Nhiều ngân hàng đã dùng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng nên hạn chế cho vay, nhất là đối với lĩnh vực bất động sản. Ảnh: Dũng Minh.

Nhiều ngân hàng đã dùng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng nên hạn chế cho vay, nhất là đối với lĩnh vực bất động sản. Ảnh: Dũng Minh.

Thách thức gọi vốn của doanh nghiệp bất động sản khi thị giá cổ phiếu giảm sâu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trong giai đoạn chờ các quy định mới chấn chỉnh tình trạng phát hành dễ dãi thời gian qua và room tín dụng không còn nhiều, thì kế hoạch phát hành cổ phiếu huy động vốn triển khai dự án lại gặp thách thức vì giá cổ phiếu giảm sâu.

Cấp thiết nhu cầu vốn

Công ty cổ phần Tập đoàn C.E.O đặt kế hoạch phát hành 257,3 triệu cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ lên 5.146 tỷ đồng, gấp đôi mức hiện nay. Trong đó, hơn 5,1 triệu cổ phiếu phát hành cho cán bộ, công nhân viên theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và 252,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Ban lãnh đạo C.E.O cho biết, việc phát hành cổ phiếu tăng vốn là một trong những bước đi quyết định nhằm tăng sức mạnh cho doanh nghiệp trong bối cảnh tái cấu trúc các ngành nghề kinh doanh và triển khai các dự án bất động sản lớn trong năm 2022. Cụ thể, Công ty sẽ tập trung phát triển bất động sản nhà ở, khu đô thị tích hợp du lịch, nghỉ dưỡng, với kế hoạch mở rộng quỹ đất lên hơn 1.000 ha.

Đặc biệt, đối với lĩnh vực du lịch, quản lý khách sạn, việc bổ sung vốn là rất cần thiết, giúp C.E.O tận dụng cơ hội khi thị trường du lịch đang hồi phục mạnh mẽ. Doanh nghiệp cần vốn để gia tăng các sản phẩm phục vụ khách nội địa, đồng thời sẵn sàng đón tiếp du khách quốc tế khi du lịch mở cửa hoàn toàn trở lại.

Trong 2 tháng qua, thị giá cổ phiếu CEO giảm trên 70%, nhưng vùng giá 26.000 - 27.000 đồng/cổ phiếu hiện nay vẫn cao hơn mệnh giá, nên đợt huy động vốn cổ đông của C.E.O kỳ vọng sẽ thành công, nhất là khi các cổ đông lớn đều là thành viên ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Tương tự, Công ty cổ phần BV Land (mã chứng khoán BVL) có kế hoạch phát hành gần 43 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 100:75 nhằm huy động vốn thực hiện dự án Khu nhà ở đô thị Thanh Ba tại Phú Thọ. Cơ cấu cổ đông của BV Land cũng cô đặc, phần lớn cổ phiếu được nắm giữ bởi công ty mẹ là Công ty cổ phần Tập đoàn Bách Việt và các cổ đông lớn khác đang giữ các vị trí quan trọng trong doanh nghiệp. Trên sàn chứng khoán, thị giá cổ phiếu BVL gần đây dao động quanh ngưỡng 40.000 đồng/cổ phiếu.

Đối với Công ty cổ phần Đầu tư LDG (mã chứng khoán LDG), doanh nghiệp này có kế hoạch huy động vốn từ các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong bối cảnh giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán giảm xuống dưới mệnh giá.

Theo đó, Đại hội đồng cổ đông LDG ngày 1/7/2022 đã thông qua phương án phát hành 120 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương tỷ lệ phát hành 50,12% (tỷ lệ này sẽ là 46,84% sau khi phát hành 7% cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019, vì nhà đầu tư mua cổ phiếu riêng lẻ không được nhận cổ tức).

Kế hoạch huy động vốn cổ phần của các doanh nghiệp niêm yết nói chung, doanh nghiệp bất động sản nói riêng đang bị ảnh hưởng bởi thị trường chứng khoán giảm cả về điểm số và thanh khoản.

Với giá phát hành riêng lẻ 10.000 đồng/cổ phiếu, LDG dự kiến thu về 1.200 tỷ đồng, mục đích sử dụng vốn là góp 600 tỷ đồng vào dự án Khu du lịch biển Bãi Bụt - Sơn Trà tại Đà Nẵng; đầu tư 400 tỷ đồng vào dự án Khu chung cư Lô C1 - Khu Đô thị mới Bình Nguyên tại Bình Dương; góp 200 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Thủy sản Bình Minh để đầu tư, thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Minh.

