Fed sẽ giảm lãi suất, kinh tế Việt Nam đã qua đáy
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 1/5 đã giữ nguyên lãi suất cơ bản, đồng thời phát tín hiệu rằng động thái chính sách tiếp theo nhiều khả năng sẽ là giảm lãi suất và khó có chuyện Fed tăng lãi suất thêm lần nữa dù tiến trình giảm lạm phát đang chững lại.
Khi nào Fed sẽ giảm lãi suất là câu hỏi tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. Tại hội thảo với chủ đề “Thời điểm vàng 2024” do TCAM tổ chức cuối tuần qua, ông Hải cho biết, gần đây, câu chuyện tỷ giá VND/USD đang nóng, có lúc trên thị trường tự do lên mốc 26.000, thậm chí trên thị trường crypto, USDT - đồng tiền mã hóa neo giá với đồng Đô la Mỹ - có lúc trên 26.000.
“Nếu lãi suất Mỹ vẫn cao thì không phải thời điểm vàng để đầu tư mà nên đi mua vàng thì tốt hơn. Nhưng tôi không cho rằng, lãi suất Mỹ không thể tiếp tục giữ ở mức này”, ông chia sẻ.
Có 2 cơ sở chính cho việc lãi suất Mỹ phải giảm. Đầu tiên, cơ quan quyết định lãi suất là Fed sử dụng 2 dữ liệu chính để ra quyết định là lạm phát và số liệu kinh tế (trong đó có số liệu việc làm). Về lạm phát, dù 3 tháng gần đây có tăng nhưng nếu tính trong 1 năm thì lại ghi nhận mức giảm khá mạnh, từ 7% về 3%.
"Không rõ mục tiêu bao nhiêu thì Fed giảm lãi suất, nhưng có lẽ là dưới 3%. Đối với số liệu kinh tế Mỹ quý I vừa qua chỉ tăng trưởng 1%, thấp hơn so với quý trước và là tín hiệu đầu tiên cho thấy kinh tế Mỹ hạ nhiệt, giảm tốc; còn số liệu việc làm cũng giảm so với kỳ vọng, điều này cho thấy người đi tìm việc đã khó khăn hơn", ông Hải nói thêm.
Với Việt Nam, ông Hồ Quốc Bình, Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư TCAM cho rằng, kinh tế Việt Nam đã qua đáy, còn với thị trường chứng khoán thì đây là thời điểm vàng, thuận lợi để giải ngân đầu tư cho 3-5 năm tới. Cơ hội đầu tư ở giai đoạn này đang rất đa dạng, sẽ đáp ứng được nhiều khẩu vị đầu tư.
Ngoại trừ giai đoạn Covid, tốc độ tăng trưởng GDP đã chạm đáy quý I/2023 và đang tăng trưởng tốt trở lại. Theo kế hoạch của Chính phủ và nhiều tổ chức quốc tế uy tín dự báo, GDP Việt nam có thể tăng trưởng 6 - 6,5% năm 2024.
Động lực tăng trưởng đến từ xuất nhập khẩu phục hồi, xuất khẩu tăng trưởng dương trở lại trong vài tháng gần đây, Việt Nam cũng đang trong giai đoạn xuất siêu lớn nhất trong lịch sử.
Trụ cột thứ 2 của nền kinh tế là thu hút vốn FDI vẫn khả quan. Dù bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy giảm 2 năm gần đây, nhưng điểm sáng là tốc độ giải ngân FDI của Việt Nam vẫn tốt, sẽ dẫn dắt kinh tế phục hồi thời gian tới.
Bên cạnh đó, sức cầu cũng đang hồi phục tốt, đặc biệt là du lịch đang cho thấy con số khách nội địa gia tăng theo tháng và khách quốc tế cũng quay lại Việt Nam như trước dịch covid.
Đặc biệt là đầu tư công, năm 2023, giải ngân đầu tư công kỷ lục hơn 625 nghìn tỷ đồng, năm 2024 tiếp tục được đẩy mạnh. Thông tin về các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc Nam phía Đông, sân bay Long Thành, Vành Đai 3… đang rất tốc lực đẩy nhanh thi công.
“Tất cả các yếu tố này vẫn đang hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế bước vào chu kỳ mới”, ông Bình nhìn nhận.
VN-Index tương lai có thể thấy các mốc 1.800, 2000 điểm
Hiện chỉ số VN-Index ở quanh vùng 1.200 điểm, giảm khoảng 20% so với đỉnh 1.500 điểm, diễn biến này rất khác biệt với các thị trường trên thế giới, như thị trường Mỹ đang vượt đỉnh mọi thời đại.
Mốc 1.200 điểm của VN-Index cũng khác biệt so với trong quá khứ. Định giá P/E hiện nay khoảng 13,7 lần (bình quân khoảng 15 lần), phản ánh những khó khăn của nền kinh tế kéo dài từ 2023, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết thấp. Ở giai đoạn hiện tại, kinh tế phục hồi, doanh nghiệp có tiềm năng cải thiện lợi nhuận thì tiềm năng tăng trưởng của thị trường ở vùng định giá thấp (do trên nền lợi nhuận thấp) là lớn. Nhìn định giá PB cũng đang thấp, vùng cận dưới lịch sử, 1,69 lần, nên có thể quay về mức bình quân trên 2 lần.
