Tẩu tán tài sản trong vụ kiện dân sự, ngăn cách nào?

Tẩu tán tài sản trong vụ kiện dân sự, ngăn cách nào?

(ĐTCK) Quy định “người yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải gửi một khoản tiền tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện” gây khó cho người có quyền yêu cầu.

Tẩu tán tài sản trong vụ kiện dân sự, ngăn cách nào? ảnh 1Cần có quy định cụ thể hơn về cách tính toán ấn định mức phí đối với người yêu cầu áp dụng BPKCTT

 

Biện pháp khẩn cấp tạm thời: 3 bất cập lớn

Theo quy định tại Điều 99 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS), đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự có quyền yêu cầu toà án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) nhằm tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, hoặc bảo đảm việc thi hành án.

Điều 102 Bộ luật TTDS quy định 12 BPKCTT, trong đó liên quan đến các tranh chấp về tài sản có các biện pháp cơ bản sau (các khoản 6, 7, 8, 10 và 11): kê biên tài sản đang tranh chấp; cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; phong toả tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong toả tài sản ở nơi gửi giữ; phong toả tài sản của người có nghĩa vụ.

Tuy nhiên, Điều 120 Bộ luật TTDS quy định: “Người yêu cầu Toà án áp dụng một trong các BPKCTT quy định tại các khoản 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 102 của Bộ luật này phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Toà án ấn định nhưng phải tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng BPKCTT và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT từ phía người có quyền yêu cầu”.

Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã có Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP hướng dẫn quy định này như sau: “Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử đề nghị người yêu cầu áp dụng BPKCTT dự kiến và tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra. Trong trường hợp có hỏi ý kiến của người bị áp dụng BPKCTT được hướng dẫn tại tiểu mục 5.2 và tiểu mục 5.5 mục 5 Nghị quyết này, thì đề nghị họ dự kiến và tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra”.

Quy định nêu trên trong nhiều trường hợp rất khó thực hiện. Ví dụ, anh Cường đã trả tiền mua nhà cho chị Dung, số tiền là 3 tỷ đồng, nhưng chị Dung không thể làm thủ tục sang tên căn nhà và cũng không hoàn trả lại tiền, nên anh Cường kiện ra tòa. Trong quá trình giải quyết vụ việc, phát hiện chị Dung đăng báo bán nhà nên anh Cường đề nghị tòa án áp dụng BPKCTT để bảo đảm việc thi hành án. Tòa án định giá ngôi nhà của chị Dung là 4,5 tỷ đồng (theo giá thị trường) nên yêu cầu anh Cường nộp 4,5 tỷ đồng vào ngân hàng như là biện pháp buộc thực hiện biện pháp bảo đảm để tòa án có cơ sở ra quyết định khẩn cấp tạm thời không cho chị Dung trao đổi, mua bán, chuyển nhượng đối với ngôi nhà nói trên dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, do anh Cường không có đủ số tiền trên, nên Tòa án đã không ra quyết định áp dụng BPKCTT nhằm bảo vệ quyền lợi của anh Cường, dẫn đến hệ quả là chị Dung đã bán ngôi nhà đó nhằm tẩu tán tài sản trước khi tòa án có bản án có hiệu lực pháp luật.

Ví dụ khác, ông Phúc là đối tượng thuộc diện hộ gia đình có thu nhập thấp được duyệt mua căn hộ chung cư có giá 1,2 tỷ đồng tại một dự án do Công ty XYZ làm chủ đầu tư. Do chủ đầu tư không bàn giao căn hộ đúng hạn nên ông Phúc đã gửi thông báo chấm dứt hợp đồng và yêu cầu được hoàn trả tiền (ông Phúc đã đóng 90% giá trị căn hộ), nhưng chủ đầu tư không chấp nhận, khiến ông Phúc kiện ra tòa. Trong quá trình tòa án giải quyết, ông Phúc phát hiện Công ty XYZ có biểu hiện chiếm dụng vốn của những người mua căn hộ chung cư nên yêu cầu tòa án áp dụng BPKCTT là phong toả tài khoản tại ngân hàng nơi Công ty XYZ mở (cũng là tài khoản mà người mua căn hộ chung cư nộp tiền vào) để bảo đảm việc thi hành án sau này. Tòa án yêu cầu ông Phúc phải nộp 1,2 tỷ đồng vào ngân hàng như là việc phải buộc thực hiện biện pháp bảo đảm để tòa án có cơ sở ra quyết định khẩn cấp tạm thời như đơn yêu cầu của ông Phúc. Tuy nhiên, ông Phúc không có số tiền 1,2 tỷ đồng nên tòa án đã không chấp nhận đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT. Hệ quả là sau khi bản án có hiệu lực tuyên ông Phúc thắng kiện, ông Phúc không thể lấy lại được tiền của mình, vì tài khoản của Công ty XYZ không còn tiền.

