TCM đã trở thành than hồng?

TCM đã trở thành than hồng?

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Giá cổ phiếu TCM của Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công tăng gấp đôi trong hơn 1 tháng qua.

Cổ đông lớn liên tục mua vào

Một trong những cổ đông lớn của TCM là ông Nguyễn Văn Nghĩa liên tục mua vào cổ phiếu kể từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 12.

Cụ thể, ngày 29/9, ông Nghĩa mua 811.520 cổ phiếu, ngày 13/10 mua 492.060 cổ phiếu và ngày 1/12 mua thêm 472.000 cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu từ 10,9% lên 11,66% vốn điều lệ TCM. Ông Nghĩa hiện là cổ đông lớn thứ hai tại TCM sau E-land Asia Holdings Pte., Ltd Singapore nắm giữ 40,49%.

Thời điểm ông Nghĩa bắt đầu mua thêm cổ phiếu TCM, mức giá là 22.400 đồng/cổ phiếu, nhưng đà tăng mạnh chủ yếu diễn ra từ đầu tháng 11. Tính đến ngày 17/12, giá cổ phiếu này đạt 52.000 đồng/cổ phiếu.

Trong khi ông Nghĩa mua thêm cổ phiếu thì bà Phan Thị Huệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị TCM đăng ký bán ra, tuy nhiên, số lượng không nhiều, lần lượt là 8.000 cổ phiếu và 10.000 cổ phiếu. Ngày 1/12, bà Huệ đã bán thành công, giảm số lượng nắm giữ xuống 21.453 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 0,03%.

Kết quả kinh doanh khả quan

TCM có vốn điều lệ 661 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9, Công ty có tổng tài sản 2.935 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 1.563 tỷ đồng, nợ phải trả 1.372 tỷ đồng.

Là doanh nghiệp trong ngành dệt may, TCM cũng chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu khi hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp trong năm nay bị chững lại. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, từ đầu năm, hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may chìm trong khó khăn.

Mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD năm 2020 của ngành khó có thể đạt được khi nhu cầu tại nhiều thị trường nhập khẩu truyền thống giảm mạnh, có mặt hàng giảm 80 - 90%.

Trong khi đó, cơ cấu thị trường xuất khẩu năm nay của TCM dự kiến là 30% vào thị trường Mỹ, 24% vào thị trường Hàn Quốc và 15% vào thị trường Nhật Bản. Cả ba thị trường này đều chịu tác động mạnh mẽ bởi Covid-19, đặc biệt là Mỹ.

Giữa khó khăn ấy, TCM tập trung vào thị trường trong nước, đồng thời chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn và đồ bảo hộ y tế.

Nhờ đó, kết quả kinh doanh tính đến hết tháng 11 của TCM vẫn khả quan, doanh thu đạt 12,6 triệu USD, tương đương 291 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 1,17 triệu USD, tương đương 27 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, Công ty thực hiện được 84% kế hoạch doanh thu và vượt 24% kế hoạch lợi nhuận năm 2020.

TCM dự kiến cả năm 2020 sẽ đạt 3.780 tỷ đồng doanh thu, tăng 4% và 188 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 13% so với năm 2019.

Cẩn trọng rủi ro

Ngoài yếu tố cổ đông lớn mua vào, kết quả kinh doanh khả quan, động lực tăng giá của cổ phiếu TCM còn đến từ không ít báo cáo phân tích của khối công ty chứng khoán với khuyến nghị mua liên tục xuất hiện trong vài tháng trở lại đây.

Giá tăng cao, nhưng cổ phiếu TCM vẫn thu hút nhà đầu tư khi có 7 phiên liên tiếp tăng giá tính đến ngày 17/12.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, TCM có nhiều yếu tố tích cực như doanh nghiệp chủ động trong việc thích nghi với dịch bệnh khi tất cả dây chuyền may chuyển sang sản xuất khẩu trang để duy trì khối lượng công việc và doanh thu.

Ở thời điểm hiện tại, khi thị trường xuất khẩu dệt may chuyển biến tốt hơn, TCM tập trung phục vụ thị trường xuất khẩu trở lại.

Ngành dệt may Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đơn hàng xuất khẩu.

Bên cạnh các thị trường chủ lực, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU mở ra triển vọng tích cực cho các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu vào EU, nhất là khi thị trường này có vắc-xin phòng ngừa Covid-19, tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, nhu cầu hàng dệt may hồi phục.

Mặc dù vậy, kinh tế toàn cầu vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nên nhu cầu mua sắm hàng dệt may giai đoạn cuối năm có thể không “nóng”. Do đó, quý IV năm nay nhiều khả năng không phải là quý “hái ra tiền” của các doanh nghiệp dệt may như mọi năm.

Ông Minh nhận xét, nhà đầu tư đổ tiền vào cổ phiếu cơ bản có thông tin tốt như TCM, giúp giá tăng cao là điều dễ hiểu, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán có diễn biến tích cực.

Trên thị trường, nhiều nhà đầu tư vẫn sẵn sàng rót tiền vào nhóm cổ phiếu có mặt bằng giá cao nhưng có đà tăng trưởng. Với những cổ phiếu có thị giá ở mức vừa phải nhưng không có sóng tăng, nhà đầu tư cũng không mặn mà.

Về cơ hội và rủi ro khi mua cổ phiếu đã thiết lập vùng giá cao, ông Minh cho rằng, trên thị trường chứng khoán, đầu tư có thắng, có thua là chuyện bình thường. Giá tiếp tục tăng hay điều chỉnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố khó đoán định như tâm lý nhà đầu tư.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý, mặt bằng giá được xác lập ở một ngưỡng cao thì cổ phiếu tất yếu sẽ có áp lực điều chỉnh giá.

Một rủi ro trong dài hạn, theo Công ty Chứng khoán Mirea Asset, là ngành dệt may Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đơn hàng xuất khẩu. Với TCM, doanh thu xuất khẩu chiếm 85% tổng doanh thu, nên biến động từ nhu cầu tiêu dùng trên thế giới ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Số liệu từ Bloomberg cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở các thị trường tiêu thụ lớn như châu Âu, Mỹ đều tăng mạnh do dịch Covid-19.

Nguồn thu nhập và sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng thúc đẩy khuynh hướng thu hẹp nhu cầu mua sắm các mặt hàng không thiết yếu và tập trung vào mặt hàng thiết yếu, đồng thời đẩy mạnh tiết kiệm tài chính.

Tin bài liên quan