Tàu Thái Bình Dương là một tài sản quan trọng của Công ty cổ phần Nạo vét và Xây dựng đường thủy - từng là công ty con của Vinawaco và Vinawaco vẫn đang nắm 47,39% vốn điều lệ.
Quan điểm trái ngược
“Chúng tôi vẫn bảo lưu quyết liệt quan điểm tạm dừng cấp đăng kiểm cho tàu nạo vét Thái Bình Dương (số phân cấp VR042235) vì điều này không chỉ gây mất an toàn trong khai thác, mà còn làm thiệt hại cho các cổ đông, trong đó có cổ đông Nhà nước”, ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Vinawaco cho biết hôm 3/7/2022.
Đây cũng là quan điểm xuyên suốt của Vinawaco liên quan đến vụ tranh chấp giữa Vinawaco và Công ty cổ phần Nạo vét và Xây dựng đường thủy trong hơn 3 tháng qua.
Công ty cổ phần Nạo vét và Xây dựng đường thủy (có địa chỉ tại TP. Hải Phòng) từng là công ty con của Vinawaco. Đến thời điểm hiện tại, Vinawaco vẫn đang nắm khoảng 47,39% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Nạo vét và Xây dựng đường thủy.
Được biết, vụ tranh chấp bắt đầu hé lộ khi vào cuối tháng 4/2022, Vinawaco có Văn bản số 74/2022/VINAWACO đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam, Chi cục Đăng kiểm số 10 kiểm tra, xem xét việc cấp đăng kiểm cho tàu Thái Bình Dương, do toàn bộ kinh phí sửa chữa, lên đà không được phê duyệt của các cổ đông (đang có sự tranh chấp, đặc biệt trong đó có vốn nhà nước).
Vinawaco cũng kiến nghị cơ quan chức năng không cấp đăng kiểm cho tàu Thái Bình Dương do máy chính của tàu đã thay đổi, không đảm bảo kỹ thuật và tính pháp lý theo quy định của pháp luật.
Đúng 10 ngày sau, Chi cục Đăng kiểm số 10 - Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận được Văn bản số 17/CV/2022/TC của Công ty cổ phần Nạo vét và Xây dựng đường thủy đề nghị thực hiện đăng kiểm trung gian trên đà tàu nạo vét Thái Bình Dương tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng.
Ngày 18/5/2022, Công ty cổ phần Nạo vét và Xây dựng đường thủy đã có Nghị quyết số 27/NQ/2022/HĐQT - Nghị quyết HĐQT của Công ty cổ phần Nạo vét và Xây dựng đường thủy, thống nhất đề nghị cơ quan đăng kiểm thực hiện đăng kiểm tàu Thái Bình Dương trong năm 2022. Nghị quyết này sau đó đã được Công ty cổ phần Nạo vét và Xây dựng đường thủy gửi Chi cục Đăng kiểm số 10.
Kể từ đó đến nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam liên tục nhận được văn bản xin được đăng kiểm từ Công ty cổ phần Nạo vét và Xây dựng đường thủy và văn bản đề nghị không cấp đăng kiểm cho tàu Thái Bình Dương của Vinawaco.
Trong văn bản phản đối gần nhất (đề ngày 9/6/2022), Vinawaco cho rằng, việc ông Nguyễn Quốc Tín tự bổ nhiệm mình với chức năng là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nạo vét và Xây dựng đường thủy, tự lập hồ sơ để thay đổi đăng ký kinh doanh và nhân danh Công ty cổ phần Nạo vét và Xây dựng đường thủy là không đúng quy định. Do vậy, ông Tín không thể ký là đại diện pháp nhân cho Công ty cổ phần Nạo vét và Xây dựng đường thủy.
Đại diện Vinawaco cũng nêu rõ, việc đại tu sửa chữa tàu Thái Bình Dương, thay máy chính và hộp số bên phải với một lượng tài chính rất lớn, song các cổ đông lớn, đặc biệt là cổ đông Nhà nước không được báo cáo, xin ý kiến.
Đặc biệt, “cựu công ty mẹ” của Công ty cổ phần Nạo vét và Xây dựng đường thủy cho rằng, hiện nay, tàu Thái Bình Dương đã bị thay máy chính và hộp số bên phải (từ máy do CHLB Đức sản xuất sang máy xuất xứ Trung Quốc) không đúng hồ sơ thiết kế ban đầu và cũng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Với những yếu tố nói trên, Vinawaco đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), Cục Đăng kiểm Việt Nam, Chi cục Đăng kiểm số 10 xem xét không gia hạn đăng kiểm cho tàu Thái Bình Dương khi chưa đảm bảo các yếu tố đề xuất nêu trên nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tài sản, thiết bị, sỹ quan thuyền viên của tàu cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông, trong đó có cổ đông Nhà nước.
“Đây là việc làm cần thiết để tránh thất thoát tài sản nhà nước tại Công ty cổ phần Nạo vét và Xây dựng đường thủy”, Chủ tịch HĐQT Vinawaco nhấn mạnh.
Làm rõ nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước
Cần phải nói thêm rằng, vai trò của ông Nguyễn Quốc Tín bắt đầu định hình tại Công ty cổ phần Nạo vét và Xây dựng đường thủy sau khi thắng đấu giá lô 1,53 triệu cổ phần Công ty cổ phần Nạo vét và Xây dựng đường thủy (tương đương 51% vốn điều lệ) do Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) thực hiện hồi cuối tháng 9/2021.
Công ty cổ phần Nạo vét và Xây dựng đường thủy hiện có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực nạo vét luồng lạch, cầu cảng.
