Tây Bắc chuyển mình

Tây Bắc chuyển mình

Xuân về, hoa ban nở trắng trời Tây Bắc. Đẹp nhưng xa xôi, cách trở. Giàu tiềm năng để phát triển nhưng vẫn còn lắm khó khăn. Song những tiền đề và cơ hội mới đã được mở ra, để Tây Bắc sẽ không còn xa, sẽ không còn đói nghèo, đuổi kịp các vùng, miền khác trên đất Việt.

Tiềm năng rộng lớn

Còn nhớ, mấy tháng trước, khi lên Tuyên Quang để tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội vùng Tây Bắc, đã không khỏi ngỡ ngàng khi nghe bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, thốt lên rằng, vùng đất này có rất nhiều tiềm năng để 10 - 15 năm nữa phát triển chẳng thua kém các vùng kinh tế khác của cả nước.

Ngỡ ngàng, vì lâu nay trong suy nghĩ của những người dưới xuôi, Tây Bắc xa xôi và cách trở, Tây Bắc nghèo và có lẽ thứ khiến Tây Bắc trở nên hấp dẫn hơn cả chỉ là những cảnh đẹp kỳ vĩ của núi rừng, những cánh ban trắng, hay những điệu múa, làn nhạc đặc sắc...

Nhưng nghe ông Trương Xuân Cừ, Phó trưởng ban Phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc nói mới biết, đích thực vùng đất này có vô vàn tiềm năng đang chờ được đánh thức.

Này những khu kinh tế cửa khẩu đã và đang thành hình, này những danh lam thắng cảnh hút hồn du khách… Từ hồ Núi Cốc, hồ Ba Bể, hay Sapa, Tam Đảo…, đến các di tích lịch sử như Điện Biên Phủ, Đền Hùng… Rồi các đặc sản chè Thái Nguyên, hay Tuyên Quang; các mỏ đồng, mỏ apatit, hay đất hiếm…

Tất cả, là nguồn lực vô cùng quan trọng giúp Tây Bắc phát triển. Dù là kinh tế cửa khẩu, du lịch, hay khai thác khoáng sản và phát triển thủy điện…, Tây Bắc có trong tay những “mỏ vàng” tiềm năng.

Chỉ là, bao lâu nay, do địa hình phức tạp, do trình độ dân trí kém, kết cấu hạ tầng chưa phát triển…, Tây Bắc vẫn là khu vực nghèo nhất cả nước, khoảng cách thu nhập so với các vùng khác có chiều hướng ngày càng rộng thêm…

Nhưng đây cũng chính là điều khiến Đảng, khiến Nhà nước luôn trăn trở. Làm thế nào để Tây Bắc bớt xa xôi, để Tây Bắc hết đói hết nghèo.

Suốt những năm qua, nhận định Tây Bắc có vị trí địa kinh tế, chính trị quan trọng với cả nước, đặc biệt với dải biên giới với các cửa khẩu quốc tế như Hữu Nghị, Móng Cái, Lào Cai…, biết vai trò vô cùng quan trọng của vùng phên dậu của Tổ quốc, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển vùng đất này. Từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình 135, hay các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ…

Cũng nhờ vậy, dân Tây Bắc đã bớt nghèo. Nhưng để nói rằng phát triển đúng tiềm năng, thì khoảng cách vẫn còn xa lắm, Tây Bắc vẫn cần lắm sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước, của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư. Một khi vốn được đổ vào đây, một khi biết khơi mạch ngầm để sức mạnh tiềm tàng vùng đất này tuôn chảy, Tây Bắc sẽ không còn xa nữa…

Cơ hội chuyển mình

Cơ hội đã và đang đến với Tây Bắc, khi mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức thông qua Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2020.

Theo Quy hoạch, khu vực này sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân thời kỳ 2011 - 2015 là 7,5%, còn thời kỳ 2016 - 2020 là trên 8%, với GDP bình quân đầu người khoảng 2.000 USD…

Không chỉ là kinh tế, Quy hoạch cũng đã đặt ra rất nhiều mục tiêu để phát triển tổng thể kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng vùng đất của ban trắng, đào phai.

Hôm Quy hoạch chính thức được công bố, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông bảo, có nhiều yếu tố khiến ta có thể tin tưởng vào sự phát triển của vùng đất này.

Những tiềm năng, lợi thế nói trên chỉ là một. Một mai, khi hai tuyến hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc được hình thành, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế toàn tuyến và nhờ vậy, sẽ tác động mạnh mẽ đến phát triển toàn vùng.

Rồi khi tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên hoàn thành đúng tiến độ…, thì Tây Bắc thực sự sẽ không còn xa nữa. Khoảng cách được rút ngắn, sẽ thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa Tây Bắc với các vùng, miền khác.

Khi các nhà máy thủy điện lớn của quốc gia đã và tiếp tục được xây dựng trong vùng, như Sơn La, Lai Châu, Na Hang…, thì đây sẽ là cơ hội quan trọng để Tây Bắc phát triển kinh tế - xã hội.

