Vi phạm gia tăng
Trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, mặc dù lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, nhưng số vụ vi phạm không có dấu hiệu thuyên giảm, khiến người tiêu dùng rất bất an.
Trong năm 2023, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, cả nước đã kiểm tra 71.910 vụ vận chuyển, buôn bán thực phẩm, qua đó phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022). Riêng lĩnh vực an toàn thực phẩm kiểm tra 8.306 vụ, xử lý 6.773 vụ. Hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về sở hữu trí tuệ và thực phẩm không bảo đảm chất lượng.
Thông tin từ cơ quan quản lý thị trường Hà Nội cho hay, thời gian qua, cơ quan này thu giữ nhiều thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chứa các chất cấm, chất bảo quản không có trong danh mục diễn ra ngày càng nghiêm trọng, với mức độ vi phạm tinh vi hơn trước.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm quá hạn, chứa nhiều vi sinh vật gây hại, có độc tố. Nhiều thực phẩm ô nhiễm nặng được tái chế để có vẻ ngoài tươi mới, thường không gây ngộ độc cấp tính, nhưng gây ảnh hưởng về lâu dài đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Thực phẩm bẩn là vấn đề nan giải đã nhiều năm, việc ngăn chặn không thể chỉ trông chờ vào một cơ quan chức năng hay ban, ngành, đoàn thể nào. Để giải quyết, cần có sự kết hợp giữa cơ quan quản lý, người sản xuất và người tiêu dùng thì vấn nạn này mới có thể đẩy lùi.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam, năm 2023, đơn vị này đã phối hợp kiểm tra trên 200 vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm, số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên đến cả trăm triệu đồng. Điển hình, mới đây, ngày 22/12/2023, Cục Quản lý thị trường Hà Nam phối hợp kiểm tra hộ kinh doanh do bà Hoàng Thị T. làm chủ, có địa chỉ tại xóm 3, xã Nhật Tựu, huyện Kim Bảng. Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và lập biên bản tạm giữ gần 2,5 tấn nông sản là măng củ, măng lá... được chủ cơ sở này đựng trong thùng phi, chất đống trong kho và trên sân, không có biện pháp bảo quản, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều thùng phi chứa măng đã bốc mùi, hôi chua nồng nặc.
Qua kiểm tra, chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng hóa trên.
Tại Đồng Nai, trong năm 2023, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 510 cơ sở với tổng số tiền phạt vi phạm gần 4,7 tỷ đồng; tịch thu, tiêu hủy hơn 5,1 tấn sản phẩm động vật vi phạm, hơn 14.000 sản phẩm hàng hoá.
Những vụ việc kể trên chỉ là một vài trong số rất nhiều vụ việc kiểm tra, phát hiện về thực phẩm mà lực lượng quản lý thị trường cả nước phối hợp kiểm tra, xử lý trong năm 2023. Điều này rất đáng báo động, bởi vi phạm về an toàn thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng.
Chung tay ngăn chặn thực phẩm bẩn
Trao đổi các giải pháp góp phần ngăn chặn việc sản xuất, lưu thông thực phẩm bẩn, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, để công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thực sự đem lại hiệu quả, thì các cấp, ngành, đặc biệt là cấp huyện, xã cần phải nâng cao vai trò, trách nhiệm về đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý; phát huy hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền với các đoàn thể trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, huy động cả cộng đồng cùng tham gia giám sát, phát hiện, tố cáo các cơ sở, tổ chức, cá nhân vi phạm, sản xuất thực phẩm bẩn.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã nhấn mạnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng thực phẩm; kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Theo đó, từ ngày 20/12/2023 đến 15/3/2024, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm tổ chức 5 đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị… có các mặt hàng thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết Giáp Thìn và các lễ hội. Các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tiến hành tại 10 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Ninh Bình, TP.HCM, Bình Dương, Kon Tum, Gia Lai, Thái Nguyên, Bắc Kạn.
Thiết nghĩ, thực phẩm bẩn là vấn nạn diễn ra quanh năm, không chỉ trong dịp Tết, do đó, các cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh hơn trong việc xử lý nhằm răn đe, ngăn chặn tình trạng thực phẩm bẩn bán ra thị trường. Khi phát hiện vi phạm về thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, các cơ quan chức năng phải xử phạt thật nặng như thu hồi giấy phép, cấm hoạt động vĩnh viễn cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm, thậm chí có thể khởi tố hình sự.
Cùng với đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của những người sản xuất, buôn bán thực phẩm. Đây là điều rất quan trọng, bởi người tiêu dùng không thể phân biệt tất cả các loại nhãn hàng, mà cần đến lương tri của những người bán.