Liên danh tư vấn TEDI-TRICC-TEDIS của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cho hay, cơ quan này đang nghiên cứu phương án rút ngắn thời điểm vận hành tàu tốc độ cao 350 km mỗi giờ.
Cụ thể, theo Chiến lược của ngành đường sắt, tàu tốc độ cao 350 km mỗi giờ sẽ vận hành sau năm 2050, tuy nhiên Liên danh cho rằng thời gian như vậy là quá lâu.
Tuyến đường sắt tốc độ cao của Việt Nam kéo dài theo địa hình, nếu khai thác tốc độ thấp quá lâu thì sẽ kém cạnh tranh hơn so với các phương tiện khác.
Dự kiến giai đoạn trước năm 2030, hạ tầng đường ray cho tàu tốc độ 200 km mỗi giờ sẽ được xây dựng đảm bảo tích hợp tàu tốc độ cao trên 300km mỗi giờ.
Các địa phương sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng với hành lang đảm bảo phục vụ đường sắt tốc độ cao giai đoạn hoàn chỉnh.
Đại diện Tư vấn cho rằng, giai đoạn 2020 đến 2030, Việt Nam sẽ phải vận hành tàu tốc độ 200km mỗi giờ để làm quen kỹ thuật công nghệ, tổ chức chạy tàu; khi nâng lên tốc độ đến 350km mỗi giờ thì cần phải có hệ thống đi kèm về khai thác vận hành, nhân lực trình độ cao mới đảm bảo an toàn.
Đề cập đến phương án giá vé cho tàu tốc độ cao, đơn vị Tư vấn cho biết, các nghiên cứu trước đây đã tính toán giá vé tàu bằng 50-70% giá vé phổ thông Vietnam Airlines.
Song thời điểm này đã có nhiều hãng hàng không giá rẻ nên giá vé tàu tốc độ cao đang được tính toán lại để hấp dẫn hành khách. Ngoài ra, giá vé phải tương ứng với mức thu nhập dân cư trong thời điểm tàu đưa vào khai thác.
Về phân kỳ đầu tư từng đoạn tuyến, đại diện tư vấn cho biết, theo các nghiên cứu trước đây thì tuyến Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP HCM có lưu lượng hành khách lớn nhất nên sẽ được đầu tư trước. Với tốc độ tàu 200 km mỗi giờ, thời gian dừng đỗ chỉ 1-2 phút ở mỗi ga thì từ Hà Nội đến Vinh chỉ mất hơn một giờ.
Hiện Bộ Giao thông đang làm việc với một số tỉnh, thành để xác định hướng tuyến và vị trí các nhà ga.