Ngày 23/11/2024, Công ty cổ phần Tập đoàn 911 (mã NO1) tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh taxi điện.
Nói về việc phát triển taxi điện, ông Phạm Đình Thoan, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn 911 cho biết, phạm vi hoạt động của doanh nghiệp trải dài khắp cả nước, hơn nữa lại là đơn vị cung cấp máy móc, thiết bị với đơn vị chủ quản của VinFast nên có sự hiểu biết lẫn nhau về chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, Tập đoàn hướng theo chủ trương của Nhà nước đến năm 2030 là xanh hoá đối với dịch vụ vận tải bằng xe điện.
Trước đó, ngày 26/10, Tập đoàn 911 đã ký biên bản ghi nhớ thuê mua 2.200 ô tô điện VinFast với Công ty cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM), mục tiêu là thành lập thương hiệu “911 Taxi”. Theo thỏa thuận, GSM sẽ bàn giao 200 chiếc cho Tập đoàn 911 để đưa vào vận hành trong quý IV/2024, số xe còn lại được bàn giao trong năm 2025.
Tương tự, ngày 14/11/2024, hãng Taxi 123 đã ký hợp đồng mua và thuê 500 ô tô điện VinFast với GSM nhằm hiện đại hóa đội xe và đáp ứng nhu cầu giao thông bền vững tại Hà Nội, đồng thời mở rộng địa bàn hoạt động sang các tỉnh như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.
Ông Trịnh Đặng Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vận tải Hoàng Minh Dũng, đơn vị vận hành Taxi 123 đánh giá, xe điện ngày càng được khách hàng đón nhận. Việc chuyển đổi sang xe điện không chỉ giúp giảm chi phí đến 40% so với xe xăng, mà còn mang lại trải nghiệm thân thiện và chi phí hợp lý cho khách hàng. Ngoài 500 xe điện đã ký kết, doanh nghiệp có thể phát sinh thêm đơn hàng tiếp theo nếu việc kinh doanh hiệu quả.
Ngày 11/11, Công ty cổ phần An An’s Garden ký thỏa thuận hợp tác với GSM, cam kết thuê và mua 3.279 ô tô điện VinFast các dòng xe VF3 và VF5, nhằm ra mắt thương hiệu An Taxi - hoạt động tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
Đầu tháng 11, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Việt Đức (Taxi Việt Đức) ký kết biên bản ghi nhớ về việc thuê và mua 400 ô tô điện VinFast với GSM. Hồi tháng 8, Taxi Việt Đức đã chạy thử nghiệm 100 xe taxi điện tại TP. Buôn Ma Thuột. Trong chiến lược phát triển mới, Công ty cam kết đầu tư 100% vào taxi điện tại Đắk Lắk và đổi tên thành Taxi Xanh Việt Đức.
Với Liên hiệp Hợp tác xã Liên minh Kinh tế miền Nam, biên bản ghi nhớ về việc thuê và mua 5.000 ô tô điện VinFast trong năm 2024 đã được ký kết với GSM trong tháng 9, nhằm thay thế dần đội xe xăng hiện hữu. Mục tiêu của Liên hiệp trong tương lai là chuyển đổi xanh toàn diện, thay thế 100% xe của các xã viên sang xe điện, đầu tư trạm sạc và cơ sở vật chất để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện điện.
Theo Quyết định 876/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2030, 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện và năng lượng xanh, trước khi 100% phương tiện giao thông đường bộ chuyển sang dùng điện và năng lượng xanh vào năm 2050. Thực tế, taxi điện đang dần thay đổi thói quen của khách hàng, ưu tiên các phương tiện thân thiện với môi trường, nên các doanh nghiệp taxi đẩy mạnh triển khai lộ trình chuyển đổi xanh.
Theo nghiên cứu của Decision Lab, trong nửa đầu năm 2024, Xanh SM trở thành nền tảng gọi xe lớn thứ hai ở Việt Nam, chiếm hơn 32% thị phần. Tính đến hết tháng 6, GSM sở hữu hơn 30.000 taxi điện, hoạt động tại 45 tỉnh, thành phố. Công ty còn hợp tác với 35 doanh nghiệp đối tác và thu hút hàng ngàn tài xế tham gia vào nền tảng Xanh SM Platform.
Xu hướng taxi xanh, thân thiện là tất yếu, tạo ra thách thức cho các doanh nghiệp taxi truyền thống nếu đi theo định hướng khác như Công ty cổ phần Ánh Dương (Vinasun) và Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh đẩy mạnh đầu tư xe hybrid. Với việc liên tục hỗ trợ cho tài xế, lợi nhuận ròng trong 6 tháng đầu năm 2024 của Vinasun giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, xuống dưới 60 tỷ đồng. Trong khi đó, Mai Linh kinh doanh thua lỗ nhiều năm, lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2023 lên đến 1.306 tỷ đồng, lớn hơn cả vốn góp của chủ sở hữu (1.246,6 tỷ đồng).