Tesla và cổ phiếu ngân hàng đưa phố Wall lên đỉnh mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall kéo dài đà hưng phấn trong phiên thứ Hai đầu tuần (12/7) trong bối cảnh cổ phiếu ngân hàng tăng cao khi các nhà đầu tư bắt đầu đón sóng mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II.
Tesla và cổ phiếu ngân hàng đưa phố Wall lên đỉnh mới

Khởi đầu tuần mới, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục lập đỉnh kỷ lục. Lĩnh vực ngân hàng của S&P 500 tăng 1,3% trước thềm công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II từ các ngân hàng lớn, bao gồm Goldman Sachs và JPMorgan vào thứ Ba tuần này. JPMorgan Chase tăng hơn 1% và Goldman Sachs tăng hơn 2%, thúc đẩy đà tăng của Dow Jones.

Các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ các báo cáo kết quả kinh doanh quý II để có manh mối sớm về tốc độ phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Theo dữ liệu từ Refinitiv, thu nhập trên mỗi cổ phiếu của các công ty thuộc S&P 500 trong quý II dự kiến ​​sẽ tăng 66% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Tesla tăng hơn 4% và là cái tên đóng góp nhiều nhất vào mức tăng của S&P 500 và Nasdaq Composite trong bối cảnh Elon Musk phải hầu toà vì bị cáo buộc “mua hớ” trong thương vụ thâu tóm SolarCity vào năm 2016.

Năm 2016, Elon Musk cầm trong tay hai mảng kinh doanh không ra tiền là Tesla và SolarCity Corp. Tỷ phú gốc Nam Phi quyết định “cắt lỗ” bằng cách đóng bớt một công ty để hợp nhất làm một. Elon Musk được triệu tập tới tòa để làm rõ thương vụ thâu tóm trị giá 2,1 tỷ USD ngày đó.

Một vài quỹ hưu trí đầu tư vào cổ phiếu Tesla cho rằng có một sự mờ ám ở đây khi thâu tóm một công ty năng lượng mặt trời “sân sau” mà đã không còn khả năng sinh lời. SolarCity được sáng lập bởi hai anh em họ của Elon Musk là Lyndon Rive và Peter Rive.

Hầu toà hôm thứ Hai, Tỷ phú Elon Musk khẳng định, ông không có áp lực kiểm soát nào đối với thương vụ trên, không có việc che mắt cổ đông và thao túng bất cứ điều gì. Musk cũng nói thêm, ông không hứng thú với vai trò điều hành Tesla nhưng ông đã buộc phải đảm nhiệm cương vị này để cứu công ty.

Tiêu điểm trong tuần này cũng sẽ là một loạt các báo cáo kinh tế, bao gồm dữ liệu lạm phát và doanh số bán lẻ của Mỹ. Đồng thời, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell sẽ xuất hiện trước Quốc hội vào thứ Tư và thứ Năm để điều trần về vấn đề lạm phát.

Mối lo ngại về lạm phát tăng cao và sự lây lan của biến thể Delta gây ra Covid-19 len lỏi trên thị trường trong vài phiên qua. Các nhà đầu tư đang phân vân giữa cổ phiếu có giá trị liên kết với nền kinh tế và những cái tên tăng trưởng nặng về công nghệ.

Kết thúc phiên 12/7, chỉ số Dow Jones tăng 126,02 điểm (+0,36%), lên 34.996,18 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 15,08 điểm (+0,35%), lên 4.384,63 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 31,32 điểm (+0,21%), lên 14.733,24 điểm.

Chứng khoán châu Âu kéo dài đà tăng sang phiên ngày thứ hai khi cổ phiêu trên hầu hết các lĩnh vực đều được giao dịch tích cực, song lo ngại về tốc độ phục hồi kinh tế đã khiến cổ phiếu các ngành phòng thủ tăng tốt nhất trong khi cổ phiếu du lịch sụt giảm trước sự lây lan mạnh mẽ của biến thể Delta.

Kết thúc phiên 12/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 3,54 điểm (+0,05%), lên 7.125,42 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 102,58 điểm (+0,65%), lên 15.790,51. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 29,83 điểm (+0,46%), lên 6.559,25 điểm.

Các thị trường chứng khoán châu Á lớn đều tăng điểm, nhờ ảnh hưởng tích cực từ phiên cuối tuần qua tại phố Wall và Trung Quốc thông báo nới lỏng chính sách, giúp xoa dịu một số lo ngại gần đây về tăng trưởng toàn cầu.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc ngày 9/7 thông báo hạ 50 điểm cơ bản tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng, có hiệu lực từ tháng 7.

Hai chuyên gia phân tích tại ANZ cho rằng, việc Trung Quốc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng "gần như tương đương với việc nới lỏng trên diện rộng", bởi động thái này sẽ "giải phóng" khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 154 tỷ USD) ở các quỹ.

Kết thúc phiên 12/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 628,60 điểm (+2,25%), lên 28.569,02 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 23,75 điểm (+0,67%), lên 3.547,84 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 170,70 điểm (+0,62%), lên 27.515,24 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 28,52 điểm (+0,89%), lên 3.246,47 điểm.

Giá vàng phiên ngày thứ Hai giảm nhẹ sau một phiên giao dịch ảm đạm khi các nhà đầu tư kim loại quý thận trọng chờ đợi động lực mới tác động lên thị trường, đặc biệt là dữ liệu lạm phát sẽ được công bố vào rạng sáng ngày 14/7.

Kết thúc phiên 12/7, giá vàng giao ngay giảm 1,40 USD (-0,08%), xuống 1.806,50 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 4,70 USD (-0,26%), xuống 1.805,90 USD/ounce.

Giá dầu sụt giảm trong phiên ngày thứ Hai khi thị trường tỏ ra lo ngại về sự lây lan cảu các biến thể Covid-19 có thể làm “trật bánh” đà phục hồi kinh tế toàn cầu sau khi nhu cầu nhiên liệu đã được đẩy gần lên mức trước đại dịch.

Tokyo đã tái áp dụng các hạn chế liên quan đến đại dịch, chưa đầy hai tuần trước khi thành phố đăng cai Thế vận hội Olympic mùa hè.

Cuối tuần qua, một qua chức của G20 cho biết, sự lan rộng của các biến thể mới và khả năng tiếp cận vắc-xin không bình đẳng đang đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Bình luận trên đã ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu dầu.

Kết thúc phiên 12/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,46 USD (-0,6%), xuống 74,10 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,39 USD (-0,5%), xuống 75,16 USD/thùng.

Tin bài liên quan