Bất cập thứ hai là hiện chưa có hướng dẫn thế nào là “tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện”. Mặt khác, pháp luật trao cho tòa (thẩm phán/hội đồng xét xử) quyền ấn định mức phí đối với người yêu cầu áp dụng BPKCTT, nhưng lại không đặt ra tiêu chí cụ thể. Vì vậy, các thẩm phán phải tự ước tính. Tình trạng thiếu thống nhất trong việc tính phí bảo đảm hiện nay đã tạo ra sự bất công giữa các đương sự, ảnh hưởng đến quyền yêu cầu của họ, bởi không nộp phí bảo đảm thì không được tòa kê biên, phong tỏa.

Thứ ba, vì thiệt hại thực tế do việc áp dụng BPKCTT không đúng gây ra chưa xảy ra, nhưng lại quy định thẩm phán hoặc hội đồng xét xử đề nghị người yêu cầu áp dụng BPKCTT dự kiến và tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra là không khả thi và gây khó cho người có quyền yêu cầu (nguyên đơn/người khởi kiện). Bởi lẽ, khi yêu cầu tòa án áp dụng BPKCTT, họ chỉ đơn giản là bảo vệ tài sản của mình trước những rủi ro xảy ra trong quá trình tố tụng, chứ không thể tính toán được là việc yêu cầu này của mình thì gây thiệt hại như thế nào cho bị đơn. Bên cạnh đó, quy định thẩm phán hoặc hội đồng xét xử trong trường hợp có hỏi ý kiến của người bị áp dụng BPKCTT thì đề nghị họ dự kiến và tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra cũng cho thấy kẽ hở trong thực tiễn. Bởi lẽ, người bị áp dụng BPKCTT có thể tính toán thiệt hại thực tế cao hơn giá trị tài sản hiện có để ngăn chặn quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT của người khởi kiện.

 

Kiến nghị

Việc buộc thực hiện biện pháp bảo đảm khi yêu cầu áp dụng BPKCTT quy định tại các khoản 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 102 của Bộ luật TTDS như phân tích trên đây cho thấy tính khả thi không cao và gây khó cho người có quyền yêu cầu. Những hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng xác định rõ về cách tính toán ấn định mức phí đối với người yêu cầu áp dụng BPKCTT, về thời hạn áp dụng BPKCTT trong các trường hợp nhằm khắc phục tình trạng mỗi cấp tòa, thẩm phán áp dụng một kiểu.

Cần sửa đổi Bộ luật TTDS và các hướng dẫn liên quan đến quy định về việc buộc thực hiện biện pháp bảo đảm khi yêu cầu áp dụng BPKCTT. Khi người yêu cầu (người khởi kiện) có cung cấp các chứng cứ chứng minh cho việc khởi kiện và áp dụng BPKCTT là đúng thực tiễn, thì biện pháp bảo đảm khi yêu cầu áp dụng BPKCTT là không cần thiết. Đương nhiên, trong trường hợp người yêu cầu áp dụng BPKCTT gây thiệt hại, thì họ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị áp dụng. Mặt khác, có thể yêu cầu người áp dụng BPKCTT viết cam đoan sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu như việc yêu cầu của họ gây thiệt hại cho bên kia và bản cam đoan này gửi kèm bộ hồ sơ/đơn khởi kiện. Quy định này sẽ giúp cho quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT quy định tại các khoản 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 102 của Bộ luật TTDS có tính khả thi trong thực tiễn, bảo đảm việc thi hành án cũng như ngăn chặn việc tẩu tán tài sản của người bị áp dụng BPKCTT.