Lấn sân lĩnh vực mới
Mới đây, TDG Global công bố quyết định đầu tư 805.000 USD (tương đương 19 tỷ đồng) để thực hiện dự án nuôi bò tại Lào. Toàn bộ nguồn vốn được sử dụng cho dự án này là từ vốn chủ sở hữu. Công ty dự kiến dùng vốn để xây dựng công trình, kho bãi, mua xe sản xuất, dụng cụ kỹ thuật…
Trước đó, TDG Global đã ký kết biên bản ghi nhớ với tỉnh Savannkhet, Lào về việc thực hiện dự án chăn nuôi bò chất lượng cao gắn với làm nông nghiệp trên diện tích 150 ha thuộc huyện Sepon. Mục tiêu của dự án là đạt sản lượng bò chất lượng cao từ 8.000 - 10.000 con xuất khẩu hàng năm. Bên cạnh đó, TDG Global sẽ triển khai phát triển du lịch sinh thái trên dòng sông Sepon, với tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.
Ngay sau quyết định đem vốn sang Lào đầu tư, TDG Global thông báo quyết định sẽ góp vốn thành lập Công ty cổ phần Power Trade tại tỉnh Lạng Sơn, số vốn góp là 60 tỷ đồng, tương ứng sở hữu 20% vốn điều lệ.
Tại Lạng Sơn, TDG Global đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Cụm công nghiệp Bắc Sơn 2, huyện Bắc Sơn vào tháng 4/2023. Dự án có tổng diện tích 25 ha, tổng vốn đầu tư gần 286 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ vốn chủ sở hữu 100 tỷ đồng (tương đương 34,98%) và vốn huy động 185,9 tỷ đồng (tương đương 65,02%).
TDG Global tiền thân là Công ty cổ phần Dầu khí Thái Dương, thành lập năm 2005, kinh doanh khí hoá lỏng (LPG) với sản phẩm chính cung cấp ra thị trường là Gas Thái Dương. Bên cạnh đó, Công ty nhập khẩu sắt thép để gia công tạo vỏ bình.
Theo TDG Global, Gas Thái Dương là sản phẩm khí đốt hoá lỏng chủ đạo của tỉnh Bắc Giang, sản lượng sản phẩm của Công ty chiếm đến 80% tổng lượng gas được tiêu thụ trên địa bàn. Tại Bắc Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Gas Thái Dương chiếm thị phần từ 10 - 20%. Với việc dốc toàn lực cho kinh doanh LPG kể từ ngày thành lập, cơ cấu doanh thu hàng năm chủ yếu đến từ sản phẩm Gas Thái Dương (trên 99%).
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, TDG Global liên tục mở rộng hoạt động theo hướng đa ngành, mà theo ban lãnh đạo doanh nghiệp là nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững. Cụ thể, cuối năm 2019, Công ty bắt đầu kinh doanh các loại thép xây dựng và xuất khẩu một số loại nông sản (chuối, thanh long). Trong hai năm đầu lấn sân sang lĩnh vực mới, TDG Global phát sinh nhiều khoản chi phí, nên dù doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận suy giảm so với các năm trước đó.
Đến năm 2021, TDG Global mở rộng thêm nhiều ngành nghề như bất động sản khu công nghiệp, sản xuất - kinh doanh năng lượng điện tái tạo, chăn nuôi hỗn hợp, trồng rừng và đổi tên như hiện nay. Trong giai đoạn 2021 - 2022, kết quả kinh doanh của TDG Global có sự khởi sắc vượt bậc so với hai năm liền trước.
Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2023, TDG Global ghi nhận doanh thu 739,7 tỷ đồng, giảm 6,3%; lợi nhuận vỏn vẹn 2,6 tỷ đồng, giảm 74,2% so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu do chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao. So với kế hoạch cả năm, Công ty mới hoàn thành hơn một nửa chỉ tiêu doanh thu và xấp xỉ 21% chỉ tiêu lợi nhuận.
