Tây Ban Nha: Ông Pedro Sanchez được chỉ định là Thủ tướng tạm quyền

0:00 / 0:00
0:00
Vua Felipe VI đã tuyên bố miễn nhiệm ông Pedro Sanchez với tư cách là người đứng đầu chính phủ và ông sẽ tiếp tục giữ chức vụ này cho đến khi một Thủ tướng mới nhậm chức.
Ông Pedro Sanchez được chỉ định là Thủ tướng tạm quyền Tây Ban Nha. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Ông Pedro Sanchez được chỉ định là Thủ tướng tạm quyền Tây Ban Nha. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Ngày 25/7, ông Pedro Sanchez được chỉ định là Thủ tướng tạm quyền của Chính phủ Tây Ban Nha cho đến khi nước này giải quyết được tình trạng bất ổn chính trị nảy sinh từ cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn diễn ra cuối tuần qua.

Dù đảng Nhân dân (PP) cánh hữu của ông Alberto Nunez Feijoo đã giành được nhiều ghế nhất, 136 ghế, trong cuộc tổng tuyển cử ngày 23/7 vừa qua, nhưng không thể đạt thế đa số tuyệt đối (176 ghế) tại Quốc hội để đứng ra thành lập chính phủ mới ngay cả khi có sự hỗ trợ của đảng Vox cực hữu (33 ghế).

Trong khi đó, đảng Xã hội (PSOE) của ông Sanchez vốn đứng thứ hai với 122 ghế có nhiều lựa chọn hơn để thành lập liên minh với các đảng nhỏ hơn.

Vua Felipe VI tuyên bố: "Tôi tuyên bố miễn nhiệm ông Pedro Sanchez với tư cách là người đứng đầu chính phủ và ông sẽ tiếp tục giữ chức vụ này cho đến khi một Thủ tướng mới nhậm chức."

Nếu bế tắc chính trị không được giải quyết trong những tháng tới, Tây Ban Nha có thể phải tiến hành bầu cử lại.

Ngày 29/5, Thủ tướng Sanchez đã bất ngờ thông báo sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn.

Thông báo được đưa ra sau khi PSOE thất bại trong các cuộc bầu cử địa phương diễn ra một ngày trước đó vốn được cho là cuộc sát hạch đối với cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.

Cụ thể, trong cuộc bầu cử hội đồng thành phố, PP nhận được hơn 7 triệu phiếu bầu (tương đương 31,52%), PSOE nhận được gần 6,3 triệu phiếu bầu (28,11%).

Ở cấp khu vực, đảng PP cũng đạt kết quả đáng kể khi nhận được sự ủng hộ tại 6 khu vực mà PSOE từng kiểm soát.

Kể từ khi nhậm chức vào năm 2018, Thủ tướng Sanchez đã phải đối mặt với một số khó khăn như lạm phát tăng vọt, sức mua giảm trong nền kinh tế lớn thứ tư Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Tin bài liên quan