So với mức 27.300 đồng/cổ phiếu hồi đầu tháng 1/2022, thị giá cổ phiếu LDG hiện giảm 68%, đóng cửa phiên 6/7/2022 ở mức 8.710 đồng/cổ phiếu, thấp hơn thị giá cũng như giá trị sổ sách tính đến cuối năm 2021 là 13.547 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, giá cổ phiếu LDG giảm xuống 7.200 đồng/cổ phiếu ngày 21/6/2022. Động thái đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu LDG từ ngày 22/6 - 21/7/2022 của ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị LDG đã góp phần hỗ trợ giá cổ phiếu. Khi giao dịch hoàn tất, tỷ lệ sở hữu của ông Hưng tại LDG sẽ tăng từ 11,29% lên 12,13%.

Một doanh nghiệp khác có kế hoạch phát hành cổ phiếu là Công ty cổ phần Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (Trường Thành, mã chứng khoán TEG). Trường Thành muốn huy động 600 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu bằng cách phát hành 60 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Doanh nghiệp sẽ dùng vốn huy động thêm để đầu tư vào Công ty cổ phần Năng lượng Trường Thành (350 tỷ đồng), mua cổ phần Công ty cổ phần Trường Thành Bình Định (120 tỷ đồng), trả nợ vay (70 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động (60 tỷ đồng).

Lực cản từ thị giá cổ phiếu sụt giảm

Từ đầu tháng 4/2022 đến nay, giá cổ phiếu TEG giảm 46%, xuống dưới mệnh giá, đóng cửa phiên 6/7/2022 tại 8.600 đồng/cổ phiếu. Pháp luật cho phép doanh nghiệp được phát hành cổ phiếu khi thị giá thấp hơn mệnh giá (theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021), nhưng đợt phát hành sắp tới của TEG có khả năng thành công không cao trong bối cảnh thị trường chứng khoán vẫn đang có diễn biến khó lường, gây rủi ro cho người mua cổ phiếu phát hành thêm trong thời gian chờ đợi cổ phiếu mới về tài khoản.

Thực tế, trong các giai đoạn thị trường chứng khoán có diễn biến khả quan, nhà đầu tư hào hứng với cổ phiếu, các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu tăng vốn có khả năng thành công cao.

Nhưng khi thị trường đi xuống, nhà đầu tư chủ yếu có tâm lý chờ nhịp hồi phục để bán ra, không không mặn mà với việc tăng tỷ trọng cổ phiếu trong tài khoản, nhất là cổ phiếu phát hành thêm, kể cả cổ phiếu tốt có giá ưu đãi, bởi lo ngại thị giá có nguy cơ tiếp tục giảm.

Một vài doanh nghiệp hiếm hoi phát hành cổ phiếu thành công khi thị giá cổ phiếu ở dưới mệnh giá là Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T (mã chứng khoán FIT). Doanh nghiệp này chào bán gần 51 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu.

Kết thúc đợt chào bán ngày 10/6/2022, F.I.T thu về 509,3 tỷ đồng, hoàn thành 99,97% mục tiêu, dù đa số cổ đông không nộp tiền mua (số cổ phiếu mà cổ đông không đăng ký mua, không nộp tiền mua đã được Hội đồng quản trị phân phối cho các nhà đầu tư khác).

Không ít doanh nghiệp đã phải tạm hoãn kế hoạch phát hành cổ phiếu vì bối cảnh thị trường không thuận lợi.

Chẳng hạn, ngày 25/4/2022, Công ty cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco, mã chứng khoán HDC công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị tạm hoãn việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ năm 2022. Việc thực hiện sẽ được xem xét vào một thời điểm khác phù hợp hơn, đảm bảo lợi ích của Công ty cũng như lợi ích cổ đông.

Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của Hodeco đã thống nhất kế hoạch chào bán 8,6 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá tối thiểu 100.000 đồng/cổ phiếu. Khi đó, thị giá cổ phiếu HDC là 104.000 đồng/cổ phiếu (giá sau điều chỉnh khoảng 83.000 đồng/cổ phiếu, bởi Hodeco trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%).

Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 4, giá cổ phiếu HDC giảm mạnh, ngày 25/4 giảm còn 52.000 đồng/cổ phiếu, đến ngày 21/6 lùi xuống dưới 30.000 đồng/cổ phiếu (gần đây dao động quanh mức 34.000 đồng/cổ phiếu).

Theo số liệu từ FiinGroup, các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2021 đã thực hiện phát hành cổ phiếu huy động khoảng 100.600 tỷ đồng (không bao gồm phát hành cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu). Đây là năm kỷ lục về huy động vốn qua phát hành trên thị trường chứng khoán.

Số liệu này cho thấy vai trò của kênh huy động vốn trung và dài hạn qua thị trường chứng khoán, kỳ vọng giúp doanh nghiệp niêm yết cải thiện nguồn vốn cho đầu tư phát triển và hồi phục trong giai đoạn hậu Covid-19.

Tuy nhiên, năm 2022, đợt sụt giảm của thị trường chứng khoán kể từ đầu tháng 4 đến nay khiến nhiều nhà đầu tư e ngại khi bỏ thêm tiền vào thị trường, ảnh hưởng đến kế hoạch huy động vốn của các doanh nghiệp.

Tin bài liên quan