"Khát" vốn đầu tư
TDG Global cần vốn để triển khai các dự án, phương án phát hành cổ phiếu ra công chúng không khả thi nên chuyển sang phát hành riêng lẻ từ cuối tháng 7, nhưng hiện chưa có kết quả.
Kể từ ngày hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, TDG Global đã tiến hành tăng vốn 8 lần, từ mức 2 tỷ đồng ban đầu. Lần tăng vốn mới đây nhất là phát hành 922.341 cổ phiếu ESOP vào tháng 12/2023, nâng vốn điều lệ lên 193,7 tỷ đồng.
Trước đó, cuối tháng 7/2023, TDG Global thông qua phương án chào bán hơn 6,45 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, cao gấp đôi thị giá cổ phiếu TDG trên sàn chứng khoán khi đó. Tổng số tiền thu được từ đợt chào bán dự kiến là 64,56 tỷ đồng, Công ty sẽ dùng toàn bộ vốn để đầu tư dự án Cụm công nghiệp Bắc Sơn 2. Theo thông báo, có 4 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua cổ phiếu của TDG.
Thực tế, đây là phương án thay thế cho phương án chào bán 16,77 triệu cổ phiếu ra công chúng nhằm huy động 167,7 tỷ đồng mà TDG Global hủy bỏ tại đại hội cổ đông tổ chức tháng 6/2023. Lý do là điều thị trường chứng khoán không thuận lợi và thị giá cổ phiếu TDG ở mức thấp, không khả thi để phát hành ra công chúng theo mức giá tối thiểu 10.000 đồng/cổ phiếu đã được đại hội thông qua.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, Công ty chưa công bố thông tin mới về kế hoạch phát hành hơn 6,45 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu TDG đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/12/2023 ở mức 3.710 đồng/cổ phiếu, giảm 27% so với cuối tháng 7 và thấp hơn 63% so với mức giá mà Công ty muốn bán.
Hiện TDG Global đang cần vốn để triển khai các dự án, nhất là Cụm công nghiệp Bắc Sơn 2, dự án được Ban lãnh đạo TDG Global kỳ vọng khi đi vào hoạt động sẽ sớm đạt tỷ lệ lấp đầy 100%, góp phần tạo ra cơ sở hạ tầng thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh và mang về nguồn lợi nhuận lớn.
Bên cạnh dự án này, TDG Global cho biết, Công ty sẽ lập báo cáo đầu tư dự án Hạ tầng Cụm công nghiệp Bắc Sơn 1, với tổng mức đầu tư dự kiến 250 tỷ đồng.
Ở mảng kinh doanh cốt lõi là LPG, dù chiếm thị phần áp đảo trên thị trường chính là Bắc Giang, nhưng Gas Thái Dương đang bị cạnh tranh bởi các thương hiệu khác như Petrolimex, Petro Vietnam Gas, Thăng Long Gas…
Với mảng thép thương mại, ngành thép gặp nhiều thách thức từ nửa cuối năm 2022 khi giá nguyên vật liệu sản xuất tăng cao, trong khi nhu cầu thép sụt giảm, khiến một loạt doanh nghiệp thua lỗ. Tình hình kém khả quan kéo dài trong năm 2023, với gần 20 đợt giảm giá thép, trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa “rã đông” và thép trong nước còn phải cạnh tranh với thép giá rẻ đến từ Trung Quốc.
Thời gian gần đây, thép “nhúc nhích” tăng giá, nhưng nhu cầu thấp vẫn là rào cản tăng trưởng trở lại của ngành, bởi tốc độ hồi phục trên thị trường bất động sản được dự báo còn chậm trong nửa đầu năm 2024.
Về việc phát triển chăn nuôi bò tại Lào, đây là dự án nằm trong chiến lược trung và dài hạn của doanh nghiệp, hiện đang trong giai đoạn đầu triển khai, cần thời gian để chứng minh tính hiệu quả.