Tất cả chỉ còn thiếu: Một gói kích cầu

Tất cả chỉ còn thiếu: Một gói kích cầu

(ĐTCK) “Các nhà hoạch định chính sách kinh tế Việt Nam rất ngại dùng từ ‘kích cầu’ đối với nền kinh tế giai đoạn trước mắt, nhưng tôi mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật và đề xuất: kích cầu. Chỉ có kích cầu mới tạo công ăn việc làm, tạo ra sản phẩm và tránh tình trạng tê liệt nền kinh tế hậu lạm phát và giảm phát, trong đó không có năm nào thuận lợi hơn năm 2014”, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank chia sẻ với ĐTCK về giải pháp tháo gỡ nút thắt trung tâm của nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng hiện nay. 

Ở góc độ lãnh đạo của một NHTM, ông nhận định khó khăn và thách thức nào mà hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ phải đối mặt trong năm 2014 - 2015?

Hoạt động ngân hàng như lăng kính phản ánh tình hình kinh tế - xã hội của một quốc gia nói chung, sức khỏe của doanh nghiệp nói riêng. Nền kinh tế - xã hội và các doanh nghiệp đang phải đối đầu với những khó khăn, thách thức liên tục trong vài năm gần đây. Vì vậy, hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam vẫn phải đối đầu với những khó khăn, thách thức từ hậu quả của nợ xấu, áp lực giảm lãi suất huy động, áp lực phải giải ngân tín dụng, tránh ứ đọng vốn năm 2014… Nhưng ngược lại, rất có thể các ngân hàng lại phải đối đầu với bẫy thanh khoản vào cuối năm 2015, do các ngân hàng khoán cho vay và có quá nhiều dự án được ký kết, giải ngân cùng một thời điểm. Nếu câu chuyện đó xảy ra cùng với sức nóng giải ngân đầu tư công thì sẽ lại thúc đẩy phong trào tăng lãi suất huy động và lạm phát… một chu kỳ hay gặp của nền kinh tế Việt Nam.

Còn yếu tố thuận lợi?

Khó khăn trên có thể xảy ra, nhưng cũng chỉ là giả thiết và cũng có giả thiết là căn bệnh trầm kha trên đã được Chính phủ và các bộ, ngành chức năng, nhất là NHNN hội chẩn đúng, bốc thuốc kịp thời, thì năm 2014 là năm ổn định và cơ cấu, năm 2015 - 2016 là năm phát triển của các doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng thương mại.

Minh bạch đối với nội bộ và công chúng là một trong những điều kiện để tồn tại và phát triển

Ông có thể nói cụ thể hơn về “đơn thuốc” mà Chính phủ và NHNN đã đưa ra?

Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Cụ thể, NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý; bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng và của nền kinh tế. Bên cạnh đó, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam; tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

Riêng với hoạt động tín dụng, NHNN đôn đốc các ngân hàng thương mại thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, cơ cấu lại nợ, hạn chế nợ xấu gia tăng; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra và công khai, minh bạch hoạt động.

NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu theo Đề án đã được phê duyệt, tạo điều kiện cho DN, hợp tác xã, hộ sản xuất tiếp cận vốn tín dụng, điều hành lãi suất cho vay phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa tổ chức tín dụng, người gửi tiền và khách hàng vay.

Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng rà soát, phân loại nợ, đối tượng vay; thực hiện cơ cấu lại nợ, kể cả việc xem xét khoanh nợ trên cơ sở khả năng tài chính của tổ chức tín dụng. Đề cao trách nhiệm của các tổ chức tín dụng và đẩy mạnh hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam trong xử lý nợ xấu.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung quy định về giao dịch bảo đảm và các quy định liên quan về bán đấu giá tài sản, tài sản bảo đảm và phát triển thị trường mua bán nợ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay, thu hồi nợ.

Tiếp tục tập trung ưu tiên vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn phục vụ kịp thời cho Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Toàn thể hệ thống chính trị tập trung thực hiện 3 mục tiêu đột phá chiến lược: "thể - nhân - hạ" - đẩy mạnh cải cách thể chế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng.

Năm 2014, Thống đốc NHNN đã chỉ đạo thực hiện chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng, chủ động, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các cơ chế chính sách điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, nhằm ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối, thị trường vàng, góp phần kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển thông qua công cụ lãi suất, tăng trưởng tín dụng hợp lý và tích cực xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, góp phần thực hiện tốt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015) và chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của Chính phủ. Những giải pháp của NHNN thể hiện rõ trách nhiệm xã hội: làm tất cả những gì có thể làm được, thậm chí hy sinh quyền lợi của hệ thống ngân hàng vì lợi ích chung của nền kinh tế. Các giải pháp đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Ông có khuyến nghị gì thêm đối với Chính phủ và NHNN?

Các nhà hoạch định chính sách kinh tế Việt Nam rất ngại dùng từ “kích cầu” đối với nền kinh tế giai đoạn trước mắt, nhưng tôi mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật và đề xuất: kích cầu. Chỉ có kích cầu mới tạo công ăn việc làm, tạo ra sản phẩm và tránh tình trạng tê liệt nền kinh tế hậu lạm phát và giảm phát, trong đó không có năm nào thuận lợi hơn năm 2014 về huy động trái phiếu chính phủ, thậm chí công trái xây dựng tổ quốc huy động vốn trong nền kinh tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, để xây dựng các công trình tầm cỡ quốc gia mang tính chất chiến lược, lâu dài.

Theo tôi, riêng việc tái cơ cấu hoạt động ngân hàng thương mại cần thực hiện theo hướng ưu tiên sáp nhập để tạo ra cơ thể mạnh hơn, tiến tới cơ chế giải thể các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém nhưng người gửi tiền không mất tiền, còn cổ đông có thể mất vốn.

Có một vấn đề hiện đang được đề cập nhiều đó là các NHTM cần chủ động công bố và minh bạch thông tin trong quản trị rủi ro. Bình luận của ông về vấn đề này?

Đó là điều bình thường và bắt buộc đối với các doanh nghiệp đại chúng, mà ngân hàng thương mại là doanh nghiệp đại chúng.

Vậy LienVietPostBank đã chủ động công bố và minh bạch thông tin trong quản trị rủi ro như thế nào?

Trong những năm qua, LienVietPostBank luôn tuân thủ các nguyên tắc của một doanh nghiệp đại chúng và các yêu cầu thông tin báo cáo theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Minh bạch đối với nội bộ và công chúng là một trong những điều kiện để tồn tại và phát triển. Với tôi, “công khai là bí mật”. Do đó, việc công bố và minh bạch thông tin đối với LienVietPostBank là không có khó khăn gì.

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

Tin bài liên quan