Ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với hiện thực... nhân sự nhảy việc

Ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với hiện thực... nhân sự nhảy việc

Thách thức của bảo hiểm nhân thọ: Dậm chân tại chỗ

(ĐTCK) Cùng với áp lực làm sao để có thể gia tăng số dân được bảo vệ bởi bảo hiểm nhân thọ, các doanh nghiệp trong ngành này cũng tiếp tục phải đối mặt với vấn đề dịch chuyển nhân sự, dịch chuyển đại lý bảo hiểm, sự cạnh trong chiếm lĩnh thị trường, phát triển những kênh phân phối bảo hiểm khác…

ĐTCK số 126 đã có bài thông tin về những thách thức của thị trường bảo hiểm nhân thọ sau một thời gian dài phát triển nhưng mới khai thác được rất ít khách hàng so với dân số Việt Nam hiện tại và so với GDP, tổng doanh thu phí bảo hiểm là một con số rất khiêm tốn… Sau khi bài viết được đăng tải, một số ý kiến cho rằng, nếu lấy tổng doanh thu bảo hiểm nhân thọ chia cho GDP tính theo giá hiện tại thì con số này chưa đến 1%.

Theo một chuyên gia trong ngành, tổng phí bảo hiểm của thị trường bảo hiểm nhân thọ trong những năm qua dù luôn tăng hơn 10% trong khi GDP chỉ tăng 6 - 8%, nhưng do số liệu về GDP không thống nhất và bị ảnh hưởng khi hoán đổi giữa VND và USD nên GDP tăng nhanh hơn phí bảo hiểm, chính vì vậy, tổng phí bảo hiểm nhân thọ so với sự tăng trưởng của GDP không tăng trưởng và “dậm chân” tại chỗ.

Cùng với thách thức đã và đang tồn tại trong những năm qua là hiện vẫn chỉ có một tỷ lệ rất ít người dân Việt Nam tham gia bảo hiểm nhân thọ, ông Stephen Clark, Tổng giám đốc AIA Việt Nam, cho rằng, ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với một hiện thực khác là việc nhiều nhân viên và đại lý di chuyển từ công ty này sang công ty khác trong ngành.

“Thực ra, đây là hệ quả tự nhiên khi ngành bảo hiểm nhân thọ vẫn còn trong giai đoạn đầu của sự phát triển và ngày càng nhiều công ty mới tham gia sân chơi. Số lượng người lao động có năng lực và nhiều kinh nghiệm trong ngành vẫn còn ít nên hiện tượng ‘nhảy việc’ thường xuyên diễn ra. Tất nhiên, những công ty lớn và có thời gian hoạt động lâu hơn sẽ thường xuyên phải đối mặt với tình trạng này”, ông Stephen Clark nói và cũng cho rằng, đối với vấn đề người dân tham gia bảo hiểm còn quá ít, ngoài thực tế về khả năng chi trả thì lý do chính của vấn đề vẫn là người dân chưa ý thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc sở hữu một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

CEO AIA Việt Nam nhận định: “Là những người trong ngành, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cần phải có trách nhiệm hơn cho vấn đề này, tuy nhiên, sự hiện diện của các tiết học về việc lập kế hoạch tài chính trong trường học cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Càng sớm tiếp cận và tìm hiểu kiến thức về cách thức lập kế hoạch tài chính phù hợp, những người trẻ sẽ có thêm nhiều cơ hội thực hiện các kế hoạch hoàn hảo hơn cho tương lai của họ”.

Đối với những thách thức về việc nhân viên chuyển việc qua lại giữa các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, các chuyên gia trong ngành cho rằng, hiện thực này không phải là điều dễ dàng giải quyết và thực tế, các công ty bảo hiểm cũng như các doanh nghiệp khác không nên và cũng không thể cản trở tự do phát triển nghề nghiệp của người lao động.

“Chỉ có môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ, sự tưởng thưởng… mới có thể giữ chân nhân sự”, vị này nhận định.

Trở lại vấn đề để thêm nhiều người dân được bảo vệ bởi bảo hiểm, hiện các công ty bảo hiểm nhân thọ cũng đang dốc toàn lực cho vấn đề này. Cùng với việc đẩy mạnh dịch vụ, phát triển những sản phẩm mới phù hợp hơn với nhu cầu của các phân khúc khách hàng khác nhau thì việc đa dạng hóa kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm để người dân dễ tiếp cận hơn cũng là một hướng đi của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hiện nay.

Theo ông Stephen Clark, thực tế tại Việt Nam, những kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng hay những kênh phân phối thay thế khác vẫn đang trong giai đoạn chập chững so với các nước láng giềng như Thái Lan hay Indonesia. Và với những kênh phân phối mới đang được doanh nghệp bảo hiểm nhân thọ đẩy mạnh, nếu muốn thành công đòi hỏi cam kết lâu dài và hợp tác sâu rộng từ nhiều phía như các ngân hàng, tổ chức tài chính, các đối tác cung cấp dịch vụ phân phối bảo hiểm thay thế và tất nhiên, điều quan trọng nhất là quyết tâm của chính các những doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.               

Tin bài liên quan