tịch Ban Pháp lý, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Vietnam).

Ông Kent Wong, Chủ tịch Ban Pháp lý, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Vietnam) chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư về tính khả thi và các thách thức với công ty Việt Nam khi niêm yết ở nước ngoài.

Ông đánh giá ra sao về việc để niêm yết ở sàn Nasdaq, VinFast nói riêng và công ty Việt Nam nói chung lại chọn con đường đăng ký pháp nhân ở Singapore?

VinFast thành lập một công ty tại Singapore như một phần của cơ cấu sở hữu là một hướng đi đường vòng cho mục tiêu niêm yết trên sàn Nasdaq đối với công ty có sự vận hành cốt lõi tại Việt Nam. Điều này dựa trên mô hình sở hữu đặc biệt mà các công ty Trung Quốc sử dụng để niêm yết thành công tại Mỹ hoặc các sàn giao dịch chứng khoán ở nước ngoài.

Việc đầu tiên là thành lập một công ty nước ngoài (trong trường hợp này là Singapore), sau đó sử dụng công ty nước ngoài làm pháp nhân chính cho việc niêm yết hoặc cấp vốn trong tương lai. Cơ cấu cổ phần sẽ phản ánh tình hình thực tế của công ty được niêm yết. Sở dĩ thành lập pháp nhân tại Singapore do vị trí địa lý gần Việt Nam và đây là một trong những trung tâm tài chính nổi tiếng của khu vực, với dòng vốn và ngoại hối tự do, khả năng tiếp cận với các chuyên gia tài chính toàn cầu, cũng như mối quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ và lâu dài với Việt Nam.

Nếu các công ty trong nước muốn chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng (IPO) và niêm yết ở nước ngoài, họ phải đối mặt với rào cản niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán nước ngoài.

Nếu VinFast nỗ lực niêm yết trực tiếp từ một công ty mẹ được thành lập tại Việt Nam, thì sẽ có một số rào cản pháp lý phải vượt qua để tiến hành niêm yết, như quy định về hạn chế sở hữu nước ngoài đối đối với một số ngành nghề kinh doanh, tỷ lệ sở hữu nước ngoài chỉ là 49%.

Trên thực tế, các công ty Việt Nam niêm yết trong nước chỉ được phép niêm yết cho nhà đầu tư nước ngoài trên các sàn giao dịch chứng khoán nước ngoài, trong khi vốn huy động trong nước phải tuân thủ các quy định của sàn giao dịch chứng khoán trong nước.

Ngoài ra, họ sẽ cần tuân thủ các quy định về kế toán, kiểm toán và chuẩn mực quản trị doanh nghiệp của sàn giao dịch chứng khoán nước ngoài, đồng thời tuân thủ các quy định của Việt Nam về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

Ban đầu, VinFast dự định nộp hồ sơ IPO tại Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE), nhưng sau đó đã chuyển sang sàn Nasdaq. Ông đánh giá thế nào về sự khác biệt giữa hai sàn giao dịch này?

Nasdaq là thị trường của đại lý, nơi việc mua và bán cổ phiếu được thực hiện thông qua hệ thống giao dịch tự động. Trong khi đó, NYSE là một thị trường đấu giá, nơi việc mua và bán được thực hiện thông qua hệ thống đấu giá có một bên trung gian giám sát hoạt động. VinFast dự định tham gia thị trường đại lý với sự tham gia đáng kể của thương nhân, thay vì thị trường đấu giá.

Các loại cổ phiếu được giao dịch trên Nasdaq có tính biến động cao hơn, trong khi những loại cổ phiếu được bán trên NYSE thì ổn định và được thiết lập tốt. Chi phí niêm yết một công ty ở Nasdaq thấp so với NYSE. Đó là lý do nhiều công ty mới như VinFast sẽ niêm yết trên Nasdaq.

Nasdaq được coi là một sàn giao dịch công nghệ cao và bao gồm nhiều công ty liên quan đến Internet hoặc điện tử. Các cổ phiếu được coi là có định hướng tăng trưởng hơn. Như vậy, Nasdaq phù hợp với VinFast. Mặt khác, NYSE được coi là sàn giao dịch dành cho các công ty lâu đời có cổ phiếu ổn định và được công nhận.

Các quy định và yêu cầu để được niêm yết trên các sàn cũng khác nhau và NYSE có các điều kiện niêm yết chặt chẽ hơn nhiều. NYSE yêu cầu VinFast phải đưa ra kế hoạch thuyết phục và có khả năng thực thi để chuẩn bị nguồn vốn hoạt động cần thiết cho đến khi IPO - điều sẽ rất khó để VinFast thực hiện ở thời điểm này.

Theo hồ sơ của VinFast, từ năm 2020 đến tháng 9/2022, Công ty đã chi 1,14 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Đây có phải là một số tiền lớn cho lĩnh vực này?

Một khoản tiền lớn được chi cho R&D có thể được coi là thâm dụng vốn, nhưng nó cũng có thể tạo nên những bước đột phá có thể mang lại cả lợi nhuận và lợi ích cho khách hàng. Là một nhà sản xuất ô tô thiên về công nghệ, việc đầu tư cho R&D trong lĩnh vực công nghiệp là cần thiết.

Nhiều hãng xe lớn trên thế giới đã mạnh tay đầu tư cho hoạt động này. Đơn cử, Tesla đã chi gần 2,3 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay.

Bắc Mỹ là thị trường lớn mà VinFast hướng đến, nhưng có rất nhiều nhà sản xuất xe điện ở khu vực này. Vậy đâu là lợi thế cạnh tranh cho VinFast so với các đối thủ khác như Tesla?

Lợi thế cạnh tranh của VinFast là xe điện giá rẻ, công nghệ cao. Lĩnh vực xe điện thực sự là một lĩnh vực cạnh tranh, VinFast đang đối đầu với Tesla và các nhà sản xuất xe điện khác trên thế giới. Tuy nhiên, Công ty đã gây ấn tượng về các dịch vụ và quyết tâm của mình.

VinFast có các sản phẩm rẻ hơn Tesla và các thương hiệu xe hàng đầu khác, như Porsche và Mercedes, đồng thời phát triển các chiến lược khác biệt và thông minh. Hãng đưa ra phương án cho thuê pin để khách hàng dễ dàng thay đổi. Đây là một chiến lược cạnh tranh tốt cần được thực hiện, bởi pin là thành phần quan trọng và đắt tiền của xe điện. Cho đến nay, chưa có công ty nào ở Bắc Mỹ cho thuê hoặc đổi pin.

Tin bài liên quan