Các yếu tố tạo áp lực tăng lên mặt bằng lãi suất VND đang chiếm ưu thế

Các yếu tố tạo áp lực tăng lên mặt bằng lãi suất VND đang chiếm ưu thế

Thách thức duy trì lãi suất thấp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường ngoại hối dự kiến vẫn chịu nhiều áp lực trong quý III, lãi suất huy động vốn VND có thể tiếp tục tăng khoảng 0,2 - 0,5%/năm tại nhiều ngân hàng thương mại.

Chính sách tiền tệ hỗ trợ ổn định tỷ giá

Trong quý II/2024, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tiếp tục tăng thêm khoảng 2,5%, lên quanh mức 25.450 VND/USD. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 5%, mức tăng trung tính so với một số đồng tiền trong khu vực như JPY (-14%), THB (-7%), KRW (-6,7%), TWD (-5,4%), PHP (-5,8%), IDR (- 6,1%), MYR (-3%), CNY (-2,5%).

Theo các chuyên gia kinh tế, số liệu kinh tế của Mỹ nhìn chung vẫn khá tích cực nếu đặt lên bàn cân với các nền kinh tế khác như EU hay Trung Quốc, trong khi số liệu CPI vẫn cho thấy tình trạng lạm phát dai dẳng ở nhóm hàng hóa dịch vụ lõi. Điều này cho thấy kỳ vọng hạ lãi suất có thể bị đẩy về cuối năm. Trong khi đó, một số ngân hàng trung ương lớn khác đã bắt đầu cắt giảm lãi suất, chẳng hạn ngân hàng trung ương châu Âu, Canada, Thụy Sĩ, Brazil. Sự phân kỳ về chính sách tiền tệ, cộng với những rủi ro địa chính trị cũng củng cố sức hấp dẫn của USD so với các đồng tiền khác trong quý II.

Diễn biến thị trường trong nước cho thấy, cân đối cung - cầu tổng thể tiếp tục ở trạng thái kém tích cực trong bối cảnh nhập khẩu hàng hóa tăng cao, đặc biệt của khối doanh nghiệp trong nước (6 tháng đầu năm tăng 22%). Tâm lý thị trường nhìn chung trong trạng thái thận trọng trước những diễn biến kém thuận lợi của môi trường quốc tế cũng như trong nước (khi thị trường vàng tăng nóng, xu hướng bán ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài, chênh lệch lãi suất ở mức thấp) khiến nhu cầu ngoại tệ tăng cao.

Trong bối cảnh áp lực tỷ giá gia tăng, NHNN đã có động thái can thiệp thị trường khi liên tục hút ròng qua kênh tín phiếu để giảm dư thừa VND trong hệ thống, bán ngoại tệ giao ngay từ cuối tháng 4 đến nay với quy mô ước tính vào khoảng 4 - 6 tỷ USD.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp BIDV dự báo, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng trong quý III vẫn chịu nhiều áp lực, mặc dù đà tăng có thể được kìm hãm bởi các biện pháp bình ổn của NHNN. Dự báo xu hướng chủ đạo của tỷ giá có thể đi ngang giằng co, ngưỡng chặn trên quanh mức tỷ giá bán giao ngay của NHNN.

Đánh giá thị trường ngoại hối từ góc độ tác động bên ngoài, vị lãnh đạo BIDV cho rằng, Fed có thể cắt giảm lãi suất 1 - 2 đợt trong nửa cuối năm, bắt đầu từ tháng 9, với giả định đà tăng của chỉ số CPI tại Mỹ về vùng 3,0% và tỷ lệ thất nghiệp ở ngưỡng 4,0%. Việc Fed dự kiến tiến dần đến quá trình nới lỏng chính sách tiền tệ nhìn chung sẽ hạn chế sức mạnh của đồng USD, mặc dù đà giảm có thể không lớn do một số ngân hàng trung ương lớn ở châu Âu, Anh, Canada nhiều khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất. Dự kiến chỉ số DXY có thể dao động chủ đạo quanh vùng 104 -107 điểm từ nay đến hết quý III.

Đối với trong nước, cũng theo vị lãnh đạo BIDV, bối cảnh dự kiến chưa có nhiều thay đổi lớn khi chênh lệch lãi suất VND - USD tiếp tục duy trì ở mức thấp và cung cầu ngoại tệ chưa dồi dào, tâm lý thị trường nhìn chung vẫn khá thận trọng. Các động thái bình ổn của NHNN sẽ tiếp tục là điểm tựa để tỷ giá ổn định, với nhiều công cụ đã được thực hiện liên tục trong thời gian qua (hút tín phiếu, cam kết bán ngoại tệ can thiệp, bình ổn thị trường vàng). Các công cụ này dự kiến sẽ được triển khai một cách linh hoạt để cân đối nhiều mục tiêu của chính sách điều hành trong bối cảnh hiện nay.

