Ông Trần Như Tùng

Ông Trần Như Tùng

TCM: Dự kiến lợi nhuận sẽ tăng khoảng 25%/năm từ 2014

(ĐTCK) Nếu Hiệp định TPP được thông qua vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2014, có hiệu lực vào đầu năm 2015 sẽ tác động rõ rệt đến tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của TCM.

Cổ phiếu TCM của CTCP Dệt may Thành Công không chỉ là cổ phiếu có mức tăng giá cao thứ hai từ đầu năm đến nay, mà còn là cổ phiếu có thanh khoản tốt, với gần 700.000 đơn vị được giao dịch mỗi phiên. Kết quả này không chỉ dựa trên cơ sở kết quả kinh doanh khởi sắc và triển vọng trong dài hạn, mà còn có sự góp sức quan trọng của công tác IR (quan hệ NĐT) mà TCM đã thực hiện rất tốt trong thời gian qua. ĐTCK đã trao đổi với ông Trần Như Tùng, Thành viên HĐQT TCM, phụ trách công tác IR về kinh nghiệm làm IR của Công ty.

Thưa ông, thời gian qua, công tác IR được TCM tổ chức thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả, thu hút sự quan tâm của NĐT đối với cổ phiếu TCM?

TCM là một trong những công ty dệt may hàng đầu Việt Nam niêm yết từ năm 2007. Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh hiệu quả thì Ban lãnh đạo Công ty luôn nhận thức rằng, IR đóng vai trò quan trọng nhằm duy trì tốt mối quan hệ, tạo niềm tin về sự minh bạch, nâng cao vị thế và hình ảnh Công ty trên TTCK.

Công ty đã thành lập bộ phận chuyên trách IR thực hiện trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp và cổ đông, NĐT. Gần đây, lãnh đạo cấp cao của TCM cũng trực tiếp gặp gỡ và trao đổi thông tin với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu thông tin về Công ty, đặc biệt là thông tin liên quan đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bên cạnh đó, Công ty cũng chú trọng đến việc công bố và cập nhật thông tin về hoạt động sản xuất - kinh doanh thường kỳ để cổ đông, NĐT có thể nắm bắt thông tin chính xác nhất.

 

Ông có nhận thấy lợi ích rõ rệt mà công tác IR mang lại?

Trong thời gian qua, khi chú trọng đẩy mạnh hoạt động IR, Công ty rất vui mừng được đón nhận sự quan tâm của các cổ đông, NĐT, nhất là các tổ chức đầu tư đã thực hiện một số báo cáo phân tích cổ phiếu TCM và đưa ra các khuyến nghị khiến nhà đầu tư giao dịch và quan tâm cổ phiếu TCM nhiều hơn. Thanh khoản của cổ phiếu TCM khá tốt, kể cả khi TCM đã tăng giá gấp đôi, nhưng không vì thế mà TCM thành cổ phiếu “nguội”.  NĐT hiểu và kỳ vọng vào triển vọng dài hạn của Công ty, chứ không chỉ nhìn vào cơ hội đầu tư ngắn hạn nhờ sự khởi sắc sau một chu kỳ kinh doanh thua lỗ trước đó.

Giới truyền thông cũng rất quan tâm đến Công ty khi truyền thông về TPP, qua đó, thương hiệu Thành Công gián tiếp được quảng bá nhiều hơn. Điều đó cho thấy, song song với việc nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, hoạt động IR cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao vị thế và hình ảnh của TCM với đối tác và góp phần trong việc mang lại lợi ích cho cổ đông.

 

Nhà đầu tư có thể kỳ vọng gì vào triển vọng của Công ty để tiếp tục nắm giữ TCM với mức giá hiện nay, thưa ông?

9 tháng đầu năm, TCM đã đạt khoảng 102%  kế hoạch lợi nhuận cả năm. Doanh thu cũng như lợi nhuận trong những tháng cuối năm rất khả quan do các đơn hàng đã đầy.

Về dài hạn, TCM có quy trình sản xuất khép kín từ công đoạn sợi, dệt, đan, nhuộm và may sẽ được hưởng nhiều lợi thế từ TPP khi thuế giảm từ khoảng 17% xuống còn 0%, mức thuế cạnh tranh hơn so các đối thủ từ Trung Quốc là nước không tham gia TPP, nhất là trong đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Dự kiến, năm 2014 và những năm tới, doanh thu và lợi nhuận của TCM tăng bình quân khoảng 25%.

Chúng tôi đã nâng cao năng lực cạnh tranh để hưởng lợi từ TPP bằng việc xây dựng Trung tâm Nghiên cứu phát triển, để đưa ra những sản phẩm mới, hợp tác với Viện Thanh kiểm tra dệt may Hàn Quốc (KOTITI) và công ty sản xuất dệt may lớn nhất Hàn Quốc Hyosung để phát triển sản phẩm mới cho khách hàng thị trường Mỹ và Nhật cũng như châu Âu.

Chúng tôi đã và đang đầu tư máy móc thiết bị mới nhằm nâng cao năng suất, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất đầu tư và đã đưa vào sử dụng nhà máy đan kim mới tại Hóc Môn, TP. HCM. Bên cạnh đó, Công ty cũng sẽ mở rộng quy mô sản xuất thông qua việc xây dựng nhà máy mới và chiến lược mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A).

Về quản lý, Công ty đã và đang triển khai, hoàn tất hệ thống ERP phục vụ cho sản xuất từ sợi, dệt, đan, nhuộm và may… nhằm kiểm soát tốt chi phí sản xuất, chất lượng sản phẩm cũng như thời gian giao hàng đúng hạn.

Kỳ vọng Hiệp định TPP được thông qua vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2014, có hiệu lực vào đầu năm 2015 sẽ tác động rõ rệt đến tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Công ty.