Máy bay của các hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+).
Bộ Giao thông Vận tải vừa đưa ra phương án tổ chức vận tải hành khách theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 ngày 22/4/2020.
Với lĩnh vực hàng không, Bộ Giao thông Vận tải đồng ý đường bay Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại có tổng tần suất 20 chuyến khứ hồi/ngày.
Các đường bay Hà Nội/Thành phố Hồ Chí Minh-Đà Nẵng và ngược lại tổng tần suất 6 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay.
Đường bay Hà Nội/Thành phố Hồ Chí Minh đi các địa phương khác mỗi hãng được khai thác 1 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay. Đường bay thành phố Hồ Chí Minh-Côn Đảo và ngược lại sẽ bay 1 chuyến khứ hồi/ngày.
Các đường bay giữa các địa phương khác có điểm đi/đến không phải Hà Nội/Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi hãng được phép khai thác 1 chuyến khứ hồi/ngày.
Về vận tải hành khách liên tỉnh, xe tuyến cố định chỉ hoạt động tối đa đến 30% theo biểu đồ đối với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ và tối đa đến 50% theo biểu đồ đối với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ thấp (tối thiểu không nhỏ hơn 1 chuyến/tuyến).
Xe hợp đồng, xe du lịch chỉ hoạt động tối đa đến 30% theo tổng số xe của đơn vị kinh doanh vận tải với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ và tối đa đến 50% theo tổng số xe của đơn vị kinh doanh vận tải với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ thấp (tối thiểu không nhỏ hơn 1 xe/đơn vị kinh doanh vận tải).
Riêng vận tải hành khách nội tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể việc vận chuyển hành khách thuộc phạm vi quản lý.
Với lĩnh vực đường sắt, tuyến Hà Nội đi Thành phố Hồ Chí Minh chỉ được khai thác tối đa 3 đôi tàu khách/ngày (3 chuyến Hà Nội đi Thành phố Hồ Chí Minh và 3 chuyến ngược lại). Các tuyến đường sắt còn lại duy trì mỗi tuyến 1 đôi tàu khách/ngày (1 chuyến đi và 1 chuyến ngược lại).
Lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định về vận tải hành khách nội địa. Riêng vận tải hành khách liên tỉnh, Bộ Giao thông Vận tải chỉ cho phép tối đa 1 chuyến/tuyến/ngày.
“Thời gian áp dụng từ 00 giờ 00 phút ngày 23/4/2020 cho đến khi có thông báo mới,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Đối với vận tải hành khách liên tỉnh, trường hợp thay đổi về tần suất hoặc hạn chế điểm đến theo ý kiến của Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Giao thông Vận tải giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Cục Hàng không Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam sẽ yêu cầu các đơn vị vận tải hành khách điều chỉnh cho phù hợp đồng thời theo dõi, kịp thời hướng dẫn những vấn đề phát sinh trong phạm vi quản lý.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra hướng dẫn các điều kiện y tế phòng chống dịch COVID-19 trên các phương tiện giao thông như: trang bị dung dịch rửa tay (có ít nhất 60% nồng độ cồn);
Dung dịch khử khuẩn; thùng rác có nắp đậy trên mọi phương tiện vận tải. Đồng thời, hành khách phải được sắp xếp, bố trí ngồi giãn cách trên phương tiện (không quá 50% số ghế và cách 1 ghế) hoặc đảm bảo cách nhau 1m.
Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu tất cả người điều khiển phương tiện, người phục vụ và hành khách đi trên phương tiện phải đeo khẩu trang đúng cách trong suốt chuyến đi;
Hạn chế nói chuyện, ăn uống trong chuyến đi; không khạc nhổ bừa bãi; yêu cầu hành khách trước khi lên phương tiện cần khai báo y tế điện tử (hoặc khai báo y tế giấy); kiểm tra thân nhiệt; sát khuẩn tay.
Hãng vận chuyển được khuyến khích thông gió tự nhiên trên phương tiện (mở cửa kính đối với taxi, xe khách...); thực hiện khử khuẩn các bề mặt phương tiện trước và ngay sau khi kết thúc chuyến đi, trong quá trình di chuyển cần khử khuẩn thường xuyên tùy tình hình thực tế.
Trong quá trình di chuyển nếu hành khách có biểu hiện sốt, ho, khó thở, các đơn vị cần thông báo với tiếp viên hoặc nhân viên phục vụ trên phương tiện, gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) và đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.