Thu phí không dừng: Tiềm năng
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, sau ngày 31/7/2022, nếu dự án BOT chưa triển khai xong việc lắp đặt thiết bị thu phí không dừng sẽ phải xả trạm và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân. Ngay từ 1/6 tới sẽ áp dụng thu phí không dừng toàn bộ trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Đến nay đã có 114 trạm thu phí trên toàn quốc đưa vào vận hành hệ thống ETC.
Chính sách trên được đánh giá cao, vừa minh bạch các nguồn thu dự án BOT, vừa hạn chế tình trạng ùn tắc trên các tuyến cao tốc.
Với các chính sách như trên, số lượng phương tiện dán thẻ ETC được nhận định tăng nhanh, là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp khai thác thị trường này như VETC và VDTC.
Số liệu từ VETC (công ty con của Tasco) cho thấy, lượng khách hàng dán thẻ tính đến cuối năm 2021 đạt 1,4 triệu, lượng khách hàng dán thẻ qua VDTC là 1,1 triệu. Như vậy, với tổng số gần 5 triệu xe đang lưu hành tại Việt Nam, còn tới 2,5 triệu khách hàng có thể khai thác.
Bên lề cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, đại diện Tasco cho biết, đây là thị trường rất tiềm năng, mỗi tháng vừa qua, lượng thẻ dán qua VETC đạt gần 90.000 thẻ.
Báo cáo tài chính của Tasco cho thấy, trong mảng đầu tư cơ sở hạ tầng, doanh thu và lợi nhuận gộp từ hoạt động thu phí đường bộ BOT và dịch vụ thu phí không dừng VETC đang tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái khi tình hình dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát và lưu lượng phương tiện giao thông qua các trạm thu phí gia tăng trở lại. Trong quý đầu năm 2022, mảng thu phí BOT mang lại phần lớn lợi nhuận gộp, đạt hơn 81 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, kho dữ liệu lên tới gần 1,5 triệu khách hàng sử dụng ô tô là nhóm có thu nhập khá trở lên hiện nay là nguồn dữ liệu khách hàng quan trọng để Tasco khai thác phục vụ cho các các mảng hoạt động mới như bảo hiểm trong hệ sinh thái của mình.
Thị trường ô tô tăng trưởng 2 con số
Tasco cũng có nhiều lợi thế khi thị trường ô tô trở lại nhanh sau đại dịch. Số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, doanh số thị trường ô tô Việt Nam trong tháng 4/2022 đạt 51.745 xe, tương đương cứ mỗi phút có một ô tô mới tìm thấy chủ nhân.
Sản lượng và thị phần xe thương mại tháng 4/2022. |
Hiệu ứng từ chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước (Nghị định 103/2021/NĐ-CP, áp dụng đến hết tháng 5/2022) giúp doanh số thị trường ô tô Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục. Hiện phần lớn số xe mới đặt hàng ở đại lý trong tháng 5/2022 đều không thể giao kịp trong tháng này, do nguồn cung thiếu hụt.
Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) hiện chiếm thị phần xấp xỉ 11,2% trong mảng phân phối xe hơi, sẽ hưởng lợi lớn. Doanh số năm 2022 được nhận định lạc quan hơn nhiều năm trước, bởi cả thị trường đóng băng trong năm 2021 vì dịch bệnh.
Ông Mai Việt Hà, Tổng giám đốc Savico phân tích, triển vọng thị trường ô tô Việt Nam rất sáng. Hiện vị trí số 1 ASEAN là Indonesia với quy mô tiêu thụ 880.000 xe/năm, Thái Lan đạt 750.000 xe, Malaysia đạt 500.000 xe, còn Việt Nam đạt hơn 300.000 xe. Xét về quy mô, Việt Nam đứng thứ 4 ASEAN, nhưng nếu so sánh về giá xe (giá xe bán tại Việt Nam cao hơn gần một nửa so với Thái Lan) thì quy mô thị trường xe hơi đã gần tương đồng với Thái Lan.
Các nhà sản xuất kỳ vọng, 2022 là năm đầu tiên thị trường Việt Nam đạt quy mô tiêu thụ nửa triệu xe nếu nguồn cung đáp ứng đủ. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 15%/năm, thị trường Việt Nam có thể đạt đến 1 triệu xe vào năm 2026, đạt vị trí Top 2 sau Indonesia.
Với thị phần chiếm khoảng 11,2% thị trường phân phối xe hơi, nếu quy mô thị trường Việt Nam đạt 1 triệu xe/năm, doanh thu của Savico có thể lên tới 70.000 tỷ đồng vào năm 2026. Một quy mô đủ lớn để thu hút các đại gia lớn của nước ngoài bỏ vốn vào doanh nghiệp cũng là mục tiêu gọi vốn của Tasco (hướng đến phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài, với giá trị thặng dư cao).
Nếu việc hoán đổi cổ phần SVC Holdings thành công, Tasco sẽ sở hữu 100% vốn tại công ty này, đồng thời gián tiếp sở hữu 53,68% cổ phần Savico - doanh nghiệp chiếm xấp xỉ 11,2% thị phần mảng phân phối xe ô tô.
Đại hội đồng cổ đông Tasco mới đây đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.486,3 tỷ đồng lên 5.438,8 tỷ đồng để hoán đổi cổ phần của Công ty cổ phần SVC Holdings (công ty mẹ của Savico) và phát hành tăng vốn hơn 1.162 tỷ đồng để góp 550 tỷ đồng vào Tasco Land và 612 tỷ đồng góp vốn/đầu tư và phát triển một công ty bảo hiểm phi nhân thọ.
Thông qua việc hoán đổi cổ phần SVC Holdings, Tasco sẽ sở hữu 100% vốn tại công ty này, đồng thời gián tiếp sở hữu 53,68% cổ phần Savico.
Quý I/2022, Tasco đạt doanh thu gần 240 tỷ đồng, trong đó, hoạt động thu phí đóng góp hơn 179 tỷ đồng. Ngoài ra, hoạt động tài chính đem lại cho Tasco hơn 126 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 88 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 24,5 tỷ đồng. Kết quả này tương đối khả quan so với cùng kỳ, nhưng như đã phân tích, triển vọng dài hạn của Tasco xem ra mới là điều đáng quan tâm.
Có thể, việc hợp nhất các mảng kinh doanh tiềm năng như thu phí BOT, kinh doanh ô tô đã lý giải cho việc Tasco đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2022 - 2024 (xem bảng).