Giống như Vinawaco, Công ty cổ phần Nạo vét và Xây dựng đường thủy cũng đang rất khó khăn về tài chính. Năm 2020, Công ty tiếp tục lỗ gần 49 tỷ đồng, nâng số lỗ lũy kế đến cuối năm 2020 lên đến 259,6 tỷ đồng, vượt quá vốn góp của chủ sở hữu. Bên cạnh đó, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn 128,3 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2021, Công ty chỉ ghi nhận 1,3 tỷ đồng doanh thu, lỗ 20,4 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Nạo vét và Xây dựng đường thủy đang quản lý và sử dụng 2 khu đất với tổng diện tích 35.704 m2. Trong đó, trụ sở văn phòng làm việc tại số 8 - Nguyễn Tri Phương (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) có diện tích 1.824 m2. Khu đất thứ 2 đang được Công ty sử dụng làm xưởng sửa chữa tàu tại thị trấn Trường Sơn (huyện An Lão, Hải Phòng), diện tích 33.880 m2. Đây đều là các khu đất thuê của Nhà nước, trả tiền hàng năm.
Ngoài một số khu đất thuê của Nhà nước tại Hải Phòng, tàu nạo vét Thái Bình Dương chính là tài sản có giá trị nhất, đồng thời cũng là “công cụ” lao động chính yếu của Công ty cổ phần Nạo vét và Xây dựng đường thủy.
Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, Công ty cổ phần Nạo vét và Xây dựng đường thủy cũng đã có phản hồi về những cáo buộc từ phía Vinawaco. Trong Văn bản số 61/VC/2022/TC gửi Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam, đại diện Công ty cổ phần Nạo vét và Xây dựng đường thủy khẳng định, các khiếu nại của ông Ngô Văn Tuấn là không có căn cứ và không đúng sự thật.
Ông Lê Quang Hiệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nạo vét và Xây dựng đường thủy cho rằng, Công ty đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông, thay đổi nhân sự theo đúng quy định của Điều lệ Công ty và Luật Doanh nghiệp. Công ty cũng đã lập phương án, chi phí sửa chữa tàu Thái Bình Dương và phê duyệt theo đúng chức trách, điều lệ. Quá trình bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế thiết bị tại tàu Thái Bình Dương đảm bảo đúng trình tự được quy định của công tác đăng kiểm.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Nạo vét và Xây dựng đường thủy tiếp tục gây sức ép với Cục Đăng kiểm Việt Nam khi cho rằng, tàu Thái Bình Dương là thiết bị có tầm quan trọng lớn đối với doanh nghiệp. Việc kéo dài thời gian thẩm định thiết kế cũng như đăng kiểm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty; ảnh hưởng đến cổ đông, làm chậm tiến độ thi công các công trình của ngành hàng hải, không tránh khỏi nguy cơ bị phạt hợp đồng.
Được biết, vụ việc liên quan đến công tác đăng kiểm tàu Thái Bình Dương đang gây ra không ít lúng túng cho Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Theo nguyên tắc đăng kiểm tàu biển được quy định tại Điều 29, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, tàu biển phải được kiểm định, phân cấp, đánh giá và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật về hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường khi đóng mới, nhập khẩu, hoán cải, sửa chữa phục hồi trong quá trình hoạt động nhằm đảm bảo tình trạng kỹ thuật theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên một cách hệ thống, liên tục.
Tuy nhiên, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận định rằng, vụ việc đã vượt ra khỏi khung khổ công tác đăng kiểm phương tiện và trở thành vụ tranh chấp nội bộ trong Công ty cổ phần Nạo vét và Xây dựng đường thủy giữa Vinawaco (đang nắm giữ 47,39% vốn điều lệ) và cá nhân ông Nguyễn Quốc Tín (hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nạo vét và Xây dựng đường thủy, đang nắm giữ 51% vốn điều lệ của công ty này).
Do vụ việc liên quan đến cổ đông Nhà nước tại Vinawaco, để có cơ sở giải quyết thủ tục đăng kiểm và để tránh thất thoát tài sản nhà nước, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã chính thức báo cáo vụ việc lên Bộ GTVT và đề nghị cơ quan cấp trên (cũng đang là đại diện phần vốn nhà nước tại Vinawaco) xem xét giải quyết.
“Cục và các chi cục đăng kiểm chỉ thực hiện việc đăng kiểm kỹ thuật cho phương tiện, không thực hiện đăng kiểm để phục vụ các mục đích khác như: giải quyết tranh chấp liên quan đến tai nạn; yêu cầu bồi thường thiệt hại; tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa chủ tàu với các tổ chức bảo hiểm; tranh chấp vốn góp giữa chủ tàu và các cá nhân, tổ chức khác”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết.
Theo thông tin của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tàu Thái Bình Dương có số phân cấp VR042235 là tàu nạo vét, trọng tải toàn phần 1.916 tấn, được đóng năm 2004 tại Hà Lan. Tàu được Cơ quan Đăng ký tàu biển và thuyền viên khu vực Hải Phòng cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam với số đăng ký VN-3838-HB, ngày 12/6/2015.
Đến nay, tàu Thái Bình Dương đã bị quá hạn kiểm tra hàng năm theo quy định. Các giấy chứng nhận đăng kiểm của tàu (gồm Giấy chứng nhận phân cấp, Giấy chứng nhận mạn khô tàu biển, Giấy chứng nhận an toàn trang thiết bị tàu hàng và Giấy chứng nhận ngăn ngừa ô nhiễm dầu) đã bị mất hiệu lực.
Theo các quy định hiện hành, Cục Đăng kiểm Việt Nam và các chi cục đăng kiểm sẽ thực hiện việc đăng kiểm tàu biển theo đúng các quy định của pháp luật và các quy chuẩn kỹ thuật liên quan khi có yêu cầu của chủ tàu.