Tết trung thu xưa nơi cực Tây Tổ Quốc

Tết trung thu xưa nơi cực Tây Tổ Quốc

(ĐTCK) Dở cuốn lịch chỉ còn vài trang mỏng trên bàn, chợt nhận ra một mùa trung thu nữa lại về. Mượn cái cớ tận hưởng ngày thu nắng đẹp, tôi cho phép mình gác lại mọi công việc dở dang để dành một ngày chơi Tết Trung thu.

Hương vị ký ức

Mọi năm, cứ vào dịp này, tôi vẫn thường quẩn quanh một mình mua sắm chút quà cho gia đình, bạn bè, vừa tranh thủ nhấm nháp chút không khí nhộn nhịp của những đèn, những hoa. Nhưng năm nay dường như chẳng còn muốn cô đơn, tôi rủ thêm vài người bạn đi cùng.

Thay vì tiến tới siêu thị, hội bạn cứ nhí nhố bảo rằng có phiên chợ quê, chắc chắn sẽ có bánh trung thu theo kiểu truyền thống, mang hương vị "độc lạ" mà tôi vẫn mê. 

Sở dĩ đám bạn nói vậy, bởi tôi sinh ra và lớn lên ở vùng núi xa xôi miền Tây Bắc. Chiếc bánh trung thu từ đồng bằng vận chuyển lên tới nơi cũng mất cả tháng trời. Chẳng thế mà khi phá cỗ, miếng bánh cắt ra có cái đã mốc xanh mốc đỏ, nếu không vỏ cũng khô cứng lại, nhân rời ra.

Với lũ trẻ khi đó, miếng bánh là món quà quá đặc biệt, dù đã hỏng vẫn vô tư ăn ngon lành. Phải chăng vì 16 năm ròng ăn bánh trung thu mốc trên đỉnh núi mà tôi đâm ra nghiện cái mùi cay cay, nồng nồng, khô cứng và nghèo nàn của chiếc bánh kiểu này.
Tết trung thu xưa nơi cực Tây Tổ Quốc ảnh 1

Đến khi rời núi về phố, tôi vẫn giữ thói quen mua bánh trước cả tháng rồi chờ đến ngày "phá cỗ", bánh đã cứng như đá mới mở ra ăn. Hương vị bùi bùi, cay cay như thuở nào hấp dẫn đến lạ.

Mấy đứa bạn thân làn đầu thấy vậy tỏ ý ghê lắm, lên án không thôi, bảo tôi có thói tự làm khổ mình, chưa kể chuyện mất vệ sinh, không đảm bảo sức khỏe. Sau này biết được thói quen này, mỗi mùa trung thu, hội bạn lại tìm cho tôi chiếc bánh nướng - bánh dẻo truyền thống, giữa hàng ngàn những hương vị hiện đại, mới lạ. Mọi người đều hiểu, đó là hương vị ký ức, không gì thay thế được.

Miền trung thu kỷ niệm

20 năm trước, bánh trung thu trên vùng núi cao nào có được bày bán ê hề như bây giờ. Thế nên, khoảng 1 tuần trước rằm tháng Tám tụi nhỏ mới lác đác thấy mặt ngang mũi dọc của chiếc bánh.

Muốn mua cũng không hề dễ. Bố mẹ phải tranh nhau xếp hàng ở cửa hàng bách hóa tổng hợp duy nhất trong vùng mới xí được 1 cặp bánh nướng - bánh dẻo truyền thống. Bánh khan hiếm đã đành, những chiếc đèn ông sao bằng giấy, thắp ngọn nến nho nhỏ ở giữa là cháy đen, cũng là "vàng" ngày đó,

Vào những năm 1990, cái đói cái nghèo bủa vây cả thị xã hơn 300 nóc nhà toàn người dưới xuôi di cư lên tìm kế sinh nhai. Nhà cửa vẹo vọ, méo mó xây cất tạm bợ, có khi ngay cạnh rãnh thoát nước dơ bẩn. Mỗi ngày, người lớn… vác cuốc ra cánh đồng trồng rau, trồng khoai, trồng lạc, đủ ăn là mừng lắm rồi.