“Chúng tôi cũng lưu ý về mức độ không chắc chắn của các yếu tố tác động trong thời điểm hiện nay, bao gồm thời điểm Fed hạ lãi suất, diễn biến địa chính trị tại các điểm nóng hay bầu cử Tổng thống tại Mỹ. Rủi ro lên tỷ giá có thể gia tăng nếu các biến số này diễn biến tiêu cực hơn kỳ vọng”, vị lãnh đạo BIDV nói.

Lãi suất huy động tiếp tục xu hướng tăng

Mặt bằng lãi suất huy động VND có xu hướng tăng rõ nét từ nửa cuối tháng 4 tại hầu hết các ngân hàng, đặc biệt tại khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân với tổng mức tăng phổ biến 0,2 - 0,6%/năm, thậm chí tăng 1 - 1,3%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng tại một số ngân hàng thương mại cổ phần có lãi suất thấp nhất thị trường trước đây (ABBank, MSB). Mặt bằng lãi suất huy động niêm yết kỳ hạn 12 tháng hiện đã tăng lên phổ biến ở mức 5 - 5,5%/năm, song vẫn ở mức thấp hơn giai đoạn đại dịch Covid 2020 - 2021 (5,4 - 6,0%/năm). Ngoài ra, lãi suất huy động 6%/năm đã xuất hiện tại các kỳ hạn dài từ 15 tháng tại các ngân hàng thương mại cổ phần như HDBank, NamA Bank.

Bối cảnh chung của nền kinh tế cho thấy, các yếu tố tạo áp lực tăng lên mặt bằng lãi suất VND chiếm ưu thế. Cụ thể, chính sách tiền tệ của NHNN dịch chuyển theo hướng thận trọng hơn khi sức ép tỷ giá có xu hướng gia tăng. Theo đó, NHNN đã có các động thái như bán ngoại tệ can thiệp với quy mô lớn, duy trì hút tín phiếu trên thị trường mở, đồng thời điều chỉnh tăng các loại lãi suất trên thị trường mở như lãi suất OMO thêm tổng cộng 50 điểm lên mức 4,5%/năm; lãi suất tín phiếu thêm 200 điểm lên 4,5%/năm.

“Thanh khoản VND của hệ thống ngân hàng trong quý II có xu hướng sụt giảm mạnh so với quý I và trở nên phụ thuộc vào dòng tiền từ các kênh thị trường mở và tiền gửi Kho bạc Nhà nước. Mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng trong quý II đã ghi nhận xu hướng tăng đáng kể, cao hơn khoảng 300 điểm so với bình quân quý I. Điều này đã và đang tạo áp lực lên chi phí vốn của một số ngân hàng thương mại”, vị lãnh đạo BIDV nói.

Tương quan giữa huy động vốn - tín dụng tiếp tục xu hướng thu hẹp khi tăng trưởng huy động vốn kém tích cực hơn so với tăng trưởng tín dụng. Theo số liệu của NHNN, tính đến 28/6/2024, dư nợ tín dụng đạt 14.384.124 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ năm trước tăng 4,73%% so với cuối năm 2022); trong đó VND tăng 6,51% và ngoại tệ giảm 6,23% so với cuối năm 2023, trong khi huy động vốn chỉ tăng xấp xỉ 2%.

Theo vị lãnh đạo BIDV, mặt bằng lãi suất huy động vốn VND trong quý III dự kiến trong xu hướng tăng, với mức tăng từ 0,2 - 0,5%/năm tại nhiều ngân hàng thương mại khi các yếu tố tác động nhìn chung vẫn theo hướng tạo áp lực đối với lãi suất là chủ đạo. Cụ thể, thứ nhất, chính sách tiền tệ dự kiến tiếp tục theo hướng thận trọng để hỗ trợ ổn định tỷ giá, thông qua các công cụ trên thị trường mở như tín phiếu hay bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết. Theo đó, mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng dự kiến tiếp tục neo ở mức cao, qua đó gia tăng áp lực lên chi phí huy động của nhiều ngân hàng thương mại. Thứ hai, cân đối huy động - cho vay có xu hướng đi ngang. Tăng trưởng tín dụng và huy động vốn được kỳ vọng có thể cùng được đẩy mạnh trong quý III.

Nhận định về điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, ông Paulo Medas, Trưởng đoàn công tác Điều IV của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nêu quan điểm: “Lạm phát vẫn được kiểm soát nhưng NHNN cần sẵn sàng thắt chặt chính sách tiền tệ nếu áp lực tăng giá gia tăng”.

Tuy vậy, từ góc nhìn của TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, Chính phủ, doanh nghiệp, dân cư còn đang “đòi” giảm lãi suất nên động thái NHNN tăng lãi suất điều hành e là khó.

Tin bài liên quan