Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết trước khi mùa quyết toán thuế năm 2021 khởi động.
Đến thời điểm này, theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng số tiền Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 đã huy động được gần 8.800 tỷ đồng. Đây là toàn bộ số tiền do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp, thưa ông, vậy số tiền đóng góp được quyết toán thuế ra sao?
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế). |
Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 thu được 8.800 tỷ đồng, chủ yếu là nhờ sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, có doanh nghiệp đã đóng góp hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch, nhưng cũng sẵn sàng đóng góp số tiền không nhỏ.
Doanh nghiệp đã có nghĩa cử cao đẹp thì ngân sách nhà nước cũng phải chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, vì vậy, Bộ Tài chính đã kịp thời trình Chính phủ ban hành Nghị định 44/2021/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp được tính vào chi phí, được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ cả tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống Covid-19.
Nhưng thưa ông, không chỉ có Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 mới là đầu mối nhận ủng hộ, mà còn nhiều đơn vị khác. Vấn đề là chứng từ, hóa đơn thế nào được coi là hợp lệ khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021?
Ngoài Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19, còn có nhiều cơ quan, tổ chức khác cũng được phép nhận ủng hộ, tài trợ như cơ sở y tế; đơn vị lực lượng vũ trang; cơ sở cách ly tập trung; cơ sở giáo dục; bộ, ngành, kể cả cơ quan báo chí; tổ chức đảng, đoàn thanh niên, công đoàn các cấp cũng được nhận hỗ trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phục vụ cho việc phòng, chống dịch. Tất cả các khoản mà doanh nghiệp đóng góp, ủng hộ cho các tổ chức này chứ không riêng gì ủng hộ, đóng góp vào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 đều được coi là khoản chi hợp lệ và được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.
Khi nhận hỗ trợ, tài trợ, các tổ chức nêu trên chỉ cần lập biên bản xác nhận ủng hộ, tài trợ (theo mẫu). Vì lý do nào đó, đơn vị nhận tài trợ không lập theo biên bản mẫu, thì chỉ cần văn bản, tài liệu viết tay hoặc trên máy tính xác nhận khoản chi ủng hộ, tài trợ cũng đều được coi là hợp lý, hợp lệ, miễn là phải có chữ ký, đóng dấu của bên ủng hộ, tài trợ và bên nhận ủng hộ, tài trợ; kèm theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp xác nhận số tiền, hiện vật ủng hộ.
Như vậy, khi quyết toán thuế, doanh nghiệp chỉ cần có bất cứ một trong các loại giấy tờ kể trên thì khoản chi ủng hộ, tài trợ đã được coi là hợp lý, hợp lệ, thưa ông?
Thậm chí không cần những giấy tờ nêu trên, mà giấy tờ khác cũng sẽ được cơ quan thuế chấp nhận. Ví dụ, nhận được “thư ngỏ” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận kêu gọi sự ủng hộ, doanh nghiệp xuất tiền thì chứng từ thanh toán chính là thư ngỏ, giấy chuyển tiền qua ngân hàng hoặc giấy chi tiền ủng hộ đều là hợp lệ.
Nội dung chứng từ cũng rất đơn giản, chỉ cần ghi ngày tháng, chi bao nhiêu cho tổ chức nào, theo văn bản đề nghị nào. Thậm chí không có văn bản, mà chỉ cần Chủ tịch công đoàn, Bí thư đoàn thanh niên báo cáo giám đốc xuất tiền hỗ trợ cho cơ sở cách ly nào đó, sau đó làm giấy tờ với nội dung ngày tháng này đã đề nghị ủng hộ cho cơ sở cách ly và được chấp thuận thì cũng được coi là hợp lệ. Thậm chí, không có bất cứ giấy tờ, chứng từ gì, doanh nghiệp chỉ có “thư cảm ơn” của đơn vị nhận sự tài trợ, trong đó ghi rõ đã nhận được những vật tư y tế gì, bao nhiêu tiền, hiện vật gì thì đều được chấp nhận.
Nói chung, chứng từ được coi là hợp lý, hợp lệ xác nhận sự đóng góp của doanh nghiệp cho việc phòng, chống Covid-19 vô cùng phong phú, đa dạng. Nhưng tôi cũng nhấn mạnh là doanh nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm tính xác thực của việc hỗ trợ, tài trợ, cơ quan thuế sẽ kiểm tra sau, nếu phát hiện ra gian lận, không trung thực, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Nhưng thưa ông, ngoài khoản hỗ trợ, ủng hộ, doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí rất nhiều để thực hiện “3 tại chỗ”, “2 cung đường 1 điểm đến”, hỗ trợ người lao động nhằm duy trì sản xuất. Vậy những khoản này được tính thế nào khi quyết toán thuế?
Tất cả các khoản mà doanh nghiệp bỏ ra để phục vụ cho việc phòng dịch, chống dịch, khắc phục hậu quả Covid-19 đều được coi là chi phí có liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn cụ thể về nội dung này vì chưa có trong tiền lệ, nhưng về đạo lý, các khoản chi này không thể không liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, doanh nghiệp đã cố gắng duy trì sản xuất, giữ việc làm cho người lao động, họ phải chi tiền cho hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại doanh nghiệp, thì khoản chi này phải được coi là hợp lý, hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.