Và khi các khu kinh tế cửa khẩu, các khu công nghiệp thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước, bộ mặt của vùng đất Tây Bắc cũng sẽ khác hẳn, cơ cấu kinh tế được dịch chuyển theo hướng tích cực hơn. Tây Bắc sẽ không còn đói nghèo…

Không chỉ là sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước, Tây Bắc - mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc, giờ cũng đã giành được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Còn nhớ, kết thúc Hội nghị Xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội vùng Tây Bắc, đã có 26 dự án, với 10.623 tỷ đồng được trao Giấy chứng nhận đầu tư. Ngoài ra, còn có 16 dự án, với tổng vốn đầu tư 16.816 tỷ đồng, cũng đã được các doanh nghiệp ký cam kết đầu tư trong thời gian tới. Chưa kể, khoản tín dụng trên 20.078 tỷ đồng mà các ngân hàng thương mại cổ phần cam kết tài trợ cho 15 dự án đầu tư tại Tây Bắc.

Và đặc biệt hơn cả, hơn 543,665 tỷ đồng mà cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm dành cho Tây Bắc để hỗ trợ an sinh xã hội.

Khi tất cả những quan tâm, mọi hướng nhìn đều đang đổ dồn về Tây Bắc, và khi những đồng vốn quý báu trên được đưa vào thực hiện và phát huy hiệu quả, cơ hội để Tây Bắc chuyển mình chẳng còn xa.

Hiện thực hóa giấc mơ

Tây Bắc, để có thể phát triển mạnh mẽ, đuổi kịp các vùng, miền trong cả nước, thì cần lắm một ngân khoản khổng lồ.

Theo tính toán, chỉ riêng nhu cầu đầu tư giai đoạn 2011 - 2015 đã khoảng 567.000 tỷ đồng. Còn giai đoạn 2016 - 2020, lên tới cả 1,45 triệu tỷ đồng. Vì thế, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Xuân Phúc nói, bên cạnh sử dụng vốn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ, các chương trình mục tiêu quốc gia…, phải tìm đủ mọi cách để huy động nguồn lực trong dân, thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)...

Và để làm được điều đó, không có cách nào khác, phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nguồn lực thì có hạn, không thể đầu tư dàn trải, mà phải chọn các dự án trọng tâm, trọng điểm, có vai trò “đột phá khẩu” để tiến hành trước.

Kinh tế còn khó khăn, thu hút đầu tư còn hạn chế, thì phải xem xét không chỉ đặt mục tiêu thu hút công nghiệp công nghệ cao, mà chọn các lĩnh vực dệt may, da giày, khoáng sản, nông nghiệp…, làm sao để tận dụng và phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của cả vùng.

Chuyện liên kết vùng cũng cần được đặc biệt chú trọng, không thể mạnh ai nấy làm, đua nhau thu hút đầu tư, phá vỡ quy hoạch.

“Trong chuyện này, các địa phương trong khu vực có thể nhìn nhau mà làm. Ví dụ, vì sao Lào Cai luôn có năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở mức cao? Các tỉnh khác cũng có thể nhìn vào đó để học hỏi. Nếu môi trường đầu tư tốt, hỗ trợ nhà đầu tư tốt, coi thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của mình, thì nhà đầu tư sẽ tìm đến”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói thế.

Tất nhiên, cùng với môi trường đầu tư tốt, phải chuẩn bị tốt cả hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Đây chính là hai khâu đột phá quan trọng.

Không chỉ là hạ tầng giao thông, mà còn là hạ tầng điện, nước, hệ thống thông tin liên lạc. Giao thông phát triển sẽ khiến Tây Bắc gần hơn với các trung tâm kinh tế khác, giúp các kế hoạch đầu tư, an sinh xã hội được thực hiện.

Phải đẩy nhanh việc xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, bởi tuyến đường xuyên Á này sẽ giúp kết nối với Côn Minh (Trung Quốc). Tuyến đường huyết mạch này không chỉ kết nối Lào Cai với Hà Nội, mà còn với các địa phương khác trong vùng.

Còn nguồn nhân lực, phải phát triển các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề cho cả vùng đạt trình độ quốc gia. Phải ưu tiên phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất - kinh doanh. Đây chính là khâu đột phá quan trọng, có ý nghĩa lâu dài để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội của cả vùng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng từng nói, đầu tư cho sản xuất, khai thác lợi thế về nông - lâm nghiệp, du lịch… cũng cần được đẩy mạnh. Bởi chỉ có để người dân có thu nhập từ sản xuất mới là cách để giải quyết an sinh xã hội một cách bền vững nhất.

Làm được những điều đó, mai này, Tây Bắc sẽ không còn đói nghèo…

Phó thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Xuân Phúc

"Nếu môi trường đầu tư tốt, hỗ trợ nhà đầu tư tốt, coi thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của mình, thì nhà đầu tư sẽ tìm đến với Tây Bắc"

Tin bài liên quan