Ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính)
Giải ngân vốn đầu tư công chậm là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến khi thảo luận về kinh tế, xã hội. Thưa ông, nguyên nhân do đâu?
Theo ước tính của Kho bạc Nhà nước, trong 10 tháng đầu năm, tổng khối lượng vốn đầu tư công giải ngân 355.616 tỷ đồng, đạt 47,43% kế hoạch, bằng 52,29% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (đạt tương ứng trên 52% và 56,74% kế hoạch).
Nguyên nhân chủ yếu là một số địa phương được giao kế hoạch vốn lớn, nhưng tỷ lệ giải ngân không cao, như TP.HCM được giao 11,8% tổng kế hoạch vốn, nhưng mới giải ngân được 19,63%; Hà Nội được giao trên 12% mới chỉ giải ngân được 44,62%...
Các bộ, ngành, địa phương nhận định ra sao về những vướng mắc này?
Bộ Giao thông - Vận tải và nhiều bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án đã rút ra 4 khó khăn, vướng mắc chính.
Thứ nhất, trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng qua nhiều khâu, nhiều bước, nên mất rất nhiều thời gian, đặc biệt là thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa…
Thứ hai, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng tới tiến độ dự án.
Thứ ba, nguồn cung cấp vật liệu tại một số dự án vẫn chậm được giải quyết.
Thứ tư, thời tiết ngày càng bất thường, nên rất khó dự báo.
Chỉ còn 4 tháng để giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 (kết thúc ngày 31/1/2025), nhưng vẫn còn khoảng 53% lượng vốn nằm trong Kho bạc. Để hoàn thành tối thiểu 95% kế hoạch là vô cùng khó khăn, thưa ông?
Biết là rất khó khăn, nhưng phát biểu trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vẫn quyết tâm giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn. Hoàn thành mục tiêu này thực sự là áp lực với tất cả bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhưng không hoàn thành không được, vì nếu chuyển vốn sang năm 2025 thì đẩy áp lực sang năm sau - năm cuối phải hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện chu kỳ đầu tư công giai đoạn 2026-2030.
Chính phủ chỉ đạo tập trung triển khai nhiều dự án, công trình quan trọng, trọng điểm với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”,“làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, đến nay, nhiều công trình trọng điểm đang hoàn thành đúng tiến độ, vượt tiến độ, đưa vào khai thác sử dụng.
Với tinh thần này, cộng với sự chỉ đạo quyết liệt, tôi tin rằng, yêu cầu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn của Thủ tướng Chính phủ sẽ đạt được.
Nhưng thưa ông, vấn đề là cơ chế, chính sách vướng mắc?
Một số điểm nghẽn làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng trong các báo cáo định kỳ hàng tháng, tập trung vào các vướng mắc ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư; lập, phân bổ kế hoạch; tổ chức thực hiện. Những vướng mắc này thuộc thẩm quyền đã được tháo gỡ.
Tuy nhiên, nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm như vướng mắc về cơ chế, chính sách.
Những vướng mắc vượt thẩm quyền đã được Chính phủ trình Quốc hội xây dựng một luật sửa 4 luật liên quan đến đầu tư công. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng kiến nghị sửa 2 luật liên quan là Luật Ngân sách nhà nước và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công trong dự thảo một luật sửa 7 luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính. Như vậy, “điểm nghẽn của điểm nghẽn” là cơ chế, chính sách, thể chế đã được tháo gỡ.
Vấn đề còn lại chỉ là quyết tâm hoàn thành mục tiêu, thưa ông?
Không còn là quyết tâm, mà là nhiệm vụ. Ngoài các nghị quyết, từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 4 chỉ thị, 5 công điện, bình quân mỗi tháng có một văn bản chỉ đạo điều hành, đôn đốc việc giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra “5 quyết tâm” trong tổ chức triển khai thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024. Đó là quyết tâm giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đẩy lùi tiêu cực trong triển khai giải ngân vốn đầu tư công; quyết tâm làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo sinh kế cho người dân; quyết tâm tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế và các phát sinh trên thực tế làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; quyết tâm đổi mới phương pháp, cách làm, ứng dụng giải pháp công nghệ mới, hiện đại, tăng cường chuyển đổi số; quyết tâm bám sát thực tiễn, tháo gỡ vướng mắc, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Cùng với đó là yêu cầu thực hiện “5 bảo đảm”, gồm đảm bảo đủ nguyên vật liệu, nhất là cát, sỏi, đá, đất đắp nền... phục vụ thi công các dự án; đảm bảo số lượng nhân lực, lựa chọn cán bộ có đủ năng lực, đủ tâm, đủ tầm để phân công thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới công tác giải ngân vốn đầu tư công; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân trong triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; đảm bảo quản lý đầu tư công đúng quy định, không kéo dài thời gian thực hiện dự án làm tăng tổng mức đầu tư dự án, gây thất thoát vốn, giảm hiệu quả đầu tư; đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng theo mục tiêu, quy hoạch đề ra và đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong thực hiện dự án.
Với nỗ lực như vậy, tôi tin rằng, năm nay có thể hoàn thành giải ngân 95% kế hoạch vốn đầu tư công.