Vì nghèo mà khi lên 9, nơi tôi từng được đi xa nhất là cái chợ cóc cách nhà vẻn vẹn 3 cây số. Đứa trẻ nào quê tôi cũng thích cái chợ này chỉ vì nó có bán thêm quần áo và đồ chơi đẹp. “Gần thế” mà 1 năm tôi chỉ được phép theo ra chợ 2 lần. 1 lần vào dịp Tết Nguyên đán và lần nữa vào Tết Trung thu.

Kỷ niệm về mùa trung thu trên bản làng xa xôi ấn tượng nhất cũng là năm lên 9 ấy. Đó là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng, tôi được tham gia rước đèn, vì cả bản chỉ có duy nhất 1 cái đèn đường len lét sáng ở góc chợ nên nhà trường đành đưa ra quy định: chỉ học sinh từ lớp 4 trở lên mới được tham gia rước đèn. Tới Tết Trung thu năm sau, cả bản đã chuyển đi nơi khác để nhường chỗ cho việc xây cất thủy điện.

Trước ngày rằm 1 ngày, vì chiều tôi mà mẹ phải muối mặt đi vay hàng xóm 20 ngàn mua cái đèn trung thu hoa sen có phát nhạc có giá 12 ngàn đồng. Bằng 2 ngày ăn cá khô của cả nhà 4 người. Bố tôi phải canh giờ về sớm cho kịp đưa tôi lên trường vui trung thu.

7 giờ tối đêm rằm, khi các lớp đã hàng dọc chỉnh tề, cô giáo phụ trách ra hiệu cho đội rước đèn ông sao cao 5 mét bắt đầu lên đường. Chúng tôi bé nhất được theo sau ngay, ngất ngây trong ánh sáng, trong nhịp trống và những lời ca quen thuộc.

Tết trung thu xưa nơi cực Tây Tổ Quốc ảnh 2

Đoàn rước về đến trường thì bắt đầu phá cỗ. Mâm cỗ nghèo chỉ gồm 2 quả bưởi, 2 gói bánh kẹo, 1 cặp bánh trung thu. Chiếc bánh chỉ có 1 vị duy nhất là thập cẩm đã gần hết hạn, nhưng trong bầu không khí ấy, vẫn thấy thật đủ đầy, trọn vẹn vô cùng.

Đi tìm mùa trung thu trọn vẹn

Lang thang tại phiên chợ, thưởng thức những chiếc bánh xinh xắn đủ vị, mua sắm đủ đầy quà cáp mà lòng tôi vấn trống rỗng kỳ lạ.

Dừng lại bên sạp bánh trông có vẻ cũ kĩ của hai mẹ con để hỏi có chiếc nào gần hết hạn rồi không, chị bảo giờ ai cũng thích thứ tươi mới nên bánh ở hội chợ toàn hàng mới làm thôi. Mà 3 năm tham gia chợ quê này, chị chưa thấy ai đi hỏi mua bánh sắp hết hạn bao giờ cả.

Tết trung thu xưa nơi cực Tây Tổ Quốc ảnh 3

Tôi chẹp miệng bỏ đi và tự buồn cho chính mình. Mùa trung thu này, tôi chẳng còn thiếu thứ gì, những những ngóng trông, háo hức đợi chờ rước đèn, đợi ăn bánh đã nhạt dần. Tụi nhỏ bây giờ đâu có còn nâng niu, gìn giữ mấy chiếc đèn ông sao, đâu còn thèm khát vị ngọt của bánh nướng - bánh dẻo như tôi khi xưa.

Để tìm sự đồng cảm, tôi gọi cho mẹ mình. Bà đang làm giáo viên ở vùng ấy. Thấy tôi gọi, bà xua đi trên điện thoại: “Gọi lại sau nhé, mẹ đang bận lắm. Lớp mẹ năm nay được rước đèn nên đang ngồi cắt dán cho chúng nó”.

"Lớp 1 bây giờ cũng được rước đèn rồi à mẹ?".

"Mày lạc hậu quá rồi con ạ. Rước cả 3-4 năm nay chả biết gì. Giờ đường rải nhựa, đèn đường sáng trưng, tội gì không đi".

"Thế có phải ăn bánh trung thu mốc nữa không?".

Mẹ tôi cười khà khà: “Bánh Kinh đô 1 đêm là lên tới nơi. Chỉ có mày mới ăn cái thứ mốc meo đó nữa thôi.” Rồi bà tắt máy cái rụp. Bỏ lại tôi chơ vơ bên đĩa bánh mốc năm nay.

Tin bài liên quan