Ông Bình cho rằng, năm 2023 tương đối khó khăn, lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn chỉ tăng trưởng tầm 5%, nhưng năm 2024 dự báo có thể tăng trưởng 15 - 20% (trên nền thấp 2023). Thực tế, quý IV/2023 đã quay lại tăng trưởng dương tích cực.
Hiện nay, Việt Nam là quốc gia có tỷ trọng tiền gửi tiết kiệm/GDP cao nhất trong khu vực, hơn 60%. Trong xu hướng toàn cầu, để phát triển kinh tế thì mặt bằng lãi suất cần giảm xuống. Trước đó, giai đoạn 2011-2013 lãi suất là hơn 11%, năm 2018 là quanh 7%, và TCAM dự báo sắp tới, lãi suất tiền gửi duy trì 4,5 - 5%.
Với tỷ lệ tiền gửi lớn trong khi lãi suất có xu hướng giảm thì người dân sẽ tìm kiếm kênh đầu tư khác, dòng tiền lớn đổ vào các kênh tài sản như bất động sản, vàng, chứng khoán…
Con số rõ nét cho thấy, lượng tài khoản chứng khoán mở mới giai đoạn 2021-2024 gấp đôi con số luỹ kế 20 năm trước. Vốn hóa thị trường chứng khoán/GDP từ mức quanh 20% lên 60%. Thanh khoản từ 1.000 tỷ đồng giai đoạn 2015-2016 lên 4.000 tỷ đồng năm 2019, còn trung bình 3 năm gần nhất trên 15.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, số dư tiền gửi nhà đầu tư tại các CTCK hơn 104.000 tỷ đồng, xấp xỉ thời điểm thị trường thiết lập đỉnh 1.500 điểm.
Đối với dòng vốn ngoại, hiện khối này đang bán ròng liên tục, nguyên nhân lớn nhất là việc Fed duy trì lãi suất cao, kích thích dòng vốn quỹ đầu tư rút từ các thị trường cận biên về thị trường Mỹ để vừa hưởng lãi suất cao, vừa tránh được rủi ro tỷ giá.
Nhưng chuyên gia TCAM cho rằng, điều này sẽ không còn kéo dài quá lâu nữa, vì Fed đã có kế hoạch cắt giảm lãi suất trong năm nay. Và nội tại, điểm sáng lớn nhất để thu hút vốn nước ngoài lớn vào thị trường Việt Nam là triển vọng nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.
Ông Bình cho biết, dự báo FTSE sẽ nâng hạng cho thị trường Việt Nam vào tháng 9/2025, kéo theo việc thu hút 1,5 tỷ USD đến 2026.
Về cơ hội đầu tư giai đoạn 2024-2025, theo ông Bình, nhà đầu tư có thể tìm cơ hội ở nhóm cổ phiếu dẫn dắt (lớn nhất là ngân hàng). Sức khoẻ nội tại của các ngân hàng đã tốt hơn nhiều trong quá khứ, tiềm năng tăng trưởng khả quan và cũng đang có vai trò dẫn dắt thị trường từ đầu năm đến nay.
Nhóm cổ phiếu tiếp theo là nhóm hưởng lợi từ xu hướng phục hồi như xuất nhập khẩu, bán lẻ, vật liệu xây dựng.
Thứ ba là nhóm ngành hưởng lợi từ xu hướng dòng vốn FDI, đó là bất động sản khu công nghiệp và xu hướng phát triển công nghệ. Nhóm cổ phiếu này cũng tăng tốt trong giai đoạn gần đây và dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng khả quan.
Đặc biệt là doanh nghiệp có định giá rẻ, cổ tức cao, nền tảng doanh nghiệp tốt. Theo ông Đông Hải, đây là nhóm mà TCAM rất tâm huyết khi lựa chọn đầu tư, bởi việc một doanh nghiệp mạnh và duy trì được lịch sử cổ tức cao đều đặn thì trong trường hợp thị trường có biến động xấu, tỷ suất cổ tức cũng vượt trội so với lãi suất ngân hàng, vẫn mang về dòng tiền tốt.
Ông Bình nhấn mạnh thêm, ý tưởng đầu tư tốt là chìa khoá quan trọng để có tỷ suất lợi nhuận tốt. Doanh nghiệp tốt chỉ là một trong các yếu tố tạo ra cổ phiếu tốt, phần quan trọng không kém là triển khai kế hoạch đầu tư tốt thì cần có trải nghiệm đầu tư, hiểu biết sâu sắc về cách TTCK vận hành, cách doanh nghiệp vận hành, tìm kiếm thời điểm mua – bán thích hợp, điều chỉnh tỷ trọng cổ phiếu – tiền mặt phù hợp từng giai đoạn…
TTCK về dài hạn là triển vọng tăng trưởng, có thể trong tương lai sẽ nhìn thấy các mốc 1.800 điểm, 2000 điểm…, nhưng thị trường luôn biến động, có lên có xuống, như con đường có lúc thông thoáng có khi kẹt xe thì việc trong ngắn hạn thay đổi hướng đi nhưng vẫn đạt được trong mục tiêu dài hạn.