Lĩnh vực bất động sản và dịch vụ thu phí tự động không dừng theo hình thức BOO của Tasco lỗ lớn.

Lĩnh vực bất động sản và dịch vụ thu phí tự động không dừng theo hình thức BOO của Tasco lỗ lớn.

Tasco (HUT) dù thua lỗ vẫn lấn sân năng lượng tái tạo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi Chính phủ tạo nhiều cơ chế thu hút đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo, Công ty cổ phần Tasco muốn tham gia lĩnh vực này, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh giai đoạn 2017 - 2019 lao dốc và từ quý II/2020 đến quý I/2021 liên tục thua lỗ.

Tasco sẽ huy động vốn thông qua phát hành riêng lẻ

Đại hội cổ đông năm 2021 của Tasco (mã chứng khoán HUT) đã thông qua chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2023 với 5 mũi nhọn là bất động sản, công nghệ, năng lượng tái tạo, đầu tư hạ tầng giao thông và thầu xây dựng.

Trong đó, Ban lãnh đạo Tasco cho biết, doanh nghiệp đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo do từng thành công khi đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Thuận Nam 19 mà công ty con là Công ty cổ phần Tasco Năng Lượng làm chủ đầu tư, với quy mô 49 MW, tổng mức đầu tư 1.356 tỷ đồng, hoàn thành, phát điện thương mại vào tháng 6/2019.

Hiện tại, doanh nghiệp đang lên kế hoạch nghiên cứu và triển khai thủ tục đầu tư 2 dự án điện gió, 1 dự án điện mặt trời tại miền Trung và Tây Nguyên, công suất mỗi dự án là 100 MW.

Đặc thù đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo là giai đoạn triển khai dự án cần vốn lớn và thời gian hoàn vốn dài. Trong khi đó, tính tới 31/3/2021, Tasco chỉ sở hữu 400,7 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm gần 4% tổng tài sản. Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn lên tới 5.453,8 tỷ đồng, chiếm 54% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp.

Đại hội đồng cổ đông Tasco tổ chức ngày 19/6 đã thông qua kế hoạch phát hành 80 triệu cổ phiếu riêng lẻ nhằm huy động 800 tỷ đồng, toàn bộ số tiền huy động sẽ bổ sung nguồn vốn cho Công ty.

Lợi nhuận tạo ra không đủ trả lãi vay

Kể từ năm 2017 tới nay, Tasco có tình hình kinh doanh thụt lùi khi doanh thu và lợi nhuận có xu hướng giảm. Trung bình trong 4 năm trở lại đây, doanh thu giảm 26,1%/năm và năm 2020, Công ty lỗ 243,4 tỷ đồng.

Bước sang quý I/2021, Tasco lỗ thêm 24,5 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2020 lãi 5,4 tỷ đồng), khiến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến 31/3/2021 giảm từ 80,6 tỷ đồng về 57,8 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh đi xuống của doanh nghiệp một phần đến từ hoạt động đầu tư lĩnh vực bất động sản có lợi nhuận sụt giảm, trong khi những mảng còn lại không tăng trưởng, thậm chí mảng thu phí gặp khó khăn.

Xét cơ cấu lợi nhuận giai đoạn 2019 - 2020, lĩnh vực bất động sản năm 2019 lỗ 10 tỷ đồng, năm 2020 lỗ 54,9 tỷ đồng; lĩnh vực dịch vụ thu phí tự động không dừng theo hình thức BOO năm 2019 lỗ 126,2 tỷ đồng, năm 2020 lỗ 300,2 tỷ đồng; lĩnh vực dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức BOT năm 2019 lãi 113,1 tỷ đồng, năm 2020 lãi 103,6 tỷ đồng; lĩnh vực xây lắp và hoạt động khác năm 2019 lãi 67,7 tỷ đồng, năm 2020 lãi 8,1 tỷ đồng.

Như vậy, lĩnh vực bất động sản và dịch vụ thu phí tự động không dừng theo hình thức BOO cho thấy hoạt động kinh doanh có vốn đầu tư lớn này không tạo ra lợi nhuận; lĩnh vực dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức BOT có lãi nhưng không bù đắp được các lĩnh vực khác, dẫn tới năm 2020 lỗ lớn và quý I/2021 tiếp tục lỗ.

Nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Tasco tính đến cuối quý I/2021 là 5.453,8 tỷ đồng, chiếm gần 186% vốn chủ sở hữu; chi phí lãi vay trong quý đầu năm lên tới 83,6 tỷ đồng, gần bằng lợi nhuận gộp.

Đặc biệt, nguyên nhân Tasco thua lỗ còn do đặc thù vốn đầu tư các dự án thu phí lớn và doanh nghiệp sử dụng tỷ lệ nợ vay cao để tài trợ cho các dự án. Cụ thể, từ ngày 1/1/2016 tới 31/3/2021, doanh nghiệp đã tăng thêm 1.744,7 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và dài hạn lên 5.453,8 tỷ đồng, gần bằng 186% vốn chủ sở hữu. Nợ vay chiếm trọng số lớn trong nguồn vốn dẫn tới chi lãi vay bào mòn gần hết lợi nhuận giai đoạn 2016 - 2019, tới năm 2020 và quý I/2021, lợi nhuận tạo ra không đủ trả lãi vay.

Nhìn sang một số doanh nghiệp cùng ngành thực hiện đầu tư dự án BOT như Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (IJC), doanh nghiệp này xây dựng 2 trạm BOT trên Quốc lộ 13 địa bàn thị xã Thuận An, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã sử dụng nợ vay tương đối thấp.

Tính tới 31/3/2021, IJC sử dụng tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn là 1.284,4 tỷ đồng, bằng 38,2% vốn chủ sở hữu. Doanh nghiệp phát triển đồng thời dự án BOT và hoạt động bất động sản, kết quả kinh doanh tăng trưởng, trả cổ tức đều đặn cho cổ đông.

Quay trở lại Tasco, tình hình hoạt động hiện chưa có dấu hiệu khởi sắc khi Công ty đặt kế hoạch kinh doanh năm 2021 với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế âm 100 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Tasco, trong năm 2021, ngoài chi phí vận hành và chi phí khấu hao lớn như các năm trước, chi phí lãi vay lớn sẽ phải hạch toán vào chi phí sản xuất - kinh doanh do dự án đã hoàn thành giai đoạn đầu tư.

Trong khi đó, doanh thu của dự án phụ thuộc vào tiến độ ký kết hợp đồng dịch vụ với nhà đầu tư BOT. Công ty dự kiến, dự án tiếp tục lỗ lớn trong năm 2021 - 2022, chủ yếu lỗ do ảnh hưởng từ dự án thu phí không dừng VETC.

Đối với lĩnh vực bất động sản, Công ty đang chuẩn bị thủ tục giao đất để lên kế hoạch triển khai đầu tư, xây dựng và bán hàng trong năm 2022, nên lĩnh vực này sẽ đóng góp không đáng kể vào kết quả kinh doanh năm 2021.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 có diễn biến khó lường, ảnh hưởng tới hoạt động giao thông của người dân tại nhiều khu vực.

Được biết, Tasco đang là chủ đầu tư không ít dự án BT, BOT, BOO và đầu tư lĩnh vực hạ tầng giao thông như tuyến đường Quốc lộ 10 (Hải Phòng), tuyến đường từ Lê Đức Thọ đến đường 70 quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), dự án Xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 (Quảng Bình), dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới đoạn Phủ Lý - Mỹ Lộc (Nam Định)…

Đáng lưu ý, doanh nghiệp đã thực hiện chiến lược đầu tư dự án thu phí không dừng theo hình thức hợp đồng BOO trong nhiều năm, nhưng không hiệu quả.

Tasco hiện có vốn điều lệ hơn 2.686,3 tỷ đồng, tương đương hơn 268,6 triệu cổ phiếu. Dù kinh doanh thua lỗ, nhưng thị giá cổ phiếu HUT hiện gấp đôi so với đầu năm, 2 tuần qua dao động phổ biến quanh mức 8.500 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan