Ông Quỳnh, thượng tá quân đội vừa về hưu, có vợ làm giáo viên, quê ở huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã quyết định chia tay thành phố để chuyển về quê sinh sống. Khi còn công tác, ông Quỳnh được cơ quan tạo điều kiện cho mua nhà tập thể ở nội đô Hà Nội để sinh sống và tiện công tác. Nay căn hộ này ông, bà chuyển lại cho con cháu, còn cả hai chuyển về quê để tránh sự ồn ào, ngột ngạt của thành phố.
“Về quê giúp chúng tôi thoải mái hơn. Hơn nửa đời người sống trong phố ồn ào, tấp nập, thậm chí là bị áp lực bởi tiếng động và cuộc sống xô bồ, nên khi có điều kiện, chúng tôi quyết định về quê. Thỉnh thoảng vào phố thăm con cháu, hoặc đi chơi phố ban đêm”, ông Quỳnh chia sẻ.
Sống ở ngoại thành tránh xa ồn ào nơi phố thị không phải chỉ là lựa chọn của người già, mà đang trở thành xu hướng được nhiều người trẻ lựa chọn.
Lúc đầu họ mua nhà ngoại thành vì điều kiện không có để mua nhà ở nội đô, nhưng sau thời gian sinh sống, cùng với sự phát triển của hạ tầng giao thông, tiện ích xã hội ở vùng ngoại ô, họ không còn muốn chuyển vào nội thành.
Anh Lê Văn Hòa (quê Thanh Hóa) lên Hà Nội học tập rồi lập nghiệp đã được hơn 20 năm. Sau thời gian tích lũy, vợ chồng anh chị quyết định mua nhà để an cư tại Thủ đô. Không không muốn ở chung cư, vợ chồng anh tìm mua đất nền ngoại thành để xây nhà.
Mảnh đất "cắm dùi" đầu tiên ghi tên vợ chồng anh ở xã Hải Bối, huyện Đông Anh rộng hơn 70 m2. Thời gian anh chị mua ở đây, giá đất còn rẻ, chỉ khoảng 400 triệu đồng, nhưng chưa có sổ đỏ. Sau đó, anh chị làm được sổ đỏ, rồi xây dựng cơ ngơi rộng lớn. Giờ hỏi anh có muốn vào phố không, cả hai vợ chồng đều lắc đầu, bởi cuộc sống ngoại thành không ồn ào tấp nập, không gian rộng thoải mái hơn và đi làm cũng chỉ cách khoảng hơn chục cây số. Hơn nữa, nhà lại có ô tô, đi lại cũng tiện, cuộc sống sinh hoạt ở đây cũng dễ chịu hơn trong phố.
“Thỉnh thoảng cuối tuần gia đình lại rủ nhau vào phố chơi, dạo quanh bờ hồ, hay ăn uống, hẹn bạn bè… khiến cuộc sống gia đình thêm vui, đầm ấm hơn sau những giờ lao động vất vả. Cuộc sống ngoại thành có nhiều cái hay, thú vị hơn”, anh Hòa chia sẻ.
Cũng trong cảnh lập nghiệp nơi xứ người, anh Nguyễn Văn Cường (Hải Phòng) lúc đầu cũng mua đất tại huyện Hoài Đức, gần trục đường 32 (Hà Nội) để xây nhà sinh sống. Anh hiện là chủ doanh nghiệp sản xuất sơn chống gỉ, xây dựng công trình, còn vợ phụ trách cửa hàng nhôm kính. Khi thu nhập khả giả và do nhu cầu của kinh doanh, vợ chồng anh mua hai căn nhà cùng ở mặt đường Hồ Tùng Mậu (quận Nam Từ Liêm) vừa là nơi kinh doanh vừa để sinh sống, còn nhà cũ cho thuê.
Theo chia sẻ của anh Cường, thời gian đầu, gia đình cũng háo hức vì vào gần phố sinh sống, nhưng cũng được một thời gian lại thấy khó chịu, vì sự ồn ào, bất tiện trong sinh hoạt. Do đó, vợ chồng anh để cả hai căn nhà rộng với gần 70 m2/căn trong phố chỉ để làm văn phòng giao dịch, còn gia đình lại trở về sinh sống tại căn nhà ở Hoài Đức, bởi tuyến đường từ nhà tới chỗ làm không xa và đi lại bằng ô tô nên cũng tiện.
“Vất vả cả ngày, chỉ muốn giấc ngủ được yên tĩnh, sâu hơn để tái tạo sức lao động, nên chúng tôi chọn quay về nhà cũ. Hơn nữa, ở Hoài Đức hiện nay, sinh hoạt, ăn uống cũng tiện nghi hơn, thực phẩm hàng xóm làm được, mình mua cũng an toàn mà lại rẻ”, anh Cường nói và cho biết, giờ có việc mới đi vào phố, hoặc thỉnh thoảng gia đình lên phố cổ chơi.
Cách đây khoảng hơn 10 năm về trước, tư duy “sính nhà nội đô” của người dân rất cao, vì khu trung tâm có nhiều khu tiện ích, gần chỗ làm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cùng với quá trình đô thị hóa lan rộng ra vùng ngoại thành, hạ tầng giao thông, tiện ích xã hội phát triển mạnh, nhiều người có xu hướng mua nhà ở vùng ven để sinh sống.
Xu hướng này, theo các chuyên gia, sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, khi nhiều dự án bất động sản lớn với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, tiện ích được các chủ đầu tư triển khai ở các quận, huyện vùng ven theo kế hoạch giãn dân tại các thành phố lớn.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com